Phát triển du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội: Tăng khả năng gắn kết doanh nghiệp

ANTD.VN - Tại hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô”, các đại biểu đã chỉ ra những tiềm năng của các làng nghề trong phát triển du lịch Thủ đô. Trong đó, các làng nghề là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô, đặc biệt, nguồn lực con người mang yếu tố quyết định tới sự thành bại của các tour du lịch làng nghề. 

Phát triển du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội: Tăng khả năng gắn kết doanh nghiệp ảnh 1Khách du lịch tham quan, mua sắm sản phẩm lụa ở làng Vạn Phúc 

Tài nguyên có thừa

Theo đánh giá của các đại biểu, Thủ đô Hà Nội được mệnh danh là “mảnh đất trăm nghề”, trải qua hơn 1.000 năm văn hiến, dấu vết của các làng nghề cổ xưa vẫn còn in dấu ấn trên những mái đình, ngôi đền cổ kính nằm rải rác trong khu phố cổ Hà Nội ngày nay. Các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề. 

Với làng lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông… du khách bị hấp dẫn không chỉ bởi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú về chủng loại mẫu mã, mang đậm tính dân tộc mà còn bởi đến với làng nghề, du khách sẽ có cơ hội được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công, thậm chí còn được trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. 

Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hóa truyền thống trong nét sinh hoạt đời thường của người dân địa phương, hay qua cảnh quan quen thuộc của đồng bằng Bắc bộ như cổng làng, đền thờ tổ nghề, nhà cổ hàng trăm năm tuổi, mái đình cổ… Nhờ đó, du khách đến với Hà Nội không thể không mang về một món đồ thủ công mỹ nghệ. 

Không chỉ có thế mạnh về sản phẩm, về truyền thống văn hóa, các làng nghề Hà Nội còn mang trong mình nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, cảnh quan sinh thái… tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty du lịch lữ hành trong việc kết nối các sản phẩm du lịch thành tour du lịch làng nghề phong phú, hấp dẫn khách du lịch. 

Các sản phẩm làng nghề chưa cạnh tranh trên thị trường

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh nổi bật thì công tác phát triển du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Hà Nội đang còn tồn tại những bất cập, những thách thức. Ngày càng nhiều người rời quê để tìm những công việc khác có thu nhập cao hơn, dẫn đến việc số lượng người có tay nghề và gắn bó với nghề không nhiều. 

Ngoài ra, khó khăn còn nằm ở yếu tố cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, cơ sở vật chất du lịch còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề đảm bảo môi trường bền vững đang là khâu yếu nhất. Chưa kể, các sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chưa đặc sắc, ít độ tinh xảo, thiếu hấp dẫn, chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Người dân tại làng nghề thiếu những kiến thức chung về văn hóa, về nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cũng như khả năng giao tiếp với khách du lịch nên không giới thiệu, bán sản phẩm hiệu quả. 

Để khắc phục các khó khăn này, đưa làng nghề truyền thống trở thành điểm đến hấp dẫn cho du lịch Thủ đô, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, các nghệ nhân là người mang linh hồn, giữ vai trò truyền nghề và tạo nên sức sống cho làng nghề. Một làng nghề không có nghệ nhân chẳng khác nào ngôi nhà không có chủ. Chính vì vậy, công tác truyền dạy nghề cần được đặc biệt chú trọng. 

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng, công tác công nhận nghệ nhân cần được đặc biệt xem trọng. Không phải nghệ nhân nào cũng có cơ hội tham gia các hội chợ để được công nhận tay nghề. Chính vì thế, rất cần các cuộc thi được tổ chức định kỳ, để những người đang sở hữu những nét tinh túy của làng nghề có cơ hội được ghi nhận và có thêm động lực để gắn bó với nghề. Nhờ đó, làng nghề sẽ phát triển bền vững hơn. 

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, để tăng cường khả năng gắn kết doanh nghiệp với phát triển du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, cần có những bước tiến dài hơn trong chỉ đạo và điều hành của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Trong đó, nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt. Những hạn chế cần có thời gian để khắc phục trong nay mai, sự nóng vội chỉ là biểu hiện cho quá trình đốt cháy giai đoạn.