"Phá băng" thị trường mỹ thuật Việt Nam năm 2018

ANTD.VN - Những ngày cuối cùng năm 2017 đã chứng kiến cuộc đổ bộ rầm rầm của các tác phẩm nghệ thuật tại nhiều phòng tranh. Cuộc trình làng ào ạt của các họa sỹ trẻ có, già có đã đưa đến cái nhìn lạc quan cho thị trường mỹ thuật Việt Nam năm 2018. 

Những gợn sóng 

Liên tiếp các cuộc triển lãm đã ra đời trong khoảng thời gian "năm cùng tháng tận" đã nói lên, thị trường mỹ thuật Việt Nam đang có những gợn sóng trong mặt hồ phẳng lặng. Điểm qua một số triển lãm, người yêu nghệ thuật đã chứng kiến cuộc trình làng ngoạn mục của các nghệ sỹ Bắc-Trung-Nam với sự kỳ công để có được những tác phẩm chất lượng.

Vào giữa tháng 12, hai vợ chồng nghệ sỹ người Huế Nguyễn Đức Huy và Đặng Thị Thu An đã đem tới khán giả Thủ đô các tác phẩm về người phụ nữ Á Đông. Triển lãm "Men đàn bà" được đánh giá là thú vị, hóm hỉnh và có điểm nhấn. Sở dĩ nói như vậy, bởi bộ tranh phụ nữ béo của Nguyễn Đức Huy đã tập trung diễn tả những cô nàng bụng to, mũm mĩm, tìm mãi không thấy tấm eo thon nhưng rất đẹp.

Tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Đức Huy

Cái đẹp được toát ra từ vẻ tự tin của các cô gái, từ cái nhìn hài hước của tác giả. Tóm lại, khi xem tranh của Nguyễn Đức Huy, tất cả phụ nữ đều cười, đều tin mình cũng đẹp chẳng kém các hotgirl chân dài, bụng phẳng. Và các chị, các em còn kháo nhau rằng, nên dẫn chồng đi cùng để thấy, phụ nữ béo vẫn rất hấp dẫn. 

Tất nhiên, với sự thú vị ấy, tranh của Nguyễn Đức Huy đã bán tốt. Những chấm màu đỏ nhỏ bên cạnh tác phẩm như sự khẳng định, tác phẩm đã có chủ, đương nhiên khiến cho nam họa sỹ này vui mừng ra mặt. Chỉ diễn ra ít thời gian sau "Men đàn bà", các tác phẩm trong triển lãm "Nhóm Hiện thực +" lại hấp dẫn người xem ở cái tả thực đến mức, từng đường gân trên chiếc lá, từng cọng rơm trên cây rơm đều chân thực như người xem có thể chạm tay vào.

Tranh vẽ mà nét hơn ảnh chụp đã thể hiện cho tay nghề điêu luyện của các họa sỹ. Đặc biệt, để theo đuổi dòng tranh này, không có chuyện hình họa amateur mà phải cực kỳ vững vàng, nếu không, sẽ "chết ngay" từ khi cầm cọ. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi diễn ra triển lãm của nhóm Hiện thực ngày khai mạc, đông hơn trảy hội. Xe máy, ô tô đỗ kín đặc từ cổng vào cho tới sân vốn khá rộng rãi, thoáng đãng ngày thường. Người đi xem tranh phải khó khăn lắm mới tìm được một khoảng trống để ngắm tác phẩm. 

Chỉ ít ngày sau triển lãm diễn ra, nhiều họa sỹ tham gia nhóm đã đăng tải trạng thái hân hoan, vui mừng vì tranh đã có người mua. Trong đó, nhiều bức khổ lớn, chiếm cả một mảng tường đã không còn "hàng". Thế mới biết, trong nghệ thuật, một khi họa sỹ đã chạm tới cảm xúc của người xem, thì tranh to, tranh nhỏ, giá cao hay giá thấp cũng không còn là vấn đề để suy nghĩ. Miễn sao tranh đẹp, độc và thú vị. 

Đẩy lui nạn tranh giả, tranh chép

Bên cạnh hai triển lãm mang dấu ấn này, thị trường mỹ thuật Việt Nam vào dịp cuối năm đã đặc biệt trở nên sôi động. Phiên đấu giá Chọn đã có giao dịch lên tới 660% cho một tác phẩm. Và mức giá cao nhất đã thuộc về bức tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm với mức là 83.000 USD. Dù chỉ mới hình thành một vài phiên đấu giá nghệ thuật, nhưng điều đó cho thấy, nhu cầu sở hữu các tác phẩm nghệ thuật sẽ ngày một rõ nét. Tranh chép, tranh giả sẽ dần dần nhường chỗ cho những bức tranh, bức tượng có chữ ký. Và thị trường mỹ thuật Việt Nam có khả năng sẽ được phá băng trong năm 2018 là điều hoàn toàn có thể. 

Tất nhiên, đi liền với các tín hiệu tích cực này, những chính sách hỗ trợ của nhà nước, từ các cơ quan quản lý sẽ giúp nghệ sỹ có nhiều cơ hội đưa tác phẩm đến với người xem. Bên cạnh đó, một thái độ rõ ràng của người sưu tầm với nạn tranh giả sẽ đẩy lui cuộc hưng thịnh của các tay chép tranh.

Tác phẩm tại triển lãm "Nhóm Hiện thực +"

Cảm giác ngại ngùng khi trong nhà có treo tranh không chữ ký chính là động lực để các họa sỹ sáng tác nhiều hơn, cho ra đời các tác phẩm có chất lượng và phù hợp với túi tiền của người chơi tranh. Suy cho cùng, tranh, tượng cũng là để phục vụ đời sống tinh thần của con người. Và đời sống ấy sẽ phong phú, nhiều sắc màu phần lớn phụ thuộc vào quan điểm, cách nhìn nhận của từng cá nhân. 

Việc giáo dục thẩm mỹ cho khọc sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chưa bao giờ là thừa đối với sự hưng thịnh của nền nghệ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật Việt Nam nói riêng. Lớp trẻ sẽ là những công chúng nghệ thuật quyết định sự thành bại của cả một nền mỹ thuật Việt. Hướng tiếp cận mới với nhiều dòng nghệ thuật đang hình thành, xuất hiện và khẳng định của người trẻ sẽ thúc đẩy những ý tưởng đi xa hơn, bay cao hơn trong một bầu trời gồm nhiều tên tuổi, nhiều tài năng hội họa đang phát lộ.