NSƯT Triệu Trung Kiên: Khó khăn lên đến đỉnh điểm cũng chính là cơ hội

ANTD.VN - Tròn một thế kỷ ra đời nghệ thuật cải lương, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - NSƯT Triệu Trung Kiên thẳng thắn lý giải về những yếu điểm của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Gắn kết cải lương hai miền Nam - Bắc 

- Xin chào NSƯT Trung Kiên, anh có thể chia sẻ lý do nào anh lại chọn công trình “Thầy Ba Đợi” để dàn dựng cho dịp kỷ niệm một thế kỷ Sân khấu Cải lương Việt Nam?

- Tính đến thời điểm này, nghệ thuật sân khấu cải lương đã trải qua một thế kỷ hình thành và phát triển. Tôi và một số đồng nghiệp phía Nam cũng đã ấp ủ một công trình nghệ thuật để chào mừng sự kiện này, một công trình quy tụ nghệ sỹ cải lương hai miền Nam - Bắc.

Tác phẩm mà chúng tôi lựa chọn là kịch bản “Thầy Ba Đợi”, tác giả PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ. Trước đó, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu lịch sử và thấy nhân vật nhạc sư Nguyễn Quang Đại (học trò gọi là Thầy Ba Đợi), là người đã có công đầu trong việc làm xuất hiện nghệ thuật sân khấu cải lương. Vì vậy, Nhà hát Cải lương Việt Nam, nơi tôi công tác cùng với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) sẽ phối hợp để dàn dựng vở diễn này. 

- Nhiều người vẫn cho rằng xưa nay, nghệ thuật hai miền Nam - Bắc đều tồn tại những đặc điểm mang tính chất vùng miền nên sự gắn kết còn hạn chế. Anh  nghĩ sao về quan điểm này? 

- Hiện nay sân khấu cải lương cả hai miền đều gặp phải nhiều khó khăn lớn nên việc nghệ sỹ hai miền cùng đồng lòng làm nên những tác phẩm tâm huyết là xu hướng tất yếu. Khác biệt về văn hóa vùng miền chỉ làm phong phú thêm chứ không cản trở nghệ sỹ hai miền cùng hòa quyện trong một vở diễn.

Trong “Thầy Ba Đợi”, âm hưởng văn hóa ba miền sẽ xuất hiện. Người xem sẽ nghe thấy thổ ngữ của cả ba miền, giọng Bắc, Trung (Huế, Nghệ An) và Nam. Ví dụ như NSND Vương Hà sẽ thoại lời bằng tiếng Huế và xử lý bài ca theo âm hưởng Huế, hay nghệ sỹ Quang Khải sẽ thoại bằng giọng miền Trung… Chi tiết này có lẽ cũng sẽ tạo nên sự thú vị cho vở diễn.

NSƯT Triệu Trung Kiên: Khó khăn lên đến đỉnh điểm cũng chính là cơ hội ảnh 1

Sân khấu cải lương vắng khách cũng là tất yếu….

- Những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ của các bộ môn nghệ thuật dân tộc như: chèo, tuồng, cải lương… tham gia không ít các gameshow trên sóng truyền hình. Anh nhìn nhận thế nào về việc này?

- Gameshow cũng là một cách truyền bá các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhưng môi trường gameshow với mục đích giải trí là trên hết cùng với các ý đồ riêng tư của nhà sản xuất nên các nghệ sỹ tham gia phải biết tỉnh táo với những gì mình sẽ làm.  Nếu nghệ thuật truyền thống được tôn vinh, lan tỏa và bảo toàn được những phẩm chất quý báu thì chúng tôi ủng hộ. Còn nếu bị bóp méo, làm cho dị dạng, hay tạo nên những xu hướng tiêu cực thì đương nhiên chúng tôi không đồng tình.   

- Dẫu sao, cải lương vẫn không phải loại hình nghệ thuật “bề nổi” nên những nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực này cũng ít có cơ hội “nổi như cồn”. Có bao giờ anh thấy chạnh lòng về điều ấy?

- Sân khấu cải lương rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu vắng khán giả cũng là hệ quả tất yếu của xu thế xã hội. Việc các tác phẩm cải lương dù được dồn nhiều tâm huyết nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm cũng là điều dễ hiểu. Cho nên tôi không cảm thấy chạnh lòng. Khi nắm bắt được quy luật ta sẽ thấy, khó khăn lên đến đỉnh điểm cũng chính là cơ hội cho những ai thực sự có năng lực để đề xuất được những giải pháp đúng đắn.

Nên cá nhân tôi chỉ biết miệt mài lao động sáng tạo một cách nghiêm túc. Và tôi tin mọi nỗ lực chính đáng đều sẽ được đền đáp. Nghệ thuật có những giá trị mang tính bền vững và cũng có những giá trị mang tính thời cuộc. Cái gì còn lại với thời gian, cái đó mới là tinh túy mang phẩm chất cao đẹp cần phải gìn giữ. 

- Dẫu biết những nghệ thuật truyền thống đều cần phải giữ gìn nhưng vẫn có những nhận định, cải lương là hoài cổ, không bắt nhịp được thời đại. Anh nghĩ sao về điều này?

- Khi khán giả trẻ nhận định cải lương là cũ kỹ, hoài cổ, chúng ta không nên vội vàng trách họ. Tuổi trẻ ngày nay suy nghĩ thực dụng và ưa các hoạt động sôi nổi. Cải lương từng có giai đoạn phát triển rực rỡ nhưng cũng có những giai đoạn rơi vào trì trệ. Nên việc đổi mới cải lương luôn là cần thiết. Đổi mới để bớt cũ kỹ, hòa nhập với các xu hướng sân khấu hiện đại trên thế giới, phù hợp với tâm lý và thẩm mỹ của con người hôm nay theo tôi là điều cần làm.

Trên thực tế, bằng các tác  phẩm của mình, chúng tôi đã có thêm nhiều khán giả chưa từng biết đến nghệ thuật cải lương. Sân khấu cải lương hiện đại cũng đã có một số thử nghiệm thành công nhưng sức lan tỏa chưa lớn. Nên hơn lúc nào hết, những nghệ sỹ cải lương cần đồng lòng để cải lương có thể vượt qua khó khăn, tạo nên diện mạo mới thực sự thuyết phục các tầng lớp khán giả hôm nay.