Phố nhỏ Thụy Khuê

(ANTĐ) - Có thể coi Thụy Khuê là một trong những phố dài nhất của nội thành Hà Nội, đi từ đầu phố Quán Thánh đến tận chợ Bưởi, phố dài tới 3.200 mét.

Phố nhỏ Thụy Khuê

(ANTĐ) - Có thể coi Thụy Khuê là một trong những phố dài nhất của nội thành Hà Nội, đi từ đầu phố Quán Thánh đến tận chợ Bưởi, phố dài tới 3.200 mét.

Theo các nhà nghiên cứu thì trước vốn có tên (làng) Thụy Chương, vì miếu hiệu với Vua Thiệu Tự (Chương Hoàng đế) nên mới đổi ra là Thụy Khuê. Thụy Khuê gồm mấy phường Thụy Khuê, Yên Thái, Hồ Khẩu, đều là những làng cũ ven hồ Tây, có nhiều thắng cảnh và chùa chiền cũ... Chùa đền khá nhiều.

Cổng làng Yên Thái trên phố Thụy Khuê
Cổng làng Yên Thái trên phố Thụy Khuê

Riêng đất của trường THPT Chu Văn An, vốn là đất của một ngôi chùa cũ. Theo các nhà nghiên cứu thì ở một góc trường này chính là khu vực Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã cho dựng viện và chùa Châu Lâm làm nơi ở và nơi thờ Phật cho những người Chiêm Thành bị bắt đưa về sau những cuộc chinh phạt ở nước họ.

Tên nôm của chùa gọi là chùa Bà Đanh. Dân gian có câu “Vắng ngắt như chùa Bà đanh” chính là chùa này... Thời Pháp thuộc là nhà in của một chủ nhân người phương Tây là Xnây-đe (Schneider), sau chuyển xây mở trường Trung học Bảo Hộ, thường gọi là trường Bưởi, sau này đổi tên là trường Chu Văn An; có rất nhiều nhà trí thức trưởng thành từ trường này... Trong Tây Hồ bát cảnh thì có 2 ở trên đất của Thụy Khuê, đó là “Phật say làng Thụy Khuê” và “rừng bàng Yên Thái”.

Rừng bàng chắc không còn nữa, nhưng về ông Phật say, nhà thơ Trần Lê Văn viết trong cuốn “Gương mặt Hồ Tây” (NXB Hà Nội 1984) như sau: “Tôi đứng ở chùa Thụy mà nhớ đến ông Phật say... Không biết có phải ngày xưa ông ở chùa này hay không? Ông không còn nữa, nhưng còn để lại bóng dáng lảo đảo trong bốn chữ “Phật say làng Thụy Khuê”. Đây là một pho tượng Phật, tay chống gậy, chân bước chảng lảng như đi trên mây...”.

Có lẽ Phật say là do nghệ nhân xưa đúc, ngầm ý nói làng Thụy Chương xưa nổi tiếng rượu ngon đến nỗi Phật ở làng cũng say lảo đảo... Chẳng thế mà dân gian đồn, Trạng Quỳnh có vịnh thơ rằng: “Ông đứng làm chi đứng mãi đây! Chập chờn như tỉnh lại như say! Vãi nào đã chuốc cho ông rượu... Còn rượu cho vay một nậu đầy...”.

Phố Thụy Khuê về đêm
Phố Thụy Khuê về đêm

Phố Thụy Khuê còn có đình làng thờ Uy Lĩnh Lang, hoàng tử con Vua Trần Thánh Tông và Hoàng hậu Minh Đức, đã có công đánh thắng quân Nguyên, được phong là Dâm Đàm (tên chữ của hồ Tây - NVP) đại vương, cũng gọi là đền Voi Phục.

Ở làng Yên Thái xưa thì có đền thờ Đồng Cổ, thờ thần núi Đồng Cổ (Trống Đồng) từng có công hiển linh giúp Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành và dẹp loạn ba vương là mấy người em ruột định tranh ngôi cùng mình... ở đây còn có đền thờ vợ chồng Vũ Phục, thường được gọi là ông Dầu, bà Dầu đã giúp vua bằng cách hy sinh thân mình để tạ lỗi với thần sông, để vua nhà Lý khỏi đau mắt...

Nhưng, đầu phố Thụy Khuê còn có chợ Bưởi, xưa là chợ chung cho cả mấy tổng rất lớn, sản vật khá phong phú, từng được vào ca dao cổ như sau:

Làng Võng (thị) bán lợn bán gà

Làng Thụy (Chương) nấu rượu la cà cả đêm

Làng Hồ (khẩu) làm giấy thực nền

Chợ Bưởi lại có cô tiên bán hàng...

Hồ Khẩu, Yên Thái là vùng làm giấy. Ở đây có loại giấy dó khá nổi tiếng và các loại giấy khác. Cho tới cuối thế kỷ XX, nhiều nhà vẫn còn giữ lấy nghề... Hồ Khẩu còn là quê của nhà văn Lý Văn Phức, một nhà văn triều Nguyễn, tác giả Nhị thập trí hiếu, Truyện Tây Sương, Ngọc Kiều Lê...

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, ngày 19-5-1946, hai giặc lái Mỹ, sau khi máy bay xâm phạm bầu trời Hà Nội bị bắn hạ, đã bị dân phố Thụy Khuê trói gọn sau số nhà 73...

Phố Thụy Khuê, ngoài nhà hàng các loại như những phố thông thường khác, xưa còn có Xí nghiệp Giấy Trúc Bạch (số nhà 128) và Xí nghiệp Xe điện, Xí nghiệp Thuộc da... Phía giáp vườn Bách Thảo có khu vườn ươm... và gần trường Chu Văn An là Hãng phim truyện Việt Nam... Phía trong nơi đây, trước có nhà của nhà thơ Phùng Quán...

Phố Thụy Khuê là phố khá độc đáo, dọc phố có nhiều ngõ, còn nguyên những cổng làng xưa... Bây giờ, dẫu đã là nhà tầng, chẳng còn dấu tích gì nữa là một làng giấy, làng rượu như thuở nào, nhưng đi trong ngõ ngang, những người lớn tuổi vẫn hình dung ra cái cảnh cũ của làng ven thành bên hồ Tây xưa...

Xem ra ở Thụy Khuê, những di tích xưa như đền miếu, cổng làng, ngõ xóm, phong vị đất xưa vẫn náu mình, trong phố phường thời hiện đại.

Ngô Văn Phú