Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Phát triển kinh tế mà làm hỏng di sản là có lỗi rất lớn"

ANTD.VN - Chiều ngày 25-12 tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã tiến hành hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Đến dự hội nghị có Ủỷ viên Ban Chấp hành Trng ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành văn hóa.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06-05-2019. Việc xây dựng chiến lược có ý nghĩa quan trọng này  nhằm cụ thể hoá, thể chế hoá các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu; là cơ sở hoạch định quy hoạch, kế hoạch để từng bước thực hiện việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Hội nghị là dịp để đại diện các cơ quan, ban, ngành văn hóa nhìn nhận lại chặng đường 10 năm thực hiện chiến lược, tổng kết, đánh giá những việc đã làm được và cả những hạn chế, tồn tại trong từng lĩnh vực được phân công đảm trách. Trong đó, việc xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội trong thời kỳ hội nhập cũng là một vấn đề được lãnh đạo Nhà nước và ngành văn hóa Thủ đô đặc biệt quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở VH&TT Hà Nội thẳng thắn chỉ ra một số ứng xử văn hóa chưa phù hợp của người dân Hà Nội trong thời kỳ hội nhập, giữa bối cảnh tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh, văn hóa có sự đan xen với các vùng miền trong cả nước.

Xả rác bừa bãi là một trong những hành vi ứng xử thiếu văn hóa vẫn xuất hiện ở Hà Nội

Cụ thể, bên cạnh những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội thì còn tồn tại nhiều hiện tượng chưa đẹp như: đi lại tự do không tuân thủ luật lệ giao thông, nói năng thiếu văn hóa, thậm chí văng tục chửi thề nơi công cộng, phong cách ứng xử quá phóng khoáng hoặc tùy tiện, nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa…Cùng với đó là hiện tượng “fan” cuồng hò hét, quỳ gối trước “thần tượng” nhưng lại không biết nói lời cảm ơn hay xin lỗi, thói quen kinh doanh “bún mắng, cháo chửi” xem thường khách hàng, xả rác bừa bãi, chiếm dụng vỉa hè và công viên cây xanh để làm nơi bán hàng, biến ghế đá công viên thành “giường trời”…

Để khắc phục thực trạng này, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình, hoạt động lấy trọng tâm là xây dựng người Hà Nội thanh lịch và văn minh. Đặc biệt năm 2017, Thành phố đã ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử: quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Sau hơn hai năm thực hiện, 2 quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Phát triển kinh tế mà làm hỏng di sản là có lỗi rất lớn" ảnh 2

Quảng Bình trở thành điểm đến thu hút khách du lịch sau khi được nhiều nhà làm phim nước ngoài chọn làm bối cảnh quay

Không nằm ngoài chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, nhiều lĩnh vực văn hóa khác như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, di sản, mỹ thuật – nhiếp ảnh...đã có nhiều thay đổi đáng kể sau 10 năm thực hiện chiến lược. Ví dụ như trong điện ảnh phải kể đến việc Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới khi được không ít nhà sản xuất Hollywood chọn làm bối cảnh quay. Nổi bật là phim “Kong: Skull Island” (2017) lấy bối cảnh quay chính trong lòng quần thể di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình), ngoài ra còn quay ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình) tạo nên “cơn sốt” du khách tới thăm các bối cảnh trong phim tại các danh thắng trên.

Hay như ở lĩnh vực di sản, tính đến nay, qua hai đợt xét tặng vào các năm 2015 và 2019 đã có 62 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 1.161 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; 04 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 26 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu/dấu ấn riêng của địa phương có di sản, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nhất là trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, nâng cao đời sống cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng sách cho độc giả tại Ngày Sách Việt Nam 2019 (ảnh: VGP)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận những thành quả đạt được cũng như các vấn đề còn tồn tại ở các lĩnh vực văn hóa trong việc thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, so với thời điểm 10 năm trước thì đời sống kinh tế - xã hội đã có sự thay đổi rất nhiều, thị trường văn hóa khi ấy mới manh nha hình thành và môi trường văn hóa trên không gian mạng so với bây giờ cũng chưa phát triển. Bởi vậy, đánh giá một cách khách quan và tổng thể, dựa trên những sở cứ và số liệu cụ thể, ngành văn hóa đã có những bước tiến rõ rệt. Ví dụ như lĩnh vực điện ảnh cách đây 10 năm lúc xây dựng chiến lược phát triển văn hóa trên thì mới có trung bình chưa đầy 10 phim ra rạp trong một năm, tới nay thì con số này đã tăng lên hơn 40 phim. Hay như số lượng rạp chiếu cũng tăng đáng kể.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhận thức của mọi người về văn hóa cũng tốt hơn trước, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội đối với lĩnh vực văn hóa cũng lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây, du lịch đã có sự phát triển vượt bậc, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến Việt Nam, nhiều sản phẩm văn hóa lâu đời của nước ngoài cũng được mang vào phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân trong nước.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, sự tiến bộ về nhận thức, nhìn thẳng vào những vấn đề hạn chế, yếu kém trong ngành văn hóa là cần nhưng chưa đủ. Thêm vào đó, các cơ quan, đơn vị trực thuộc cần có sự quan tâm, chuẩn bị thật tốt các dự án để phát triển ngành văn hóa. Như việc một bảo tàng quốc gia mà chưa thể trưng bày các bảo vật quốc gia quý cho người dân tham quan, thưởng lãm chỉ vì chưa có hệ thống bảo vệ an ninh là điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định, văn hóa là vừa phải tuyên truyền vận động, vừa phải phát huy sáng tạo cảu từng người nhưng cũng cần đi liền với kỷ cương pháp luật.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phát triển kinh tế mà làm hỏng di sản là có lỗi rất lớn, trong nhiều trường hợp là có tội: “Hàng triệu năm mới hình thành nên một ngọn núi, hàng ngàn năm mới có một dòng sông. Ngay cả phong trào nông thôn mới, ở một số nơi vì muốn có tiền mà lấp ao, sông, bán đất thu tiền, chưa nói đến các công trình lớn. Nhiều nơi nhắc đến mà những người làm văn hóa đều rất buồn, nhiều di sản thiên nhiên, nhiều di sản phi vật thể đứng trước nguy cơ hoàn toàn có thể bị hỏng.”

Trong lưu ý đối với ngành văn hóa trong việc xây dựng chiến lược phát triển văn hóa tới đây, bắt đầu từ năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị tập trung nghiên cứu, nắm bắt và thích nghi với sự phát triển ngày càng sâu rộng của Internet đối với đời sống xã hội. Đồng thời Phó Thủ tướng lưu ý cần quan tâm chọn một ngành cụ thể làm mũi nhọn trong chiến lược phát triển văn hóa thời gian sắp tới.