Phong Nhã - nhạc sĩ của trẻ thơ

(ANTĐ) - Vị trí đầu bảng “nhạc sĩ của tuổi thơ” lâu nay vẫn thuộc về Phong Nhã. Nhạc sĩ Văn Chung coi ông như “Tiên chỉ” của làng ca khúc thiếu nhi. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu tôn ông làm “Vua sáng tác thiếu nhi”. Với bạn đọc nhỏ tuổi của báo Thiếu niên tiền phong, ông thân thiết như “Anh Cả Tươi” - bút danh trong nghề làm báo “cho trẻ con” của ông. Giữa bạn bè, ông lại gắn với những cái tên ngộ nghĩnh: “Nhi đồng cụ”, “Ông già thiếu nhi hóa”.

Phong Nhã - nhạc sĩ của trẻ thơ

(ANTĐ) - Vị trí đầu bảng “nhạc sĩ của tuổi thơ” lâu nay vẫn thuộc về Phong Nhã. Nhạc sĩ Văn Chung coi ông như “Tiên chỉ” của làng ca khúc thiếu nhi. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu tôn ông làm “Vua sáng tác thiếu nhi”. Với bạn đọc nhỏ tuổi của báo Thiếu niên tiền phong, ông thân thiết như “Anh Cả Tươi” - bút danh trong nghề làm báo “cho trẻ con” của ông. Giữa bạn bè, ông lại gắn với những cái tên ngộ nghĩnh: “Nhi đồng cụ”, “Ông già thiếu nhi hóa”.

Sinh năm Quý Hợi (1923), tuổi “đẹp” thế cứ ngỡ Nguyễn Văn Tường (tên “cúng cơm” của nhạc sĩ Phong Nhã) phải có số an nhàn, ấy vậy mà ông vua tương lai của làng ca khúc thiếu nhi ngay từ tấm bé đã kịp nếm đủ vị đắng cay của đứa trẻ sớm mồ côi mẹ.

Cha là người thầy đầu tiên dạy cho bé Tường bài học vỡ lòng về âm nhạc dân tộc. Góp phần gây dựng vốn liếng dân ca cho cậu bé còn phải kể đến ông già mù bán lạc rang. Mỗi lần bán được xu lạc, ông lại lấy sáo thổi một bài. Bị mê hoặc bởi tiếng sáo ấy, cậu bé cứ lọ mọ theo ông đi bán dạo để thưởng thức những khúc nhạc “khuyến mại”.

Cậu sướng điên lên khi ông cụ cho phép cậu chọn lấy một cây trong chiếc thùng đầy sáo. Thế là tập tọng thổi, học lấy những nét luyến láy trầm bổng, để sau đó cũng ngang ngửa là một tay cứng nghề đứng đầu một “ban nhạc” sáo trúc toàn trẻ con!

Từ một đội trưởng Hướng đạo sinh, Nguyễn Văn Tường trở thành đoàn viên Thanh niên cứu quốc và là người đầu tiên được bổ nhiệm làm bí thư Hội Nhi đồng cứu quốc Hà Nội. Môi trường thiếu nhi từ đó luôn gắn liền với mọi niềm vui lẽ sống của anh phụ trách trẻ.

Bài hát cho thiếu nhi thời đó lại quá hiếm, các em phải “mượn” bao nhiêu bài người lớn, tại sao không thử viết một bài ca yêu nước cho riêng trẻ con nhỉ? Nhìn những đôi chân nhỏ bé thoăn thoắt bước cho kịp người lớn, một tứ nhạc chợt nảy ra trong anh phụ trách: “Nhanh bước nhanh nhi đồng ta cùng nhau bước lên đường” (sau đổi thành “theo cờ đỏ sao vàng”).

Theo lời ca dung dị, giai điệu cứ tuôn chảy thật dễ dàng tự nhiên. Nhanh bước nhanh nhi đồng - bài chính ca đầu tiên cho trẻ thơ, bản tuyên ngôn của nhi đồng cách mạng đã ra đời vào giai đoạn tiền khởi nghĩa cuối năm 1944. Bài hát chính thức của Hội Nhi đồng cứu quốc đã đặt mốc khởi đầu cho một sự nghiệp âm nhạc với bút danh Phong Nhã.

Yêu thích những hình tượng anh hùng nhỏ tuổi, Phong Nhã rất xúc động khi nghe câu chuyện về Kim Đồng. Hình ảnh chú bé liên lạc nhanh trí và dũng cảm sống lại trong mỗi em nhỏ.

