Phim "Cánh đồng bất tận": Nhặt không hết “sạn”
(ANTĐ) - Màn hình tối lại, những dòng chữ trắng nối nhau trôi tuồn tuột khép lại 100 phút phim "Cánh đồng bất tận” không bộn chộn, không nước mắt, cũng chẳng sâu lắng như... cảnh báo. Giống như một bước hụt khi bước từ những trang sách văn học lên màn ảnh rộng, "Cánh đồng bất tận” - bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khiến người xem ngỡ ngàng đến... hoảng hốt!
Nhân vật Út Võ hiện lên hoang dã một cách chỉn chu |
Lắm "sạn" vì "vênh" với truyện
Có lẽ "hạt sạn" khó nhằn trước tiên phải kể đến diễn xuất của Đỗ Hải Yến khi cô được đạo diễn giao hóa thân vào vai Sương - một cô gái làng chơi từ Bắc trôi dạt vào vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Dù trong truyện, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chẳng có dòng nào đặt bút miêu tả tỉ mẩn nét mặt hay vóc dáng của Sương song ẩn sau mỗi trang viết là cái vẻ trơ tráo sỗ đời, hoang dại cùng lối sống bản năng của nhân vật này.
Ấy vậy nhưng "cô Pao" Hải Yến lại xuất hiện trên phim ngô nghê như... cô nuôi dạy trẻ. Ngoại trừ việc thi thoảng thốt ra một vài câu thoại quánh chất "làng chơi" kiểu như: "thì làm gái ấy mà", "ba mấy cưng sộp dễ sợ"... thì chả thấy đâu vẻ tàn tạ rã rời và sự lọc lõi trải đời cần có.
Cũng nằm trong tuyến nhân vật chính của phim, Út Võ - người đàn ông sông nước vạm vỡ nhưng cục cằn, gai góc, có lúc vô cảm đến nhẫn tâm hiện lên qua diễn xuất của Dustin Nguyễn lại bị giảm tính cách một cách... thảm hại.
Điều này kỳ thực không phải lỗi của chàng diễn viên Việt kiều mà lại do cách xử lý nhân vật chưa tinh tế từ phía đạo diễn. Có lẽ nếu chưa đọc truyện, chưa thấy Út Võ hiện lên qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư giống như một con thú hoang đáng sợ, ngày qua ngày vật vã với vết thương lòng sâu hoắm khi bị người vợ mà mình trân quý phản bội, thì sẽ không cảm thấy hẫng với nhân vật Út Võ trong phim đến thế.
Có những chi tiết rất "đắt" khi phác họa bức chân dung về nhân vật này trong truyện như việc ông chọn cách trả thù những người đàn bà yêu mình và sẵn lòng từ bỏ cuộc sống ổn định trên bờ để cun cút theo ông lênh đênh sông nước bằng sự tính toán rất vừa vặn: sao cho họ vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng và bỏ rơi họ đúng lúc. Ấy là khi dụ họ lên thuyền theo mình rồi hắt họ lên bờ. Có vậy mới thấy rõ ngọn lửa hận thù và sự nhẫn tâm trong Út Võ ngùn ngụt thế nào.
Vậy mà không hiểu sao khi chuyển lên phim, đạo điễn Nguyễn Phan Quang Bình lại sáng tạo một cách rất cụt bằng việc để một người đàn bà lầm lũi ôm đồ đi sau Út Võ nhưng chưa kịp xuống xuồng theo ông thì đã lại hẫng hụt khựng lại khi thấy Sương sừng sững đứng trên xuồng.
Chi tiết này khiến nỗi đau của người đàn bà chưa tới, sự hận thù đến tàn nhẫn trong con người Út Võ vì thế mà cũng nhạt nhòa đáng kể. Hay như việc Út Võ vẫn thường hoang hoải, chán chường và kiếm cớ la đánh hai đứa con tội nghiệp của mình mỗi khi thức dậy cũng chỉ dừng lại ở mức nhân vật này đá thúng đụng nia mỗi khi tức bực.
Lẽ ra nếu tinh tế hơn, đạo diễn đã có thể dẫn dắt người xem đi từ giận dữ, thậm chí là căm ghét đến thương cảm với số phận bất hạnh của Út Võ. Đằng này, sự hoang dã lại chỉn chu quá mức cần thiết khiến nhân vật này hiện lên mờ nhạt.
Và thiếu chân thực
Không chỉ "vênh" trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình còn khiến khán giả hốt hoảng vì sự trau chuốt bức tranh đời sống người dân Tây Nam bộ quá đà.
Cuộc sống trôi nổi bồng bềnh trên sông nước của ba cha con Út Võ qua những cánh đồng... đẹp như mơ khiến người xem chưa kịp thương cảm đã phải trầm trồ ồ lên thán phục. Cánh đồng đẹp quá! Mượt quá! Ô hay những ngọn lúa đơm bông vàng rực, những cánh đồng trải dài mướt mát một màu xanh của cỏ, những khóm tràm, con kênh, chợ nổi đẹp đến nao lòng...
Cái đẹp được tỉa tót lãng mạn khiến người xem bất ngờ chẳng nhận ra đó lại là "cánh đồng bất tận" trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Cái đẹp khiến sự nghèo đói, cơ cực, hoang dã của sông nước Tây Nam bộ bị khuất lấp.
Người ta không thấy đâu những cánh đồng khô cằn, lúa chưa kịp trổ bông đã chết khô, những cánh đồng không thể trồng đậu, trồng dưa vì thiếu nước, những con kênh khô trơ lòng đất, những con người ghẻ chóc vì tắm thứ nước phèn chua loét.
Nhất là khi vị đạo diễn Việt kiều mạnh dạn thay chi tiết Sương trầm mình tắm trong một hố bom cũ lô nhô những cọng rau đỏ au, còi cọc bằng hình ảnh đầm sen xanh hồng mướt mát. Đẹp thì có đẹp thật mà sao không tài nào làm người xem rung động.
Phim vẫn có những yếu tố trung thành với truyện, trung thành một cách gần như tuyệt đối, ấy là lời thoại. Lời thoại trên phim như thể chỉ việc "bưng" từ truyện ra mà chắp vào. Nhưng cũng bởi quá "tham" thoại mà đạo diễn đã quên yếu tố ngôn ngữ trong điện ảnh.
Những cảm xúc của nhân vật lẽ ra có thể diễn tả bằng hình ảnh, nỗi nhớ, nỗi đau mất mẹ của hai chị em Nương - Điền lẽ ra chẳng cần thiết phải thể hiện bằng những câu nói rõ nghĩa kiểu "em nhớ mẹ", ngay cả thói quen chấp nhận sống chung với con người cộc cằn đáng sợ của cha cũng chẳng cần phải lột tả trần trụi kiểu "chúng em phải nương theo tiếng gầm gừ và tằng hắng của ông để đoán ý"...
Chả vậy mà nhiều khán giả khi bước ra khỏi rạp đã nói vui, phim thiếu tính chân thực, nhiều thoại và lắm chi tiết thừa.
Dương Cầm