PGS.TS Lưu Khánh Thơ kể lại chuyện đi tìm câu trả lời cho thi sĩ Xuân Quỳnh

ANTD.VN - Gần 30 năm sau ngày mất, ngày 20-5, cố thi sĩ Xuân Quỳnh đã chính thức được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (VHNT) năm 2016 trong niềm hân hoan và hạnh phúc của những người ở lại.

Đi tìm câu trả lời thỏa đáng

PGS.TS Lưu Khánh Thơ - em chồng của thi sĩ Xuân Quỳnh chia sẻ, khi hay tin Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, không chỉ những người họ hàng thân thiết mà cả bạn bè đồng nghiệp lẫn bạn đọc ở khắp nơi đều gửi lời chúc mừng đến gia đình. PGS.TS Lưu Khánh Thơ thổ lộ, chị luôn đặt mình vào vị trí một bạn đọc, một người nghiên cứu văn học để cảm nhận tài năng của Xuân Quỳnh và thực sự thấy tự hào vì những đóng góp của chị đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. 

Trước khi được truy tặng giải thưởng cao quý này, Xuân Quỳnh từng không có tên trong danh sách các tác giả được Hội đồng xét duyệt cấp Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2016 do thiếu điều kiện về giải thưởng theo quy định (giải thưởng trong các cuộc thi do Bộ Văn hóa hoặc các Hội VHNT Trung ương tổ chức, hoặc giải thưởng quốc tế). PGS.TS Lưu Khánh Thơ cho biết, khi Xuân Quỳnh bị loại khỏi danh sách trên, chị cảm thấy rất ngỡ ngàng, cũng không có một lời giải thích thỏa đáng nào. 

Không vội vàng, chị gọi điện cho nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để cố gắng tìm hiểu lý do câu chuyện. Rồi chị quyết định viết thư ngỏ để nói rõ những băn khoăn của mình. PGS.TS Lưu Khánh Thơ bảo chị hiểu giải thưởng cao nhất là sống được trong lòng người đọc và được mọi người ghi nhận nhưng vẫn muốn đi tìm câu trả lời mà chị nghĩ là cần thiết và nên làm. Đó không chỉ là thắc mắc của riêng gia đình Xuân Quỳnh mà còn là băn khoăn của những người yêu mến tài năng của nữ thi sĩ này. 

Trọn vẹn chữ tình

Trong ký ức của PGS.TS Lưu Khánh Thơ thì chị chồng của mình - thi sĩ Xuân Quỳnh là một người phụ nữ nhân hậu, hóm hỉnh hay đùa, có tài và rất đẹp. PGS.TS Lưu Khánh Thơ kể, khi Xuân Quỳnh về làm dâu trong gia đình nhà mình, ngay lập tức nhận được tình cảm yêu mến của tất cả mọi người.

Điều đặc biệt ở chỗ, Xuân Quỳnh lấy Lưu Quang Vũ khi mỗi người đều trải qua đổ vỡ trong cuộc hôn nhân đầu tiên và có con riêng. Vì thế, ngoài vai trò người vợ, sau này Xuân Quỳnh còn là người mẹ của nhiều đứa con mà người xưa vẫn ví von là “con anh, con tôi, con của chúng ta”. Cả ba đứa trẻ dưới sự chăm nom và dạy dỗ của Xuân Quỳnh đều chung sống hòa thuận và biết yêu thương nhau. “Đấy là do cách cư xử, là bản năng nhân hậu của người phụ nữ đã nhân lên thành nghệ thuật làm mẹ” - PGS.TS Lưu Khánh Thơ nhận định. 

Cũng theo lời kể của PGS.TS Lưu Khánh Thơ, trong một bức thư mà Xuân Quỳnh gửi cho Lưu Quang Vũ có viết những dòng rất xúc động, rằng: “Chúng ta đã sống với nhau 15 năm, bằng thời gian lưu lạc của cuộc đời cô Kiều và trong 15 năm đó, có rất nhiều những vui buồn, cơ cực nhưng trên tất cả là sự hạnh phúc”.

Ngẫm lại, PGS.TS Lưu Khánh Thơ cho rằng điều quan trọng hơn cả là anh trai mình và Xuân Quỳnh đã nương tựa vào nhau, để lại cho cuộc đời một di sản văn học có giá trị. Đó là minh chứng sống cho thấy, người ta nói yêu nhau không chỉ là cùng nhau nhìn về một hướng mà là còn cùng nhau đi về một đích.  

Trước thời điểm vụ tai nạn thảm khốc xảy ra đã cướp đi sự sống của cặp vợ chồng tài hoa Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh từng bị ốm. Thời gian đó, bà hay tâm sự cùng em chồng. Nhớ lại, PGS. TS Lưu Khánh Thơ bùi ngùi tâm sự, 3 năm cuối trước khi qua đời vì vụ tai nạn, Xuân Quỳnh phát hiện bị bệnh tim và phải nằm điều trị tại bệnh viện.

Đúng lúc ấy, Lưu Quang Vũ lại bận việc dựng kịch cho các đoàn và phải đi liên tục. Một lần, PGS.TS Lưu Khánh Thơ vào viện thăm chị chồng, thấy chị rất buồn. Xuân Quỳnh dằn vặt bởi cảm thấy mình không thể giúp ích được cho chồng và các con. Bài thơ “Thời gian trắng” mà Xuân Quỳnh viết cũng xuất phát từ suy nghĩ này. 

Xuân Quỳnh bao giờ cũng sống hết mình, đẩy tình cảm của mình lên mức cao nhất và sống trọn vẹn với tình cảm đó dù trong bất kể mối quan hệ nào, tình bạn, tình thân hay tình yêu. Cũng bởi điều ấy, PGS.TS Lưu Khánh Thơ bảo, bà luôn dành cho người chị chồng của mình một sự trân quý và ngưỡng mộ không chỉ trong thơ mà ở cả ngoài đời thật.

Sáng 20-5 tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016 cho 113 tác giả, đồng tác giả. Tại đây, Bộ VH-TT&DL đã trao tặng giải thưởng cho 18 tác giả, đồng tác giả có các tác phẩm, công trình được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 95 tác giả, đồng tác giả có tác phẩm, công trình được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước. Trong đó, 18 tác giả, cố tác giả được trao và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này.

Có nhiều tên tuổi lớn như: nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Thuận Yến, nhà thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Trọng Bằng… Tính đến nay, Xuân Quỳnh là nữ tác giả thứ hai được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - lĩnh vực văn học. Trước đó, nhà thơ Vương Kiều Ân (nữ sĩ Anh Thơ) với tập thơ “Bức Tranh Quê” (1941), tập hồi ký “Từ Bến Sông Thương” (2002) là tác giả nữ đầu tiên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 3 - năm 2007).