Phim ngắn - Xu hướng nâng cao chất lượng điện ảnh?

(ANTĐ) - Theo cách hiểu truyền thống, phim ngắn, thường là sân chơi dành cho sinh viên, những đạo diễn trẻ. Ở các nước phát triển, phim ngắn 10-45 phút bao giờ cũng là khởi đầu lý tưởng để sinh viên, đạo diễn trẻ thử nghiệm mơ ước, bản lĩnh nghề nghiệp tiến đến thực hiện những bộ phim dài đầu tiên cho mình. Từ đó, những ai thành công ở phim ngắn, đều trở thành những tài năng lớn trong nghệ thuật thứ bảy.

Phim ngắn - Xu hướng nâng cao chất lượng điện ảnh?

(ANTĐ) - Theo cách hiểu truyền thống, phim ngắn, thường là sân chơi dành cho sinh viên, những đạo diễn trẻ. Ở các nước phát triển, phim ngắn 10-45 phút bao giờ cũng là khởi đầu lý tưởng để sinh viên, đạo diễn trẻ thử nghiệm mơ ước, bản lĩnh nghề nghiệp tiến đến thực hiện những bộ phim dài đầu tiên cho mình. Từ đó, những ai thành công ở phim ngắn, đều trở thành những tài năng lớn trong nghệ thuật thứ bảy.

Ở Việt Nam, bao năm qua, ai dấn thân theo nghiệp điện ảnh đều thiếu vắng cơ hội tham gia những dự án làm phim lớn, đơn giản, phim truyện nhựa xứng tầm còn thiếu đề tài, thiếu kinh phí, thì những dự án phim dành cho những người trẻ “luyện tập”, tìm đâu ra…

Từ năm 2002, Hội Điện ảnh Việt Nam đã xây dựng Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh. Sự ra đời của trung tâm này thu hút sự quan tâm của các đạo diễn trẻ, sinh viên ngành điện ảnh với thể loại phim ngắn, lý do đầu tiên là được làm nghề; nhưng qua nhiều năm, phim đạt chất lượng, đúng là phim ngắn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phim ngắn do các đạo diễn trẻ làm, công bằng chỉ tạo cho người xem cảm giác, đó là phim dài... rút ngắn.

Những hạn chế thường thấy ở phim truyện Việt Nam: lời thoại quá nhiều, hình ảnh lan man thiếu chắt lọc, luôn giải thích tình huống, nội dung vì sợ khán giả không hiểu… vẫn quá nhiều khiến các đạo diễn gạo cội “buông” không thèm làm, trong khi lớp đạo diễn trẻ, sinh viên lại thấy cơ hội làm phim dễ dàng quá, đâm dễ dãi, không chịu sáng tạo và biến phim ngắn trở thành một dòng phim… tập sự.

Đạo diễn, NSƯT Hữu Mười cho biết: “Phim ngắn từng được coi là nơi “dập tắt hy vọng” của các sinh viên, đạo diễn trẻ bởi nếu làm phim không tốt, phim ngắn sẽ ít điểm nhấn, thiếu nét độc đáo, mạch truyện rối rắm và tác phẩm trở nên vô nghĩa. Chỉ những tài năng thực sự, có tâm huyết, hiểu rằng một phim ngắn hay, ấn tượng, khó không kém việc thực hiện một phim bình thường.

Từ đó chăm chút đầu tư kịch bản, biết sáng tạo trên nền những cốt truyện kịch tính, giàu chất điện ảnh thì mới thành công ở thể loại phim ngắn. Ông Christian Denier, thành viên Hội đồng giám khảo và là một trong những người sáng lập LHP Clermont Ferrand cho rằng, trên thế giới có rất nhiều nhà làm phim chuyên nghiệp chọn thể loại phim ngắn để thực hiện, sáng tạo, tương tự như một nhà văn chọn viết truyện ngắn thay vì tiểu thuyết.

Nhưng khi đã chọn phim ngắn để thể hiện, từ hình ảnh, âm thanh, âm nhạc cho đến nhân vật, kịch tính trong phim đều phải được chú ý từng chi tiết mới mong tạo được sức hút, giúp tác giả chuyển tải điều muốn nói và gieo bộ phim vào trí nhớ người xem.

Thành công ở phim ngắn Việt Nam hiện chỉ có  Bùi Thạc Chuyên với: “Cuốc xe đêm”, “Tay đào đất” rất cá tính và từng đoạt giải LHP Cannes 2000. Những gương mặt khác: Vũ Ngọc Đãng, Lê Bảo Trung, Phan Thị Vàng Anh... rất nhanh nhạy trong nắm bắt đề tài đương đại, làm nổi bật sự thông minh, tốc độ suy nghĩ, cũng như tính cách trẻ của đạo diễn khi biết đặt vấn đề trực diện, thẳng căng, tươi mới, xóa được khoảng cách giữa thực tại và phim ảnh song nhìn chung, vẫn chưa thực sự ấn tượng và chưa tạo nên dấu ấn riêng cho dòng phim ngắn.

Năm 2008, giới điện ảnh rộ lên serie phim ngắn của Chánh Tín. Cách làm phim với chất dị thường, liêu trai gây… váng vất khán giả, nếu làm theo dạng phim 2-3 tiếng, khán giả dễ ngộp thở và chán.

Vì thế, trong lúc phim Việt Nam đang “lẫn lộn” giữa điện ảnh và phim truyền hình, phim ngắn dạng này với hình ảnh ấn tượng, từng khuôn hình được trau chuốt, tiết tấu phim nhanh, gọn, đầy kịch tính được cho là cách làm hay để nâng cao chất lượng phim.

NSƯT Chánh Tín cho biết: Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trên các kênh truyền hình nổi tiếng: Star Movie, HBO... luôn chiếu phim ngắn. Đây là thể loại phim không mới trên thế giới và có ảnh hưởng nhất định nhưng từ lâu khán giả Việt Nam chỉ quen xem phim dài, chưa có khái niệm về phim ngắn. Phim ngắn đòi hỏi sự tập trung cao độ của người xem, chỉ cần lơ là một chút, sẽ không biết phim nói vấn đề gì.

Đó là chưa kể đến thủ pháp, ngôn ngữ điện ảnh, tất cả phải là ý tưởng độc đáo, cô đọng súc tích, cấu trúc chặt chẽ, nhiều yếu tố bất ngờ, diễn xuất ấn tượng kết hợp với hiệu quả của ánh sáng, âm thanh. Vì thế phim ngắn rất khó thể hiện, không phải cứ làm phim 45-90 phút, đã là phim ngắn.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn nhìn nhận: Trong khi phim dài, phim bộ không còn là thể loại “hot” khi khán giả có ít thời gian để “giải trí” thì việc chọn cách làm phim ngắn hấp dẫn, trẻ trung, thậm chí có thể nói là “thời thượng” đánh đúng vào giới trẻ ưa sự mới mẻ, khám phá, thì phim ngắn có thể coi là một hướng đi giúp các đạo diễn nâng cao chất lượng làm phim, đa dạng hóa thể loại phim để đưa điện ảnh tiếp cận rộng rãi hơn đến công chúng.             

Đông Trần