"Phim vui" Tết: Điệp khúc hài nhảm, nhàm, nhạt

ANTD.VN - Hơn chục năm trở lại đây, mỗi khi Tết đến thì thị trường nghe, nhìn lại tràn ngập các loại phim được gọi là hài Tết. Nhưng trước khi nói về loại phim thị trường phục vụ Tết này, thử bàn về chữ “hài” gắn vào loại phim này đã chính xác chưa? 

"Phim vui" Tết: Điệp khúc hài nhảm, nhàm, nhạt ảnh 1Không ít những cảnh diễn viên ăn mặc hở hang trong phim “Tỷ phú đè đại gia”

Chỉ là “Phim vui” 

Trong một lần tiếp xúc kịch tác gia hài lớn của sân khấu nước ta là Lộng Chương - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, người vừa được Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức hội thảo nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông - thuở còn sống, ông đã khẳng định: “Tác phẩm được gọi là hài là tác phẩm làm cho người đọc, người xem cười xong có thể khóc, còn tác phẩm chỉ gây cười để mà cười thì chỉ có thể gọi là náo kịch chứ không thể gọi là hài”. Nếu căn cứ vào ý kiến của cây đại thụ hài nước ta thì các loại phim hài Tết được xếp vào náo phim, hoặc gọi nhẹ nhàng là “phim vui”.

Với sự xuất hiện đúng dịp Tết và ít nhiều được chào đón đã chứng tỏ một thực tế: người dân rất thích hài hước và chuộng tiếng cười vui vẻ. Điều đáng tiếc là cũng hơn 10 năm qua, các loại hình văn học - nghệ thuật từ sách in đến sân khấu, phim, hài không hiểu vì nguyên nhân nào hầu như vắng bóng, vì thế “phim vui”… “bung” ra trong dịp Tết chính là lấp “lỗ hổng” đó, vì thế nên phim này vẫn có đất sống.  

Năm nay, thị trường “phim vui” của cả nước ta cũng đã xuất hiện với  số lượng không kém so với các năm trước với tổng số  khoảng 20 phim. Một số đã ghi thành đĩa nhựa bán tại các cửa hàng băng đĩa và tung lên YouTube. 

Chạy theo thị hiếu sai lệch

Có thể nói gần 20 “phim vui” năm 2018 này không có gì mới nếu không muốn nói vẫn là điệp khúc đã lặp đi lặp lại hàng vài chục năm nay. Có thể gói gọn điệp khúc đó trong mệnh đề: “Phim vui” Tết 2018 vẫn không thoát được vòng luẩn quẩn: nhảm - nhàm - nhạt.

Nói về sự nhảm của “phim vui” Tết năm nay vẫn như mọi năm, đó là việc lôi kéo các “hotgirl” có nhan sắc mà gần như rất ít kỹ năng đóng phim để vào các vai hở hang khoe thân thể một cách lộ liễu. Cùng với đó là những cảnh “nóng” một cách sống sượng, đôi khi không gắn với tình huống, cốt  truyện phim mà chỉ cốt đánh vào thị hiếu không lành mạnh. 

Đáng buồn hơn “chiêu” câu khách này lại được những người làm phim đắc ý với những lời ngụy biện buồn cười. Nhiều “hotgirl” không những chấp nhận việc để lộ thân thể một cách phản cảm mà còn coi đó như một thủ pháp để quảng cáo.

Một “hotgirl” nổi tiếng đóng cảnh “nóng” trong “phim vui” dịp Tết này (phim “Tỷ phú đè đại gia”) thản nhiên cho rằng:  “Việc tham gia cảnh “nóng” trong bộ phim không phải vấn đề lớn, thậm chí tôi còn được chú ý hơn”. Một đạo diễn quen thuộc và sành sỏi trong thị trường phim Tết khẳng định: “Kịch bản hay cỡ nào cũng không thể thiếu cảnh “nóng”. Không chỉ những diễn viên chưa có danh mà ngay cả những nam diễn viên đã được khẳng định tài năng, được khán giả yêu mến cũng sẵn sàng khoe bụng mỡ một cách thô thiển để vào vai một nhân vật gây cười trong phim “Quan huyện sính chữ”.

