Phong vị Tết xưa qua câu chuyện kể 70 năm trước

ANTD.VN - Bởi luôn lắng nghe và suy tư về cỗi gốc dân tộc mình, nên những trang viết về “Hội hè lễ Tết của người Việt” của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên sau hơn 70 năm vẫn có thể mời gọi độc giả hôm nay cùng đọc lại, nghĩ suy và tiếp nối hành trình đối thoại. 

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và vợ

Trời - Đất - Con người cùng hòa thành Tết 

Tưởng chừng những tiểu luận hàn lâm của một vị Giáo sư uyên bác sẽ vuông vức, khô khan, nhưng với giọng văn uyển chuyển mà gọn, những câu chuyện ngắn - nhỏ, dẫn chứng thú vị được lồng ghép duyên - khéo, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã viết về Tết Nguyên đán khiến cho độc giả dù ở lứa tuổi nào cũng phải rộn ràng. Mà lạ rằng, rất nhiều chi tiết cỏn con trong sách vẫn đang “mồn một” ngay ở cuộc sống hiện đại.

Ví như, nếu trong năm, người ta chỉ ăn một suất ít ỏi thì trong những ngày Tết lại gắng để ăn no nê hơn bình thường. Hay, Tết là quãng thời gian ai nấy đều coi là vinh dự khi chi tiêu hào phóng và biếu xén người thân, bạn bè thân thích cái để “ăn Tết” và cúng tổ tiên cho tươm tất. 

Hẳn phải có một tình cảm sâu đậm với quê hương xứ sở, sự quan sát trầm tĩnh, tỉ mỉ, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên mới có thể miêu tả sắc màu phố phường, chợ Tết, câu đối, tranh dân gian, công việc đàn ông đàn bà san sẻ nhau, nhà nhà tất bật dựng cây nêu để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết trong gia đình những người đang sống...

Một chi tiết ấn tượng, những đứa trẻ con nhà nghèo chẳng có gì ăn Tết đi quyên trong đêm cuối cùng tháng Chạp, gõ xuống đất ống tre dài từ 1 đến 1,5m trước cửa những nhà còn sáng đèn, trong ống bỏ vài đồng xu phát ra âm thanh gợi sự giàu có. Chúng đồng thanh cất bài ca cổ, tả chủ nhân ngôi nhà như chủ một gia đình vinh hiển. Người nào cũng đưa qua lỗ cửa cho chúng vài xu.

Và hầu hết, trẻ con quyết không ngủ đêm Giao thừa để xem người lớn đón các thần mới như thế nào. Khi Thượng đế cùng Táo quân sắp từ Trời trở về sau khi dâng tấu trình, người dân kê bàn trước sân, đặt trước các mũ thần bằng giấy nhiều màu những đĩa kẹo, những chén trà, rượu, hương, nến... Đặc biệt, qua sự lý giải của thầy bói hoặc thầy cúng, chân con gà trống nhiều nhà bày lên bàn thờ có thể nói cho gia chủ biết ông ta phải chờ đợi điều gì trong năm mới. 

Quả thực, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên có tài dùng câu chữ dẫn dắt bạn đọc. Từ chuyện bói chân gà, bạn đọc sẽ được cuốn tiếp vào tiếng pháo nổ, thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, những cuộc đi lễ đền chùa để tìm sự thanh bình giữa đám đông giản dị thành tâm sùng mộ.

Bìa cuốn sách “Hội hè lễ Tết của người Việt” (Tác giả Nguyễn Văn Huyên)

Bức tranh nền nếp sinh hoạt trong lễ - Tết -  hội

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã nghiên cứu Tết Nguyên đán vào khoảng năm 1940-1941. Vì buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới là buổi sáng linh thiêng nhất, nó là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng âm lịch tiếp theo, nên ông nhớ: “Xưa kia, người ta thổi ống tiêu để đoán tính chất điều kiện khí hậu trong năm; người ta uống rượu để xua đi các hơi lạnh và tử khí; người ta đốt vàng mã để xua đuổi hiểm họa binh đao, người ta giặt quần áo để tránh mọi bệnh tật và sự khốn khó...”.

Ở thập niên 40, thế kỷ XX, trong “buổi rạng đông của sự khởi đầu”, cha mẹ mừng tuổi cho mỗi con một số tiền nhỏ và những quả cam để làm khước (điều tốt lành theo quan niệm dân gian), học trò đến nhà thầy chúc thầy sống lâu, thầy cho trò những mảnh giấy hoa tiêu màu hồng và bút lông đẹp để họ viết những điềm báo trước cho cả năm.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định: “Phan Kế Bính cùng Đoàn Triển là những học giả đầu thế kỷ XX đã khái quát phong tục tập quán, tôn giáo của người Việt Nam qua hai công trình “Việt Nam phong tục”, “Tiểu học Bản quốc phong tục” tuy ngắn gọn đơn giản nhưng đầy đủ. Tuy nhiên, hai cụ là hai nhà nho, hai cụ biết gì kể ra nấy, không theo phương pháp dân tộc học hiện đại nào, không khảo cứu ở một làng nào cụ thể mà mặc nhiên Việt Nam là thế này, có ngần này phong tục, nghi lễ, tổ chức xã hội. Điều đó khác hẳn với Giáo sư Nguyễn Văn Huyên”.

Tác giả Nguyễn Văn Huyên theo phương pháp mô tả, nghiên cứu dân tộc học thực địa, ông đề cập cụ thể đó là Tết năm 1940-1941, Tết Trung thu (ngày 24-9-1942), về một bản đồ phân bố các thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh... chứ không nêu chung chung. Hai nhà nho Phan Kế Bính, Đoàn Triển là mô hình cơ bản còn Nguyễn Văn Huyên chọn ví dụ tiêu biểu nhất, tái dựng. Vì vậy, dân tộc học thực địa có giá trị làm minh chứng sống chứ không mặc định.

Nhờ những chuyến phiêu lưu điền dã làm tư liệu để so sánh, đối chiếu, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã có công trong việc đặt nền móng cho khoa học, xã hội và nhân văn đầu thế kỷ XX. Khởi bút từ những nền nếp sinh hoạt trong lễ - Tết -  hội, Giáo sư khắc họa nên bức tranh đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng. 

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), sinh tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội, quê làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 1926, ông sang Pháp học tập. Năm 1934, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn khoa tại trường Đại học Sorbonne. Luận án chính “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” và luận án phụ “Nhập môn nghiên cứu nhà sàn Đông Nam Á” của ông được đánh giá là xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được cử làm Tổng Giám đốc Vụ Đại học, Bộ Quốc gia Giáo dục. Tháng 11-1946, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất (19-10-1975). Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV và V. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Xã hội và Nhân văn.