"Ông lớn" thực sự phía sau vụ thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam

ANTD.VN - Doanh nghiệp thực sự đứng sau Vivaso thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) lại là một đại gia ngành xây dựng – Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường.

Cổ đông chiến lược đang sở hữu 65% vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là Tổng công ty Vận tải Thủy (Vivaso). Đáng nói, Vivaso lại đang thuộc sở hữu của một “ông lớn” trong ngành xây dựng hạ tầng giao thông – Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường. Điều này không khỏi khiến dư luận nghi ngờ, liệu việc Vivaso thâu tóm VFS có phải đường vòng để Vạn Cường lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Tháng 4-2016, Hãng phim truyện Việt Nam được cổ phần hóa. Theo phương án khi đó, vốn điều lệ sau cổ phần hóa của VFS sẽ đạt 50 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 20% vốn, cán bộ nhân viên nắm giữ 4,5%, và 10,5% được đấu giá thông qua phiên IPO, còn 65% vốn được bán cho nhà đầu tư chiến lược - Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso).

"Ông chủ" thực sự của Hãng phim truyện Việt Nam là một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông

Như vậy, với việc bỏ ra hơn 32 tỷ đồng, Vivaso đã trở thành công ty mẹ chi phối hoạt động của VFS. Cũng đồng nghĩa doanh nghiệp này sẽ kế thừa quyền và trách nhiệm liên quan đến nhiều khu đất, đặc biệt là 5.450m2 “đất vàng” tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) mà hãng phim này đang quản lý. Giá trị thị trường của khu đất này được cho là lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng không được xác định vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, do đây là đất hãng phim thuê của Nhà nước.

Đáng nói, đứng sau doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải thủy này lại là một “ông lớn” trong ngành xây dựng hạ tầng đường giao thông - Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường.

Trước đó, cuối tháng 3-2014, Vivaso đã thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán hơn 15 triệu cổ phiếu (46% vốn điều lệ). Kết quả phiên đấu giá lần đầu không như mong đợi, Vivaso chỉ bán ra được hơn nửa triệu cổ phần với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phần… và Vạn Cường cũng không hề xuất hiện trong phiên đấu giá.

Tuy nhiên, 1 tuần sau đó, Vạn Cường đột nhiên gửi công văn tới Bộ GTVT về việc xin mua hết toàn bộ hơn 14 triệu cổ phần còn lại của Vivaso. Công ty Vạn Cường được thành lập từ năm 1992 với vốn điều lệ 300 tỷ do ông Nguyễn Thủy Nguyên là chủ tịch và hiện nắm giữ gần 99% cổ phần.

Doanh nghiệp này được biết đến là một doanh nghiệp tư nhân lớn hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, từng được Bộ GTVT giao thi công hạ tầng nhiều dự án đường bộ quan trọng như quốc lộ 1A và quốc lộ 14.

Dù liên tục than ngành vận tải thủy đang gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Nguyễn Thủy Nguyên, khi đó đã là tân Chủ tịch của Vivaso vẫn tiếp tục chi hàng trăm tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên.  Tháng 2-2016, ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng là 1 trong 3 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua toàn bộ số cổ phần Vivaso khi Bộ GTVT  đăng ký thoái hơn 22% vốn điều lệ còn lại và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này.

Việc thâu tóm VFS không khỏi khiến dư luận nghi ngờ là đường vòng Vạn Cường lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khi nhắm vào quỹ đất mà VFS đang sở hữu lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thủy Nguyên vẫn một mực phủ nhận và cho rằng đây là diện tích đất do hãng phim thuê của Nhà nước, nên bất cứ khi nào thành phố yêu cầu thu hồi thì doanh nghiệp sẽ tuân thủ.