“Phù thủy bong bóng” Fan Yang nuôi ước bằng nghề đào cống

ANTĐ - 17 lần lập kỷ lục Guinness với những quả bong bóng xà phòng, người ta gọi ông là “phù thủy bong bóng”, ví ông như kỷ lục gia đi khắp năm châu không tìm thấy đối thủ trong môn nghệ thuật tạo hình độc đáo này. Nhưng ít ai biết rằng nghệ nhân 50 tuổi quốc tịch Canada danh tiếng lẫy lừng thế giới này cũng mang trong mình dòng máu Việt. 

Cậu bé nghèo mê… bọt bóng

Fan Yang nói được tiếng Việt, mỗi lần được hỏi ông cũng không quên nói với mọi người rằng mình là người gốc Việt bởi mẹ ông là người Hải Phòng còn cha là người Nam Tư (cũ).  

Nhớ lại, Fan Yang bảo ngay từ khi còn nhỏ thì bọt bong bóng xà phòng đã có sức cuốn hút kỳ lạ với mình và lúc nào ông cũng nghĩ cách để biến thứ chất lỏng này thành những hình thù mình yêu thích. Nhà nghèo, ông thậm chí còn không có cả dép để đi, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm, thế nên đồ chơi với ông và bạn bè cùng trang lứa khi ấy là thứ gì đó rất xa xỉ. 5 tuổi ông đã cùng các anh đi làm vườn nhưng làm thì ít mà chủ yếu toàn… trốn ra bờ sông, bờ suối để nhìn những hạt bọt được đánh lên từ dòng nước chảy. Dần dà ông bắt đầu hình dung ra câu chuyện về bọt nước và tự hỏi vì sao nó không thể to hơn để mình có thể… chui vào đó. 

Cho đến năm 8 tuổi thì Fan Yang bắt đầu biết lấy cục xà phòng làm từ mỡ lợn cho vào nước đánh lên để tạo thành bọt. Cũng từ ấy ông bắt đầu “phiêu lưu” với những cuộc thí nghiệm cùng bong bóng. Ông bảo không hiểu sao khác với chúng bạn, ông không thích làm vỡ những quả bong bóng xà phòng lơ lửng trên không mà muốn kéo dài thêm sự tồn tại của chúng. Cũng bởi mải mê với ước mơ bong bóng mà đến khi trưởng thành, ông quên cả chuyện phải làm gì để lập nghiệp mà cứ loay hoay với việc tìm ra cách để “nhào nặn” chúng thành những quả bong bóng đủ hình thù và màu sắc. Trong suốt quãng thời gian đó Fan Yang làm đủ mọi việc lao động chân tay để nuôi sống ước mơ về những quả bong bóng, từ đào cống, hái ngô đến làm ruộng. Với Fan Yang thì những quả bong bóng ấy khơi dậy trong mình sự khao khát về một chân trời kỳ diệu mà ông không sao có thể từ bỏ được. 

Và giấc mơ có thật…

Ròng rã suốt nhiều năm sau đó ông tự mày mò học thêm để tìm ra cách pha chế dung dịch làm bong bóng có thể “biến hình” mặc cho mọi người trong gia đình ra sức can ngăn vì cho rằng đó là việc làm mộng tưởng. Cuối cùng thì Fan Yang cũng chế được một loại dung dịch đặc biệt siêu kết dính có thể giúp ông tạo ra những quả bong bóng trong mơ. Sau nhiều lần trình diễn cho bạn bè xem, ông quyết định liều đến thử các rạp xiếc với mong muốn tìm cơ hội trình diễn trước khán giả. Lang thang qua nhiều rạp xiếc, đa số đều nghi ngờ và lắc đầu từ chối trước lời đề nghị của ông: “tôi có thể biểu diễn với bong bóng, hãy để tôi thử sức”. Đã có lúc ông tưởng chừng phải bỏ dở ước mơ bong bóng thì bất ngờ một rạp hát đồng ý để ông thử trổ tài xem sao. Và lần đầu tiên ông có cơ hội được đứng trên sân khấu, đưa ước mơ của mình chạm đến với những người xa lạ. Không lâu sau trong một lần trình diễn trên đường phố Italia, một đài truyền hình đã đến ghi hình và làm phóng sự vài phút về ông. Cũng kể từ ấy, bong bóng của Fan Yang bắt đầu cuộc hành trình bay khắp thế giới… 

Kể từ lần đầu tiên trở về quê ngoại để biểu diễn cách đây 7 năm, đến giờ Fan Yang đã 3 lần biểu diễn ở Việt Nam. Ông bảo dù lỗ, dù tiền bán vé không đủ để ông trang trải chi phí bỏ ra nhưng năm nào ông cũng muốn về Việt Nam biểu diễn, đơn giản vì những lần trở về ấy có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng với mình. Có điều ít người biết, đó là vợ ông - bà Ana Yang cũng là người gốc Việt. Bà sinh ra ở Gia Lâm, Hà Nội và vì thế mà mỗi lần về Việt Nam, hai vợ chồng ông lại tranh thủ đưa con đi thăm thú và ghi hình lại những quả bong bóng kỳ diệu mà cả gia đình ông cùng thổi lên giữa thiên nhiên mây trời của nhiều địa danh nổi tiếng từ vịnh Hạ Long đến Sapa, Cao Bằng, Bắc Kạn… Fan Yang bảo dù sinh sống ở nước ngoài nhưng cậu con trai Demi Yang và cô con gái Melody Yang cũng được vợ chồng ông dạy nói tiếng Việt, ăn những món ăn Việt, giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Việt và kể những câu chuyện giáo dục về truyền thống văn hóa của người Việt. Riêng ông mỗi lần rời Việt Nam lại nhớ cồn cào hương vị của món phở Hà Nội.