Phim tài liệu VN: Loay hoay lo... phát hành

(ANTĐ) - Lần đầu tiên Việt Nam đứng ra đăng cai “Liên hoan phim tài liệu quốc tế”,  lần đầu tiên các nhà làm phim tài liệu Việt có dịp “khoe tài” ngay trên chính sân nhà… Dù chỉ là một cuộc liên hoan không cúp, không giải thưởng song đây lại là cơ hội để phim tài liệu Việt Nam trông người mà ngẫm lại mình…

Phim tài liệu VN: Loay hoay lo... phát hành

(ANTĐ) - Lần đầu tiên Việt Nam đứng ra đăng cai “Liên hoan phim tài liệu quốc tế”,  lần đầu tiên các nhà làm phim tài liệu Việt có dịp “khoe tài” ngay trên chính sân nhà… Dù chỉ là một cuộc liên hoan không cúp, không giải thưởng song đây lại là cơ hội để phim tài liệu Việt Nam trông người mà ngẫm lại mình…

“Phóng viên chiến trường” (Thụy Sỹ) và “Bài ca trên đỉnh Tà Lùng” (Việt Nam) - 2 trong số các phim tài liệu được trình chiếu tại Liên hoan phim tài liệu Quốc tế vừa khép lại tại Hà Nội
 “Phóng viên chiến trường” (Thụy Sỹ) và “Bài ca trên đỉnh Tà Lùng” (Việt Nam) - 2 trong số các phim tài liệu được trình chiếu tại Liên hoan phim tài liệu Quốc tế vừa khép lại tại Hà Nội

Trông người…

Không lệ thuộc vào nhà sản xuất là sự lựa chọn của đạo diễn trẻ người Italia Joseph Péaquin khi làm phim tài liệu. Đạo diễn Joseph tự mình đứng ra lập một hãng phim tư nhân chuyên sản xuất phim tài liệu, tự mình gánh vác vai trò tác giả kịch bản, đạo diễn lẫn nhà sản xuất phim với lý do “muốn tự quản lý về mặt kinh tế, nội dung và không chịu sự chi phối nào nếu lỡ may có bất đồng quan điểm với nhà sản xuất”. Bắt đầu từ việc tìm ra đề tài có thể phát triển thành dự án phim, rồi tiếp đó là tìm đủ nguồn kinh phí làm phim. Hành trình này nói như anh là giống như cuộc maratông chưa biết đến khi nào về đến đích. Sau khi tác phẩm ra đời thì nhà sản xuất trẻ này lại phải lo tìm kiếm nhà phát hành. Anh tâm sự không muốn những bộ phim tài liệu mà mình làm chỉ dừng lại ở cái đích nghệ thuật mà còn phải nhắm tới việc chinh phục thị phần khán giả trên truyền hình và ngoài rạp chiếu. Chính vì thế, phim làm xong là ngay lập tức được đăng ký tham dự các hội chợ, liên hoan phim tầm cỡ quốc tế chứ không phải để dự thi như với phim tài liệu Việt. Phim đã làm ra thì nó phải đến với khán giả bằng mọi cách. Chính vì thế mà những bộ phim do Joseph làm đạo diễn vẫn đều đều ra rạp hoặc phát sóng trên truyền hình. Ngay như bộ phim “Ngày xửa ngày xưa… những niềm vui của thế giới nhỏ bé” mà anh mang đến LHP lần này, trước đó đã được phát hành rộng rãi tại ba nước: Bỉ, Hà Lan, Luxembourg; trình chiếu trên 3 kênh truyền hình chuyên biệt của Thụy Sỹ, Italia và Bỉ; đồng thời tham dự tới trên 20 LHP quốc tế. Đạo diễn này cũng từng thu về nhiều giải thưởng từ các sân chơi điện ảnh tầm cỡ thế giới với bộ phim này. Tìm cách đưa phim ra rạp đã là một khó khăn, song điều quan trọng là làm phim như thế nào để thuyết phục được khán giả lại là một khó khăn nữa. Phim của Joseph nhân vật  không nhiều song những thước phim đã thực sự “hớp hồn” khán giả khi không quá sa đà vào lời bình hoa mỹ, lối kể chuyện rườm rà hay cách miêu tả không gian có tính chất vụn vặt, lạc đề…

