Ồn ào bức tranh thiện nguyện bị "tố" chép tranh của họa sĩ nổi tiếng người Nga

ANTD.VN - Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền những hình ảnh so sánh tác phẩm từng được đấu giá thành công tại đêm nhạc thiện nguyện “Ước mơ của Thúy” của họa sĩ Trung Đinh (Đinh Quang Trung) với tác phẩm của họa sỹ người Nga Antonov, người rất nổi tiếng với các bức tranh vẽ về hoa hồng. Cộng đồng mạng cho là, họa sỹ Trung Đinh đã chép lại tác phẩm của họa sỹ người Nga rồi ký tên lên tác phẩm và đem đấu giá. Trước những thông tin này, họa sỹ Trung Đinh đã lên tiếng…

Theo Trung Đinh, cách đây 2 năm (năm 2017), một đêm nhạc gây quỹ từ thiện cho bệnh nhi ung thư trên toàn quốc mang tên “Ước mơ của Thúy”. Lúc đó, Ban tổ chức đã mời họa sĩ hát 1 bài trong chương trình, và có hỏi Trung Đinh là có bức tranh nào tặng cho chương trình, để bán đấu giá cho bệnh nhân.

Bức tranh vẽ hoa hồng của họa sỹ người Nga, Alex Antonov

“Lúc đó, Trung có vẽ bức tranh hoa hồng, và đã nói rõ với ban tổ chức rằng: Trung đang có 1 bức tranh, nhưng không phải tranh sáng tác. Mà là vẽ lại của người Thầy Alex Antonov, thì có sao không? Ban tổ chức đã đồng ý, và trước khi buổi đấu giá tranh, Trung có xin phép ra sân khấu để giới thiệu nguồn gốc và xuất xứ của bức tranh rất rõ ràng, để khán giả tại đêm nhạc cùng nghe, và ai có ý tham gia đấu giá tranh đều sáng tỏ trước khi họ quyết định mua”, họa sĩ Trung Đinh nói.

Và cuối cùng, bức tranh được bán với giá 170 triệu đồng. Tuy nhiên, trong clip ghi lại đoạn Trung Đinh giới thiệu về hoàn cảnh vẽ bức tranh tại đêm thiện nguyện, họa sĩ đã nói hoàn toàn khác. Anh cho biết, bức tranh hoa hồng đó đã được vẽ từ một bức ảnh. Và thầy của anh, họa sỹ Antonov cũng đã chép từ bức ảnh đó. “Họa sỹ Antonov, thầy của Trung Đinh đã từng muốn Trung vẽ bức tranh này nhưng lúc đó tôi chưa có đủ can đảm. Mãi sau này, Trung mới dám thể hiện bức tranh được chuyển thể từ ảnh đó”, họa sĩ giải thích.

Bức tranh "Thời gian" của Trung Đinh được đấu giá thành công với 170 triệu đồng

Hơn thế, bức tranh đó, Trung Đinh đã ký tên lên tranh và đề tên bức tranh là “Thời gian”. Không biết có phải vì thế, nhiều người đã hiểu rằng, bức tranh này là sáng tác riêng họa sỹ và giá trị của tác phẩm đã được nâng tầm tới 170 triệu đồng, đấu giá thành công tại đêm nhạc cách đây 2 năm.

Dù không thống nhất về lý do sáng tác bức tranh đó, tuy nhiên, điều quan trọng, họa sỹ Trung Đinh đã nhận lỗi. “Trung cũng đã nhận thức được việc mình làm là sai, mặc dù là từ thiện và có nói rõ ràng trong chương trình. Nhưng đó là việc không đúng và Trung sẽ rút kinh nghiệm”.

Họa sỹ người Nga, Alexei Antonov

Họa sỹ Trung Đinh còn cho biết: “Anh chưa bao giờ bán 1 bức tranh nào cho ai và không sống bằng nghề vẽ. Trung chỉ tặng cho người thân hoặc treo ở nhà, nơi làm việc cá nhân”.

Không chỉ bị tố “đạo” tranh tại phiên đấu giá tranh từ thiện, họa sĩ Trung Đinh còn bị cộng đồng mạng tìm ra nhiều tác phẩm khác sao chép từ tranh của họa sỹ người Nga Antonov. Và đa phần các bức tranh ấy, anh ký tên mình và đề tên tác phẩm lên bề mặt tác phẩm. Họa sỹ Trung Đinh lý giải, anh ký tên lên tranh để mọi người biết rằng, bức tranh đó được chép lại bởi chính anh, họa sỹ Trung Đinh.

Luật sư Tám Trần (luật sư bản quyền, công ty  IPCom Việt Nam) nhận định, pháp luật Việt Nam và quốc tế đều cho phép một số trường hợp được sao chép tác phẩm đã công bố của người khác mà không bị coi là xâm phạm bản quyền, thậm chí không phải xin phép. Trong đó có trường hợp tác phẩm sao chép được sử dụng cho mục đích cá nhân/phi thương mại hoặc tác phẩm được sao chép đã hết thời hạn bảo hộ quyền kinh tế (cho tác giả); Không gây ảnh hưởng tới sự khai thác bình thường tác phẩm gốc; Phải đảm bảo quyền nhân thân của tác giả tác phẩm gốc.

Họa sỹ Trung Đinh bên bức tranh "Thời gian"

“Tất nhiên, bản chất của quyền sở hữu trí tuệ là quyền về tài sản (quyền dân sự) do vậy, ở đây loại trừ việc thỏa thuận giữa tác giả sao chép tranh vẽ và tác giả tác phẩm gốc”, luật sư Tám Trần nhấn mạnh.

Trong trường hợp của họa sĩ Trung Đinh, luật sư Tám Trần cho rằng, việc sao chép tác phẩm của họa sỹ Antonov rồi đem tặng bạn bè như họa sỹ chia sẻ là phạm luật. Còn việc ký tên người chép tranh lên tác phẩm trong trường hợp sao chép tranh để treo trong nhà là chưa đủ, mà cần phải đề rõ tên tác giả của tác phẩm gốc. Việc lờ đi không đề tên họa sỹ Antonov trên tranh của Trung Đinh sẽ dẫn tới sự hiểu lầm cho người chơi tranh.