Phạm Thành Trung: Chấp nhận mạo hiểm theo đuổi nghề báo

(ANTĐ) - “Tình cờ đến với nghề báo để rồi “ngấm” và “say” từ khi nào không biết” - đó là những tâm sự của Phạm Thành Trung, một phóng viên ảnh đang có khá nhiều tờ báo quan tâm. Từ một nhân viên kế toán của một công ty xăng dầu, bất ngờ Phạm Thành Trung rẽ ngang làm báo với tất cả háo hức và mạo hiểm của tuổi trẻ.

Phạm Thành Trung: Chấp nhận mạo hiểm theo đuổi nghề báo

(ANTĐ) - “Tình cờ đến với nghề báo để rồi “ngấm” và “say” từ khi nào không biết” - đó là những tâm sự của Phạm Thành Trung, một phóng viên ảnh đang có khá nhiều tờ báo quan tâm. Từ một nhân viên kế toán của một công ty xăng dầu, bất ngờ Phạm Thành Trung rẽ ngang làm báo với tất cả háo hức và mạo hiểm của tuổi trẻ.

- Từ khi nào anh biết mình muốn hoặc có năng khiếu làm báo?

- Khi còn là học sinh phổ thông, tôi được các thầy cô đánh giá cao về môn văn, hơn nữa bản thân tôi thích hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, gia đình định hướng tôi theo học về kinh tế.

Tốt nghiệp Đại học, tôi về làm kế toán tại một công ty xăng dầu, một công việc khá ổn định, và mọi việc cứ suôn sẻ như vậy cho đến khi tôi viết về những tâm sự của mình trên blog.

Thật bất ngờ khi có một số phóng viên tình cờ đọc blog của tôi, họ cảm thấy thích cách tôi viết blog và khuyến khích tôi thử cộng tác viết bài. Tôi đến với nghề báo rất tình cờ như vậy.

- Anh đã đầu tư như thế nào cho nghề báo khi chuyển qua tay ngang như vậy?

- Thực ra khi bước chân vào nghề báo, ai cũng cho đó là sự mạo hiểm bởi công việc cũ mang đến cho tôi sự ổn định về mọi mặt, còn những công việc mới thì mọi thứ vẫn đang ở phía trước.

Nhưng khi những bài viết của mình được đăng tôi chợt nhận ra rằng mình thật sự yêu thích công việc viết lách này. Với bản tính cầu toàn, tôi quyết định nghỉ việc ở công ty cũ và dành chọn thời gian cho nghề báo với tất cả đam mê.

Còn trang bị cho mình à? Tôi đã từng là dân kinh tế và cũng biết chơi cổ phiếu nữa… Tôi đã chuẩn bị cho mình số tiền đủ để học nghề trong 1 năm và tôi đã dùng hết số tiền mình có để mua sắm phương tiện làm việc cho mình.

- Anh thấy anh thiếu và yếu điều gì cũng như thế mạnh của anh khi đến với nghề báo?

- Mới vào nghề, tôi còn thiếu và yếu nhiều chứ! Nhưng quan điểm của tôi là không ai biết ngay được mọi điều, cứ học dần thôi. Điểm yếu lớn nhất của tôi có lẽ đến bây giờ vẫn là sự rụt rè, tôi đang cố gắng khắc phục nó. Tôi cảm thấy may mắn khi được những người đồng nghiệp giúp đỡ, chỉ bảo rất nhiều.

Còn điểm mạnh ư, thời gian làm báo của tôi chưa lâu, chưa đến nửa năm, nên cũng chưa có điểm mạnh nào đáng kể ngoài điểm mạnh duy nhất đó là sự đam mê và khát khao được làm việc.

Tuy nhiên ít nhiều tôi cũng có những thành công nhất định khi được giao  phụ trách chuyên trang của www.eva.vn, thành công đó chưa thật sự lớn nhưng đủ khiến cho tôi đỡ lo âu và thấy tin tưởng ở mình hơn.

- Những lời khen chê bên ngoài có tác động tới công việc của anh không?

- Có chứ! Tôi tự học nhiếp ảnh, không nhờ ai hướng dẫn cả nên kỹ thuật còn chưa tốt. Khi ai đó chê, tôi cũng buồn. Nhưng chỉ thoáng qua thôi, tôi tự nhủ sẽ cố gắng rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

- Tự học chụp ảnh,  không nhờ sự tư vấn của bất cứ ai, nếu nhìn ở góc độ khác thì sẽ có người cho rằng anh ngạo mạn?

- Không, tôi không có suy nghĩ như vậy, tôi chỉ muốn trở thành một phóng viên ảnh báo chí với góc nhìn của riêng mình.

- Được giao quản lý 1 trang web chuyên về làm đẹp, theo anh đó là may mắn hay khả năng của anh đã được nhìn nhận?

Có lẽ là do may mắn. Tôi nghĩ là phải cảm ơn những người anh, người chị đã tin tưởng tôi và cho tôi một cơ hội để chứng tỏ mình.

- Có khi nào anh thấy mình đến với nghề quá muộn và lãng phí 6 năm ở một công ty xăng dầu?

- Nếu có cơ hội làm lại, tôi mong mình sẽ được học về báo chí chính quy và được đi làm báo như bây giờ.

Nhưng tôi không nghĩ mình đến với nghề quá muộn, 6 năm làm cho một công ty Nhà nước đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều, tích lũy cho tôi một vốn sống nhất định. Có lẽ vì thế mà tôi nhanh chóng bắt nhịp được với công việc mới hơn.

Nguyễn Hà thực hiện