Ông Đào Thái Tôn không xâm phạm bản quyền tác giả

(ANTĐ) - Vụ kiện hy hữu giữa hai nhà Kiều học đã đến hồi kết khi HĐXX phúc thẩm tuyên án ông Đào Thái Tôn không xâm phạm bản quyền tác giả.

Ông Đào Thái Tôn không xâm phạm bản quyền tác giả

(ANTĐ) - Vụ kiện hy hữu giữa hai nhà Kiều học đã đến hồi kết khi HĐXX phúc thẩm tuyên án ông Đào Thái Tôn không xâm phạm bản quyền tác giả.

Phiên tòa dân sự phúc thẩm diễn ra ngày 14-6-2007 tại TANDTC ở Hà Nội nhằm xét xử vụ án “xâm phạm bản quyền tác giả và yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Quảng Tuân và bị đơn là ông Đào Thái Tôn.

Trích dẫn hay đăng toàn văn?

Theo Bản án dân sự sơ thẩm số 68/2006/DSST ngày 25, 26-12-2006 của TAND thành phố Hà Nội thì năm 2001 và 2003, việc ông Đào Thái Tôn đã in và tái bản cuốn “Văn bản truyện Kiều – nghiên cứu và thảo luận”, trong đó có in toàn văn 4 bài của ông Nguyễn Quảng Tuân mà ông Tôn không xin phép ông Tuân là xâm phạm quyền tác giả và quyết định buộc ông Tôn phải xin lỗi ông Tuân, đồng thời ông Tôn phải thanh toán số tiền là 26.040.000 đồng cho ông Tuân.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Đào Thái Tôn đã kháng cáo toàn bộ bản án vì cho rằng ông không xâm phạm quyền tác giả, tòa án sơ thẩm đã có nhiều sai phạm khi thụ lý, xét xử vụ án này. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, trong phần thẩm vấn, ông Đào Thái Tôn đã khẳng định, đây là cuộc tranh luận đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu Truyện Kiều, chính vì thế nó rất có ý nghĩa trong việc để cho các thế hệ sau tìm hiểu và nghiên cứu về tác phẩm bất hủ này.

Nhưng nếu in rải rác trên các báo, tạp chí thì rất khó theo dõi vì thế ông đã quyết định in thành sách với ý thức dựng lại một cách trung thành nhất về cuộc tranh luận học thuật này. Và việc ông cho in 4 tác phẩm của ông Nguyễn Quảng Tuân trong cuốn “Văn bản truyện Kiều – nghiên cứu và thảo luận” về hình thức là đăng nguyên văn, còn về thao tác là trích dẫn để thảo luận, để nghiên cứu.

Đồng thời ông Tôn cũng cho rằng, đối với những cuộc trao đổi như  vậy, để cho bạn đọc hiểu rõ thì không có cách nào khác là đăng toàn văn bài của ông Nguyễn Quảng Tuân. Và việc ông đăng 4 bài viết của ông Tuân trong cuốn sách của mình là nhằm mục đích nghiên cứu khoa học chứ không nhằm mục đích kinh doanh.

Trong khi đó, ông Cù Huy Hà Vũ – người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Quảng Tuân lại cho rằng, việc ông Đào Thái Tôn đăng nguyên văn 4 bài viết của ông Nguyễn Quảng Tuân không phải là trích dẫn để bình luận mà là đăng toàn văn để thành tuyển tập các bài viết về Truyện Kiều, bằng chứng là ông Đào Thái Tôn đã để nguyên tiêu đề đồng thời đề tên tác giả Nguyễn Quảng Tuân dưới tiêu đề bài viết.

Nhiều phóng viên, báo chí quan tâm đến vụ kiện hy hữu này
Nhiều phóng viên, báo chí quan tâm đến vụ kiện hy hữu này

Như vậy có nghĩa là ông Tôn phải xin phép và trả nhuận bút cho ông Tuân. Nếu ông Tôn không xin phép tức là ông Tôn đã xâm phạm bản quyền tác giả và phải bồi thường quyền lợi về tinh thần cũng như về vật chất cho ông Nguyễn Quang Tuân. Ông Cù Huy Hà Vũ lập luận rằng, việc ông Đào Thái Tôn in tác phẩm này đã lĩnh tiền nhuận bút, sách được bán với giá bìa 51.000 đồng như vậy là có mục đích kinh doanh.