Anh phụ trách đã mô tả Kim Đồng rất thật như các em đội viên ngay trước mắt mình, hiếu động và hồn nhiên trong trò chơi trận giả, bắn súng bằng mồm, lăn lê bò toài tránh đạn địch, rồi lại xông pha khắp chốn, bất chấp “đùng đùng đùng đoàng đoàng đoàng anh vẫn đi”.

Có người nhận xét: tự nhiên chủ nghĩa quá! Có người vặn vẹo: Kim Đồng điếc à? Trẻ con lại không một chút thắc mắc, thích là hát và cứ thế truyền miệng cho nhau. Nhiều tầng lớp dân kháng chiến cũng “mượn” Kim Đồng làm bài hát sinh hoạt tập thể.

Chả thế mà trong Đại  hội Âm nhạc kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít tại Matxcơva, nhạc sĩ Tô Vũ đã giới thiệu “Kim Đồng” cùng với “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi như hai tác phẩm âm nhạc chống phát xít tiêu biểu của Việt Nam. Sau này, “Kim Đồng” còn trở thành bài ca truyền thống riêng của Nhà xuất bản Kim Đồng trong mỗi dịp họp mặt kỉ niệm.

Bài hát thứ ba được khởi nguồn từ một kỉ niệm lớn trong đời nhạc sĩ. Ngày 2-9-1945, anh phụ trách cùng đoàn thiếu nhi được ưu tiên đứng hàng đầu trông lên lễ đài Ba Đình. Tận mắt nhìn thấy vị Chủ tịch đầu tiên đọc Tuyên ngôn độc lập, anh đã thầm reo trong lòng: thì ra Hồ Chí Minh chính là lãnh tụ Nguyễn ái Quốc! Tự dưng nước mắt cứ trào ra.

Một lần được đọc bức thư từ miền Nam gửi ra, thấy các em nhỏ thưa với Cụ Hồ là Bác, anh phụ trách chợt nhận ra không có cách xưng hô nào “đắt” hơn thế. Trong buổi sinh hoạt Đội, anh bày ra trò đố vui: “Ai yêu Bác Hồ nhất?”.

Tiếng reo hò lập tức đáp lại: “Nhi đồng!” cho dù anh cứ cố tình trêu các em bằng cách nhắc đến các đối tượng phụ lão, phụ nữ, thanh niên… Cuối cùng tất cả đều nhất trí: còn ai yêu Bác Hồ hơn các em nhi đồng!

Câu hát bỗng lóe lên và tác giả đã để nó lặp lại nhiều lần như trẻ con thích nhấn mạnh cái lý lẽ của mình: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng!” (sau đổi thành “thiếu niên nhi đồng”). Từ “Bác Hồ” lần đầu tiên xuất hiện trong âm nhạc đã theo lời ca bay khắp đất nước.

Bài hát được trình bày tại Phủ Chủ tịch trong lễ kỉ niệm Bác 56 tuổi. Nghe lời ca dí dỏm “Bác nay tuy đã già rồi”, Bác cười và cũng dí dỏm vặn lại: “Bác đã già đâu?”.

Được bầu chọn là ca khúc hay nhất về Bác Hồ với thiếu nhi qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1999,  Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng còn là một trong những bài hát chiếm số phiếu cao nhất trong cuộc bình chọn 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỉ XX do Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức năm 2000. Lọt vào danh sách “top 50” này còn có ba bài hát khác của Phong Nhã: Hành khúc Đội, Kim Đồng và Đội ta lớn lên cùng đất nước.

Một đời gắn bó với thiếu nhi và âm nhạc, nhạc sĩ Phong Nhã đã được trao tặng nhiều huân chương, huy chương và giải thưởng, trong đó có: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

Còn một phần thưởng lớn nữa dành cho ông, đó chính là tấm lòng con trẻ. Với Phong Nhã, trẻ con là tất cả. Những bức thư chân thành và hồn nhiên từ những đứa cháu chưa một lần gặp mặt đều được ông ân cần trả lời và gìn giữ như kỉ vật. Và đây là lời hứa của ông già yêu trẻ U90:

Đàn em còn giục bài

Phong Nhã

Xin hẹn gặp nhau giữa

sóng đài (1)

Nguyễn Thị Minh Châu

(1) Trích từ “Bài thơ xuân Giáp Thân” nhạc sĩ viết năm 2004 khi đã qua tuổi tám mươi.