Once Upon A Time in... Hollywood trên đường đua Oscar 2020

ANTD.VN - Theo trang thống kê BoxofficeMojo ngày 7-9, chỉ sau 1 tháng công chiếu toàn cầu, bộ phim “Chuyện ngày xưa ở Hollywood” (Once Upon A Time in   Hollywood) của đạo diễn Quentin Tarantino đã đạt doanh thu lên tới 285,6 triệu USD… 

Phim nghệ thuật thành công

Không hổ danh là bộ phim của vị đạo diễn kỳ tài và có phần lập dị Quentin Tarantino, “Chuyện ngày xưa ở Hollywood” chinh phục giới phê bình lẫn công chúng cho dù nó là một tác phẩm hoài cổ, mang dấu ấn cá nhân hết sức mạnh mẽ. Hãng Sony đã bỏ ra cả trăm triệu USD cho Tarantino thực hiện “Chuyện ngày xưa ở Hollywood” cùng dàn sao hạng A nổi tiếng gồm: Brad Pitt, Leonardo DiCaprio, Margot Robbie, Dakota Fanning và “khách mời” Al Pacino… 

Với mức doanh thu phòng vé tại riêng Bắc Mỹ là 132,2 triệu USD (tính đến ngày 7-9), “Chuyện ngày xưa ở Hollywood” vươn lên hàng thứ 4 trong số những bộ phim lấy đề tài, bối cảnh Hollywood ăn khách nhất lịch sử (đứng đầu là “Who Framed Roger Rabbit” với 156,5 triệu USD, thứ nhì là “La La Land” với 151,1 triệu USD và thứ ba là “Argo” với 136 triệu USD).

Còn nếu tính riêng những bộ phim của Quentin Tarantino thì doanh thu ở thị trường Bắc Mỹ của “Chuyện ngày xưa ở Hollywood” chỉ đứng sau bộ phim ăn khách nhất “Django Unchained” (doanh thu 162,8 triệu USD) mà Tarantino làm vào năm 2012. Trước đó, “Chuyện ngày xưa ở Hollywood” trở thành phim có doanh thu mở màn tốt nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp của Tarantino khi tuần đầu công chiếu đã thu về 40,3 triệu USD. Bộ phim cũng đã được đón nhận từ các nhà phê bình với 84% lượt bầu chọn trên Rotten Tomatoes.

Kể từ khi có buổi ra mắt cực kỳ thành công tại Liên hoan phim Cannes (Pháp) tháng 5-2019, “Chuyện ngày xưa ở Hollywood” nhanh chóng được giới phê bình đánh giá là ứng viên đáng gờm của giải Oscar 2020. Câu hỏi không phải là phim này có được đề cử Oscar hay không, mà là phim sẽ nhận được bao nhiêu đề cử Oscar? Bởi các thành viên của Viện Hàn lâm khoa học và điện ảnh Mỹ vốn rất ưu ái cho những bộ phim đề tài Hollywood quay tại “kinh đô điện ảnh” Los Angeles (gần nhất có “La La Land” của đạo diễn trẻ Damien Chazelle có tới 14 đề cử và cuối cùng giành 6 giải Oscar 2017). 

Quentin Tarantino chỉ đạo diễn xuất cho Brad Pit

Tình yêu cho quá khứ vàng son

“Chuyện ngày xưa ở Hollywood” như một bài thơ tình nồng nàn mà đạo diễn Quentin Tarantino dâng tặng cho kinh đô điện ảnh nổi tiếng thông qua việc tái hiện màu phim vàng bàng bạc, những rạp chiếu bóng lấp lánh ánh đèn, poster gợi cảm, những diễn viên, đoàn làm phim nhộn nhịp nơi phim trường, những thời khắc lắng đọng ở khoảng nghỉ  giữa những cảnh quay. Bộ phim như lời tri ân của Tarantino với quá khứ vàng son một thời nhiều chất thơ, sự kiện, tinh thần điện ảnh, và cả sự đổi thay ở Hollywood.

Tinh thần văn hóa đại chúng lúc bấy giờ được phản ánh tinh tế, tỉ mỉ qua những trang phục có phần diêm dúa, những chiếc xe cổ, những chiếc nón cao bồi và ngôi nhà gỗ nâu của miền viễn Tây. Không gian, âm nhạc hòa quyện trong phim và Tarantino đã không bỏ lỡ khi có dịp đưa vào phim nhiều ca khúc, giai điệu jazz, rock xa xưa mà ông từng mê mẩn. Ông cho khán giả nghe lại những tài danh như The Village Callers, Bob Seger, Robert Goulet hay Aretha Franklin.