Trong cuốn sách này, ông Tôn có đăng 10 bài của nhiều tác giả khác, ông Tôn đều có xin phép, nhưng riêng với ông Nguyễn Quảng Tuân thì không, như vậy có nghĩa là ông Đào Thái Tôn đã xâm phạm quyền tác giả một cách có ý thức chứ không phải là hành vi vô ý. Tuy nhiên những lập luận của ông Cù Huy Hà Vũ đã không được HĐXX phúc thẩm chấp thuận.

 Tòa án nhân dân TP Hà Nội sai chính tả?

Trong phiên tòa phúc thẩm, ông Đào Thái Tôn đã công bố trước tòa về quyết định bản án dân sự sơ thẩm của TAND thành phố Hà Nội khi cung cấp cho ông đã đề là bản án phúc thẩm, trong khi đó bản án cung cấp cho phía ông Cù Huy Hà Vũ vẫn đề là bản án sơ thẩm. Ông Tôn cho rằng TAND thành phố Hà Nội đã không minh bạch và có dấu hiệu tiêu cực trong chuyện này. Còn ông Cù Huy Hà Vũ lại nói rằng: “Chắc là tòa sai chính tả”?

Tòa sơ thẩm đã sai lầm

Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Nguyễn Thắng Cảnh bào chữa cho bị đơn Đào Thái Tôn cho rằng, quyết định của bản án sơ thẩm  là một việc làm gây khó khăn và hạn chế sáng tạo của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đào Thái Tôn. Còn người được ủy quyền của ông Nguyễn Quảng Tuân, ông Cù Huy Hà Vũ đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên ông Đào Thái Tôn đã xâm phạm quyền tác giả của ông Nguyễn Quảng Tuân.

Sau quá trình thẩm vấn, tranh luận và nghị án, HĐXX nhận định cuốn sách “Văn bản truyện Kiều – nghiên cứu và thảo luận” của ông Đào Thái Tôn là một tác phẩm nghiên cứu khoa học chứ không phải là một hợp tuyển nhằm mục đích thương mại. Việc ông Tôn đăng nguyên văn 4 bài viết của ông Tuân là để mọi người hiểu hết vấn đề, bài đăng không cắt xén mà để tên tác giả rõ ràng. Ông Tôn cũng đã chỉ ra 82 điều sai sót trong bài viết của ông Tuân như vậy là nhằm mục đích tranh luận, nghiên cứu.

Cuốn sách gây tranh cãi
Cuốn sách gây tranh cãi

Hơn nữa, trên thực tế việc ông Tôn nhận tiền nhuận bút là cho toàn bộ tác phẩm chứ không phải riêng đối với 4 bài viết của ông Tuân. Như vậy việc làm của ông Tôn là không trái với pháp luật, không xâm hại đến quyền tác giả. Việc tòa án sơ thẩm áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 để xét xử vụ án này là đúng nhưng trong việc đánh giá chứng cứ đã nhìn nhận sai lầm nên đã cho rằng việc ông Tôn in 4 bài viết là đăng toàn văn chứ không phải trích dẫn để bình luận.

 Nguyên đơn sẽ đề nghị xét xử Giám đốc thẩm?

Theo quy định của pháp luật, bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực ngay và mọi người phải thi hành. Tuy nhiên, phía nguyên đơn, ông Cù Huy Hà Vũ cho biết ông sẽ tiếp tục kháng cáo theo trình tự Giám đốc thẩm và đề nghị Chánh án TANDTC xem xét lại quyết định của bản án. Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thắng Cảnh lại cho rằng khả năng xét xử Giám đốc thẩm là rất ít bởi ai cũng có quyền kháng cáo, kháng nghị đề nghị xét xử Giám đốc thẩm nhưng phải đưa ra những chứng cứ mới, còn nếu không tòa sẽ bác bỏ.

Tòa án sơ thẩm căn cứ vào văn bản của Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa Thông tin cho rằng việc ông Tôn cho in 4 bài viết của ông Tuân trong cuốn sách của mình mà không được sự đồng ý của ông Tuân là hành vi xâm phạm quyền tác giả là không đúng vì đây chỉ là văn bản có tính chất tham khảo chứ không có tính chất quyết định.

Vì vậy việc tòa sơ thẩm buộc ông Đào Thái Tôn phải bồi thường cho ông Nguyễn Quảng Tuân là không đúng pháp luật. HĐXX phúc thẩm đã quyết định chấp nhận đơn kháng cáo của ông Đào Thái Tôn, sửa bản án dân sự sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Quảng Tuân, chấp nhận việc rút đơn phản tố của ông Đào Thái Tôn.

Đinh Hương Bình