17 năm lăn lộn với nghề, nữ đạo diễn danh tiếng người Bỉ Violaine de Viller không mạo hiểm ôm đồm từ A đến Z mà nhường lại vai trò đi “xin” tiền làm phim cho một nhà sản xuất khác, còn bà chỉ đứng vai ở vị trí đạo diễn kiêm tác giả kịch bản. Không chỉ “Mizike Mama” được chiếu tại LHP lần này mà hầu như bộ phim tài liệu nào do bà đạo diễn đều tìm được đường đến với khán giả. Có được điều này theo bà, một phần cũng nhờ các rạp chiếu ở Bỉ luôn ưu ái dành một phòng chiếu riêng, tuy nhỏ nhưng cũng đủ để phục vụ một bộ phận khán giả yêu quý phim tài liệu thường xuyên lui tới. Còn nhà Đài cũng dành sự quan tâm và thời lượng sóng không nhỏ để phát thể loại phim vốn dĩ rất kén khán giả này.

… Ngẫm ta

Xưa nay phim tài liệu của Việt Nam vẫn là mảng phim ít được chú ý, các đơn vị sản xuất phim Nhà nước chủ yếu chỉ làm theo đơn đặt hàng, theo kế hoạch được giao, trong khi chẳng mấy ai dám tự mình bỏ tiền túi ra để lập hãng phim và xông vào mảng phim gai góc này. Vậy nên thay vì thông điệp “đồng hành cùng cuộc sống” thì thể loại phim “khó nhằn” này dường như mới chỉ khiêm tốn dừng lại ở việc đồng hành cùng các liên hoan phim, tuần lễ phim, hội chợ phim, phục vụ tuyên truyền cho các kỳ cuộc… và nhiều nhà làm phim vì thế có thói quen làm phim kiểu… “công chức”. Trong khi đó, các rạp chiếu lại không ưu ái, lại cũng chẳng mặn mà gì với thể loại phim này vì sợ không bán được vé, sợ lỗ. Còn nhà Đài thì chỉ dành “giờ vàng” cho phim truyện, phim truyền hình nhập ngoại, chứ còn phim tài liệu thì… còn lâu mới đến lượt.

Cũng có dạo Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương mạnh dạn bắt tay với Hãng phim tư nhân MFC Media Film (TPHCM) để phát hành thử nghiệm các phim tài liệu đạt giải cao tại các liên hoan phim trong và ngoài nước dưới dạng đĩa DVD, tuy vậy cách làm này vẫn mang tính chất thăm dò là chính và cũng chưa tạo được cú hích đáng kể nào cho phim tài liệu. Mà nếu cứ giữ quan niệm làm phim tài liệu không thu được lợi nhuận như thế thì việc “tồn kho” rồi thi thoảng mang ra trình chiếu phục vụ lễ Tết, liên hoan mà nhiều người trong nghề lo ngại là điều khó lòng tránh khỏi.

Không phải đôn đáo chạy vạy khắp nơi lo tìm kinh phí sản xuất phim như các nhà làm phim quốc tế song vấn đề đầu ra cho những “đứa con tinh thần” lại đang là bài toán khó với một đơn vị sản xuất phim cấp Nhà nước như Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương. Ông Lê Hồng Chương - Giám đốc hãng giãi bày: “Chúng tôi là Hãng sản xuất, xưa nay không có chức năng phát hành mà khâu này đều do Công ty Fafilm Việt Nam đảm trách. Song Fafilm giờ có quá nhiều việc phải làm nên hãng phải chủ động đứng ra lo phát hành trực tiếp”. Việc này theo ông Chương là “không đúng nhiệm vụ, không có tiền, mất công mất sức nhiều” nhưng vì trách nhiệm phải đưa sản phẩm của nghệ sỹ đến với khán giả nên Hãng vẫn phải làm.

Còn về cách làm phim tài liệu Việt thì những người bạn nước ngoài cũng thẳng thắn góp ý rằng mặc dù kỹ thuật tốt, góc quay đẹp, bắt khuôn hình, chuẩn, câu chuyện hay nhưng cách kể lại… chưa ổn. Sự chưa ổn ấy thể hiện ở những thước phim chú trọng vào mô tả nhiều hơn là điểm nhấn cảm xúc, lời bình còn rề rà bên ngoài chứ chưa đi từ sâu kín tâm hồn bên trong nhân vật… nên người xem vẫn thấy chưa đủ, chưa đã. Mà chừng nào còn “chưa đủ, chưa đã” thì chưa nói gì đến thị trường quốc tế, mà ngay cả việc nắm bắt thị phần khán giả trong nước cũng là điều nan giải.

Bích Hậu