"Phim vui" Tết: Điệp khúc hài nhảm, nhàm, nhạt ảnh 2“Chôn nhời 5” mô tả méo mó về một làng quê trong quá khứ

Thiếu đầu tư sáng tạo

Phim Tết năm 2018 sau nhảm là đến nhàm. Có lẽ vì chạy theo lợi nhuận, chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả nên việc sáng tạo, tìm tòi các lĩnh vực xã hội cần thể hiện bị hạn chế, do đó trong trên dưới chục phim ở khu vực phía Bắc và cả phía Nam, bối cảnh nông thôn cũ với lý trưởng, quan huyện, thầy đề, thằng mõ và người nông dân lạc hậu... đã hoàn toàn lùi xa gần thế kỷ này vẫn được các nhà làm phim Tết cho sống lại dưới những câu chuyện bịa đặt, trong những hình hài kệch cỡm.

Hình tượng người nông dân và làng quê trở thành đối tượng bị châm biếm chê bai không khác gì hình ảnh Lý Toét, Xã Xệ mà Báo Phong Hóa thời Pháp thuộc từng tung lên một cách dị dạng. Chùm phim “Chôn nhời” về đề tài này được khởi thủy từ những năm 2016, năm 2018 này lại được tiếp tục với “Chôn nhời 5” mô tả méo mó về một làng quê trong quá khứ. Những “Làng ế vợ 3”; “Đại gia chân đất 6”; “Họ Lý tên Thông”... là những đề tài cũ kỹ với hình ảnh nông thôn bị bóp méo với những cách gây cười cơ giới, thô thiển vẫn được tiếp tục khai thác. 

Quẩn quanh đề tài cũ

Cũng chính vì thiếu hẳn sự đầu tư sáng tạo cùng với sự không am hiểu thực tế cả nông thôn lẫn thành thị nên các các nhà làm phim vui Tết năm 2018 này vẫn xoay quanh những đề tài quá cũ đến phát nhàm, hết làng quê ngây ngô đến “xã hội đen” như “Ván cờ vồ”, giới “hotgirl” với “Chân dài xuất chiêu”...

Chính vì không tìm ra mảnh đất mới và phần nữa trong bếp núc làm phim Tết thiếu hẳn những cây bút biên kịch chuyên nghiệp nên không chỉ là làm lại những đề tài cũ mà sự bế tắc trong khâu kịch bản cũng lộ rõ. Trong không ít phim, nhiều trường đoạn lê thê không chút hành động, không biết câu chuyện sẽ đi đến hướng nào, nên người ta  lặp đi lặp lại những đoạn đấu khẩu của cặp diễn viên từng có thương hiệu, hay cận cảnh những bộ phận nhạy cảm của mấy  “hotgirl” trên xe hơi giữa đường làng... Vì cốt truyện lỏng lẻo, ít tình huống nên phim vui liên tục đưa ra những mảng miếng cũ kỹ và nhàm chán như gái giả trai và ngược lại, diễn viên mặc quần áo lôi thôi, sặc sỡ màu sắc, nói ngọng, ngô nghê, thần kinh, say rượu, cởi quần, xé áo nhân vật nữ...

"Phim vui" Tết: Điệp khúc hài nhảm, nhàm, nhạt ảnh 3Nhà văn Nguyễn Hiếu

Những hệ lụy…

Khi “phim vui” Tết đã xuất hiện trên thị trường, được đưa trên phương tiện nghe nhìn công cộng sẽ là một ấn phẩm văn hóa. Nếu những kiểu làm phim chạy theo lợi nhuận, chạy theo thị hiếu sai lệch, thiếu hẳn sự đầu tư chỉn chu về nghệ thuật thì những ấn phẩm được xếp vào văn hóa này sẽ tạo hệ lụy ra sao đối với người xem, nhất là khán giả nhỏ tuổi, sự giáo dục thẩm mỹ sẽ như thế nào?

Có lẽ đã đến lúc ngành quản lý cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với “phim vui” sản xuất trong dịp Tết. 

Khi “phim vui” Tết đã xuất hiện trên thị trường, được đưa trên phương tiện nghe nhìn công cộng sẽ là một ấn phẩm văn hóa. Nếu những kiểu làm phim chạy theo lợi nhuận, chạy theo thị hiếu sai lệch, thiếu hẳn sự đầu tư chỉn chu về nghệ thuật thì những ấn phẩm được xếp vào văn hóa này sẽ tạo hệ lụy ra sao đối với người xem, nhất là khán giả nhỏ tuổi, sự giáo dục thẩm mỹ sẽ như thế nào?