NSƯT Quốc Chiêm: Nhớ lại chèo thời hoàng kim

ANTĐ - Sau 20 năm, đôi “tiên đồng ngọc nữ” đình đám một thời của làng chèo Hà Nội, Quốc Chiêm - Lâm Bằng đã tái ngộ khán giả qua vở chèo “Nàng Sita” trong khuôn khổ những ngày kỷ niệm Nhà hát Chèo Hà Nội tròn 60 năm. Xuất hiện trên sân khấu với vai vua Pơliêm khi về già của NSƯT Quốc Chiêm khiến không ít khán giả nhớ về thời hoàng kim của chèo Hà Nội.

Đôi “tiên đồng ngọc nữ” của sân khấu miền Bắc tái ngộ sau 20 năm 

- PV: Thưa anh, rời xa ánh đèn sân khấu, đảm nhiệm vai trò một nhà quản lý, nay trở lại trong vai diễn mẫu của chèo cải biên-vua Pơliêm, cảm xúc của anh thế nào?

- NSƯT Quốc Chiêm: Tôi có may mắn được làm nghề vào thời điểm sân khấu chèo hưng thịnh nhất. Mỗi đêm diễn, khán giả kéo đến xem “Nàng Sita” đông nghịt. Tôi và các anh em nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hà Nội đã diễn hàng nghìn buổi mà vẫn chưa thỏa được lòng mong mỏi của công chúng. Lần này trở lại, tôi lại có thêm một may mắn nữa là không phải chứng kiến cảnh đìu hiu của sân khấu và được “sống” trọn vẹn cùng vai diễn trong 2 đêm. Vẫn là sự nôn nóng và mong ngóng của khán giả đón chờ vai diễn của tôi và chị Lâm Bằng. Vì quen với sự đông đúc rồi nên khán giả càng kéo đến đông, càng trật tự tôi càng vững vàng để diễn. Tôi có thể làm khán giả khóc được với vai diễn của mình. 

- Lâu không “văn ôn võ luyện” mà anh vẫn tự tin thế sao?

- Nếu chỉ ngồi mà mường tượng ra vai diễn này thì quả thật khó nhưng chỉ cần bước lên sân khấu, đứng dưới ánh đèn rực rỡ thì bao nhiêu lời thoại, bao nhiêu cảm xúc một thời đã qua lại ùa về. Tôi nhớ từng chi tiết một, nhớ từng ngữ điệu, nhớ từng cử chỉ ở vai diễn “đóng đinh” của mình. Đó là vai diễn đã ăn vào máu. Tuy không còn theo nghiệp diễn nhưng tôi vẫn “Văn ôn võ luyện” qua những buổi lên lớp với các em sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội về nghệ thuật chèo. 

- “Nàng Sita” cách đây 20 năm, Quốc Chiêm đã diễn một mạch từ hoàng tử đến vua Pơliêm. Nhưng “Nàng Sita” hôm nay, khán giả thấy anh chỉ xuất hiện với vai vua khi đã về già?

- Không phải Quốc Chiêm 54 tuổi không dám hóa thân thành hoàng tử Pơliêm đẹp trai mà lớp anh chị đi trước như chúng tôi muốn nhường lại đất diễn cho các em trẻ. Diễn viên nào mà “vớ” được vai có đủ cả yêu thương, giận hờn như hoàng tử Pơliêm sẽ rất thích và có nhiều cơ hội để thể hiện tài năng. Vở diễn có sự kế tiếp của các thế hệ nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ tạo nên không khí hòa đồng. Tôi diễn bây giờ là để khán giả nhớ về một thời đã qua, là kỷ niệm của một thế hệ khán giả yêu nghệ thuật chèo. 

- Nhường “đất” lại cho diễn viên trẻ, cái mà anh thu về có thực sự như mong đợi? 

- Nói thật là tôi chưa cảm thấy hài lòng với những gì các em diễn viên trẻ đã thể hiện. Cách diễn của các em bị mất chi tiết, mất cảm xúc và làm cho vai diễn trở nên khô cứng, không thể lấy được nước mắt của khán giả. Nhưng tôi cũng rất thông cảm với các em do sức ép của cuộc sống và trong tình hình sân khấu ảm đạm như ngày hôm nay không thể toàn tâm toàn ý với nghề, một lòng một dạ đi theo các nghệ nhân học hỏi như thế hệ chúng tôi ngày trước. 

- Anh có lời khuyên nào dành cho những người đã có ý định theo đuổi nghiệp cầm ca? 

- Cảm xúc luôn là yếu tố rất quan trọng để người diễn viên có thể sáng tạo và thăng hoa. Ngay cả khi tập cũng vẫn cần sự nghiêm túc và cảm xúc thật. Có đổ mồ hôi trên thao trường thì khi vào trận mới bắn tốt được, nghề diễn cũng thế thôi. Tôi chỉ tập một buổi duy nhất trước khi lên sân khấu nhưng những người đến xem còn cảm thấy rưng rưng nên khi lên diễn thật, việc lấy đi những giọt nước mắt của khán giả là điều có thể thấy được. 

-  Xem anh diễn, tôi thấy vua Pơliêm gầy hơn Quốc Chiêm ở bên ngoài rất nhiều. Không lẽ, anh đã ép cân để có thể “vào” vai? 

- Không đến mức ấy nhưng đúng là tôi buộc phải dùng vải nịt bụng để có thân hình thon gọn hơn. Vải nịt chặt đến mức tưởng như không thở được. Tuy diễn trong phòng điều hòa mà mồ hôi ướt như tắm. Cái này thì khán giả không thể biết được các diễn viên đã phải hy sinh cho nghề nhiều như thế nào đâu. Ốm cũng không được nghỉ, ăn không được no trước giờ biểu diễn để dành hơi mà hát. 

- Đôi “tiên đồng ngọc nữ” của sân khấu miền Bắc gặp nhau duy nhất một lần trên sân khấu sau 20 năm nhưng trong cuộc sống đời thường chắc không như vậy chứ? 

- Lâm Bằng đã biết dừng đúng lúc để giữ được vai diễn đẹp trong lòng khán giả và giữ cho sự yên ấm của gia đình. Thường qua lại hỏi han và trao đổi, tôi biết Lâm Bằng vẫn nhớ sân khấu nhiều lắm, nhiều lúc chị ý còn không dám bật tivi lên vì sợ sẽ không cầm được nước mắt khi xem các vở chèo được phát trên sóng truyền hình. 

- Sau lần tái ngộ này, khán giả liệu còn được gặp anh thêm một lần nữa trên sân khấu? 

- Mỗi năm, “cái tuổi nó đuổi xuân đi” nên nếu còn giữ được thanh, giữ được sắc thì ngoài công việc quản lý (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội - PV) tôi còn muốn có thêm một vai diễn nữa, một vở diễn nữa cống hiến với khán giả. 

- Xin cảm ơn và chúc anh sẽ đạt được những dự định!