Phố Hàm Long
(ANTĐ) - Hàm Long là một phố ở về phía Nam hồ Gươm, đi từ phố Bà Triệu đến ngã năm Lò Đúc.
Phố dài khoảng hơn nửa kilômét, cũng có thể gọi là loại phố nhỏ của Hà Nội ngày nay. Theo tài liệu cũ thì ở đây là đất thôn Hàm Châu (sau đổi là Hàm Khánh), tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương của Hà Nội xưa.
Phố có ngôi chùa cổ, tương truyền có từ thời Lý. Đầu thế kỷ thứ XVIII, chùa được một vương phi xuất tiền tu sửa, và có tiếng là một ngôi chùa lớn. Theo văn bia chùa Hàm Long được tuyển dịch, lời mở đầu nhân việc tu sửa chùa Hàm Long, tả đô đốc, ứng Quận Công, Đặng Đình Tướng soạn như sau:
“Ôi núi không cần cao, có tiên ắt nổi tiếng. Nước không cần sâu, có rồng ắt thành thiêng. Cho nên ngôi chùa lớn lừng danh trong thiên hạ, là vì nơi đây đã xuất hiện một đức từ bi lớn, chứ nào vì chùa ở ven dốc cheo leo, bên dòng nước chảy, khiến mắt nhìn choáng váng khi lên cao, ngắm cảnh mới cho là như vậy!
Phía đông thành Thăng Long, nước Đại Việt ta, có ngôi chùa cổ biểu đề chùa Hàm Long. Thật là đất phúc, cõi thần tiên, tạo hóa dày công xếp đặt.
Sông Nhị Hà, sông Tô Lịch quanh bên tả và phía trước, điện Nam Giao, tháp Báo Thiên đứng ở bên hữu và phía sau.
Lâu đài san sát lộng lẫy, ôm ấp cung vua. Sông núi tươi đẹp thiêng liêng, mở ngôi chùa phật”.
(Tập 2, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1978, trang 65)
Ngôi chùa trùng tu mất hơn 10 năm mới xong:
“Ngày 14 tháng 12 năm Nhâm Ngọ (1702) khởi công, đến ngày 12 tháng 9 năm Quý Tỵ (1711) hoàn thành. Lại sai đúc tượng Như Lai, đắp tượng chư Phật đằng trước, đằng sau, bày la liệt như bàn cờ như sao đêm, khiến người vào chùa lễ bái thấy ngay cung tường đồ sộ, cảnh tượng trang nghiêm.
Cách ngăn trần tục, có tam quan làm cửa chính, tuyên dương pháp giáo; có gác chuông treo chung chuông khánh. Vàng son tô điểm cõi Phật sáng ngời hoàn toàn đổi mới. Nay so với trước đẹp không chỉ gấp mười gấp trăm mà còn gấp nghìn, gấp vạn...
Ngày khánh thành mở hội, tụng kinh, đem tiền của bố thí cho bốn loại người nghèo khó, cầu được mùa cho khắp chín châu” (sách đã dẫn trang 65).
Như vậy chùa Hàm Long thời ấy là một ngôi chùa lớn của Hà Nội và khi hoàn thành đã trở thành một sự kiện ở kinh đô.
Cũng theo bài văn bia trên thì người bỏ tiền của đứng ra trùng tu là “Từ cung tôn đức Tấn Quang Vương Thái phi, là bà họ Trương, dòng họ lớn xứ Kinh Bắc”.
Xét trong Đại Việt sử ký tục biên (1676-1740), thì Tấn Quang Vương, là Tấn Quốc Công Trịnh Bính cháu nội Chúa Trịnh Căn. Sách ghi “Tháng hai, tiến phong cháu của chúa là Phó đô tướng Thái phó Tấn quận công Trịnh Bính làm khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh kiêm tổng chính quyền Thái úy Tấn Quốc Công, mở phủ Dực Quốc”...! Vậy là bà Trương có thể là vợ Trịnh Bính... Sau này Trịnh Bính mất nên được tên là Thái phi...
Nhưng theo cuốn “Phố và đường Hà Nội” của Nguyễn Vinh Phúc thì: “Chùa Hàm Long có từ đời Lý tới thế kỷ thứ XVII là ngôi chùa có quy mô khá lớn, nhất là sau khi Hoàng hậu của Lê Hy Tông (1676-1705) đến cầu tự rồi sinh được hoàng tử, sau lên ngôi vua là Dụ Tông (1705-1709) chùa này trở thành một trung tâm Phật giáo, kinh thành cùng xuất tiền cho việc mở mang chùa”.
(Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, 2004 trang 186)
Chùa Hàm Long hiện nay bị lấn chiếm phải dồn lên gác hai...
Ngoài chùa Hàm Long còn có một ngôi trường có từ thế kỷ XIX đó là trường Hàm Long (nay là trường THCS Ngô Sỹ Liên). Đó nguyên là trường Hậu Bổ, do thực dân Pháp mở dạy chữ Pháp và pháp luật cho cho các ông cử nhân, tú tài Hán học, chuẩn bị ra làm quan.
Ở phía đầu phố, có ngôi nhà 5D, là nơi đồng chí Ngô Gia Tự và 6 người nữa, đứng ra lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên vào tháng 3-1929...
Phía phố giữa Hàng Bài và Bà Triệu hiện nay là nơi bán đồ gốm, sứ, chủ yếu là hàng Trung Quốc nhập về, cũng khá tấp nập...
Ngô Văn Phú