Lấy bối cảnh kinh đô điện ảnh Hollywood ở Los Angeles vào khoảng cuối thập niên 1960, bộ phim dài 161 phút có rất nhiều lời thoại và có nhịp độ chậm rãi như thử thách sự kiên nhẫn của khán giả. Những nhân vật trong “Chuyện ngày xưa ở Hollywood” cũng gửi gắm những “nỗi niềm” đặc biệt của Quentin Tarantino. Leonardo DiCaprio đóng vai Rick Dalton - một ngôi sao phim truyền hình cựu trào sắp hết thời đang cố gắng lấy lại phong độ diễn xuất, còn Brad Pitt vào vai Cliff Booth - diễn viên đóng thế kiêm tài xế thân thiết và trung thành của Dalton.

Làm sao quên được trường đoạn đặc sắc nhất của một Leonardo DiCaprio thể hiện tâm trạng khóc cười khi suy kiệt sức diễn, quên lời thoại của nhân vật “về chiều” Rick Dalton, để rồi sau đó Dalton cắn răng vượt qua thống khổ và bật dậy đóng tiếp vai diễn phản diện của mình. Còn Cliff Booth (Brad Pitt đóng) có thể khiến các khán giả nữ ngẩn ngơ vì quá phong độ từ hình thể đến nội tâm, có bản năng lạnh lùng làm vỏ bọc xù xì cho một tâm hồn nhạy cảm. 

Trong khi đó, một Margot Robbie qua vai diễn lấy hình mẫu có thật ngoài đời là nữ diễn viên Sharon Tate có thể gây ồn ào dư luận về cách tái hiện của Quentin Tarantino (tương tự là đoạn xuất hiện của nhân vật Lý Tiểu Long bị Cliff Booth hạ gục trong phim), song vẻ đẹp cổ điển cực kỳ quyến rũ của Robbie - Sharon trên màn hình không thể chê được chỗ nào. Ánh mắt nụ cười, bộ váy giản dị cùng đôi chân sải bước trên đường phố nắng vàng như rót mật của Margot Robbie biểu hiện cho những gì đẹp đẽ của một Hollywood vàng son mà Tarantino tôn thờ.

Cũng không quên việc xuất hiện rất ít phút của cô bé Julia Butters (10 tuổi) đã mang lại những tràng cười cho khán giả bằng những câu thoại “tỉnh bơ” đắt giá. Đây cũng là phong cách hài hước của Quentin Tarantino, bên cạnh việc cố tình “viết lại lịch sử” cho sự kiện giáo phái gia đình Manson đi giết người là một “đặc sản” bất ngờ mà những ai yêu mến phim Tarantino một lần nữa lại được thưởng thức vào cuối phim. Bởi trước đây trong “Inglourious Basterds” (2009), Tarantino cũng đã từng “viết lại lịch sử” khi cho Hitler bị ám sát chết cơ mà.

“Chuyện ngày xưa ở Hollywood” là lời nhắc nhớ những giá trị nghệ thuật tinh túy, đẹp đẽ và cả lệch lạc của một Hollywood trong dĩ vãng mà Quentin Tarantino muốn níu kéo, dẫn dụ và tái hiện. Qua đó, đạo diễn ngậm ngùi cảnh báo về sự mai một không thể tránh khỏi trước những đổi thay của ngành công nghiệp điện ảnh hiện đại hôm nay.

9 đề cử Oscar 2020?

“Chuyện ngày xưa ở Hollywood” có thể không nhận được nhiều đề cử kỷ lục như “La La Land” và “Titanic”, song tác phẩm của đạo diễn Quentin Tarantino có thể nhận ít nhất 9 đề cử sau:

- Phim xuất sắc nhất: tranh giải   với nhiều ứng viên khác như “A Beautiful Day in the Neighborhood”, “The Irishman”, “Little Women”, “Ford v Ferrari”, “Rocketman”, “1917” hay “Bombshell”.

- Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản phim hay nhất cho Quentin Tarantino. Bản thân Quentin Tarantino từng được đề cử Oscar đạo diễn xuất sắc 2 lần (phim “Pulp Fiction”, “Inglorious Basterds”) song chỉ nhận giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất cho “Django Unchained” tại Oscar 2013. Lần này ông sẽ cạnh tranh với các ứng viên nặng ký như Martin Scorsese (The Irishman), Greta Gerwig (Little Women), Marielle Heller (A Beautiful Day in the Neighborhood)…

- Nam diễn viên xuất sắc nhất cho Leonardo Dicaprio. Đây là lần tái xuất của Dicaprio kể từ vai diễn giành giải Oscar 2016 nhờ phim “The Revenant”. Các ứng viên khác cho giải này là Tom Hanks (A Beautiful Day in the Neighborhood), Timothée Chalamet (The King), Daniel Kaluuya (Queen & Slim)…

- Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Brad Pitt. 

- Các giải Quay phim, Thiết kế sản xuất, Biên tập phim, Thiết kế trang phục…