Phạm Viết Hồng Lam: "Hoạ sĩ nhà quê" và những tác phẩm nude ấn tượng

ANTD.VN - Xé giấy cắt dán, cách trẻ nhỏ hay làm trong các bài tập thủ công đã được các họa sĩ Việt thử nghiệm một cách làm đầy hứng thú, dù thành hay bại, được hay mất. Riêng với trường hợp của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, để có trình làng cuộc triển lãm “Hội họa của điêu khắc” lần này, ông đã có những cách "chế" riêng để biến những bức tranh mang nhiều nét ngây thơ của trẻ nhỏ thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Hội họa đương đại Vệt nam đã từng chứng kiến cuộc thử nghiệm của các họa sĩ trên các chất liệu tạo hình, coi xé giấy cắt dán cũng là một cách làm đầy hứng thú. Nhiều cuộc tạo lập tác phẩm mới từ xé giấy, gấp giấy mầu đã được họa sĩ Lê Anh Vân, Lê Công Thành... thử nghiệm.

Thậm chí đến tên tuổi như danh họa Bùi Xuân Phái cũng đã từng có lúc loay hoay với những bức tranh xé giấy khổ nhỏ như một sự tìm tòi trong sáng tạo …. Nhiều người không hài lòng với sự chưa hoàn thiện về mầu sắc , bố cục hình sắp xếp chưa ưng ý nên đã bỏ cuộc. Trường hợp của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam lại khác, sự kiên trì, say mê đặc biệt đã khiến ông gắn bó lâu dài với "phép thử" của mình.

Một tác phẩm của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam tại triển lãm "Hội họa của điêu khắc"

Cuộc triển lãm “Hội họa của điêu khắc” khai mạc vào ngày 20-11 tại nhà đấu giá Chọn, số 63 Hàm Long, Hà Nội là một lần ông “khoe” với người xem về những cảm thụ mầu sắc phóng khoáng, nhuần nhuyễn, giữa hình với mầu như một cuộc kết hợp điêu khắc tài tình.

Triển lãm trưng bày 60 tác phẩm tranh cắt giấy khổ lớn. Các bức tranh như tạo nên một thế giới rực rỡ sắc mầu, tràn ngập sức sống, đem lại niềm hân hoan yêu cuộc sống, hạnh phúc trong sự yên bình, lãng mạn. Những người đẹp trong tranh ông, dù lộng lẫy xiêm y, hay mềm mại phô diễn những đường cong thân thể thì đều có một sự cuốn hút, hấp dẫn rất riêng.

Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam hòa trộn được giữa mầu sắc giấy với những tính toán sắp xếp, xen kẽ thành những tác phẩm thực sự ấn tượng nhưng vẫn mang được hình ảnh và câu chuyện của tâm hồn Việt.

Dòng tranh xé giấy mang thương hiệu họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam

Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam sinh năm 1946 tại Nghệ An. Ông là con trai của cố họa sĩ Phạm Viết Song, một hoạ sĩ tên tuổi từng theo học bài bản từ thời Trường Mỹ Thuật Đông Dương. Cuộc đời ông gắn bó với nhiều miền quê của đất nước từ chiến tranh đến thời bình, từ lúc ông là người lính đến khi trở thành người thầy và cuối cùng như ông tự nhận mình là người “họa sĩ nhà quê”, suốt đời gắn liền với các cuộc chơi của sắc màu.

Họa sĩ đã có nhiều cuộc triển lãm trong suốt mấy chục năm qua. Đặc biệt, trong suốt những 1988-1990, một giai đoạn đầy khó khăn và nghiệt ngã ập đến với cuộc đời người họa sĩ trẻ tài hoa Phạm Viết Hồng Lam.

Ông bỗng bị bạo bệnh và phải chữa trị mất nhiều năm, ít tham gia vào những hoạt động xã hội. Nhưng đây cũng là một trải nghiệm riêng biệt, đã kích thích sự sáng tạo nảy sinh kỳ lạ trong tâm hồn người nghệ sĩ khi bị hoàn cảnh bó buộc, vượt thoát khỏi mọi ranh giới, để có được một dòng tranh xé giấy mang tên Phạm Viết Hồng Lam gây ấn tượng thời kỳ này.

Sự trở lại của Phạm Viết Hồng Lam với những người yêu tranh

Với sự cảm thụ đặc biệt do cảm xúc với màu sắc, nhưng điều kiện hạn chế, ông đã sử dụng theo cách con trẻ, học xé giấy màu để tạo nên những tác phẩm hội họa. Ban đầu là những bức tranh khổ nhỏ, rồi dần dần, kích thước tranh cứ lớn dần lên. Và bắt đầu từ năm 2017, ông đã sáng tác tranh cắt giấy khổ lớn với chủ thể là phụ nữ, chủ yếu cắt và phối màu, thể hiện sự cảm thụ màu, một khả năng riêng về màu sắc tương tác với cảm xúc cá tính của Phạm Viết Hồng Lam.

Triển lãm “Hội họa điêu khắc giấy” lần này của ông mang chủ đề “Phụ nữ và tĩnh vật” được xem như sự trở lại của Phạm Viết Hồng Lam. Triển lãm càng trở nên ý nghĩa hơn khi khai mạc vào đúng ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam, một ngày đầy ý nghĩa cho thành quả lao động nghệ thuật của nhà giáo Phạm Viết Hồng Lam.