NSƯT Mỹ Uyên khóc nức nở trên sân khấu với kịch thể nghiệm "Giấc mơ"

ANTD.VN -Tối 26-10, NSƯT Mỹ Uyên đã biến vở kịch thể nghiệm "Giấc mơ" của mình hiện thực, trình diễn tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Đông đảo nghệ sĩ, khán giả đến xem và dành lời khen ngợi, vở diễn.

“Giấc mơ” - vở kịch thể nghiệm, kết hợp nhiều loại hình trình diễn đương đại do đạo diễn Thái Kim Tùng dàn dựng vừa được Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B giới thiệu với công chúng tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là tác phẩm được Nhà hát kịch 5B mang tới tham dự Liên hoan kịch thể nghiệm quốc tế sẽ diễn ra vào tháng 11-2016 tại Hà Nội, dự kiến tranh tài cùng hơn 15 vở diễn đến từ nhiều nền sân khấu nổi tiếng thế giới.

Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ: nghệ sĩ Bạch Long, NSƯT Mỹ Uyên, nghệ sĩ Trung Dũng, nghệ sĩ Lê Vinh Thu Hiền...

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đã tới tham dự và tặng hoa các nghệ sỹ. Đại diện gia đình cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi, tác giả vở kịch “Giấc mơ” cũng đã tới dự, gửi lẵng hoa chúc mừng và cảm ơn ê kíp đã cho tác phẩm có một đêm huy hoàng trên sân khấu sang trọng bậc nhất Việt Nam.

Đông đảo các nghệ sĩ như: Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh, NSƯT Đức Thịnh, Thanh Thúy, Thanh Duy Idol, Kim Khánh, Quý Bình, Cát Tường… đã tới buổi công diễn và chia sẻ những ấn tượng mạnh mẽ về bước đột phá trong dàn dựng sân khấu và những thủ pháp đặc biệt kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong “Giấc mơ”.

Diễn viên Trương Ngọc Ánh và con gái Bảo Tiên

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc nhà hát 5B đã khóc nức nở trên sân khấu: “Nhà hát 5B đang sửa chữa, cả năm nay chưa thể sáng đèn. Nhưng chúng tôi không muốn niềm đam mê bị gián đoạn. Các nghệ sỹ trẻ đã trụ lại ở 5B và tìm đường ra cho sân khấu. 'Giấc mơ' là câu chuyện của hàng ngàn giờ tập luyện, lao động với đầy mồ hôi và nước mắt. Giấc mơ ấy nay đã có hình hài và đó là niềm hạnh phúc vô bờ của chúng tôi chính là sự ủng hộ của mọi người, là những tràng vỗ tay không dứt trong đêm công diễn đầu tiên này".

“Giấc mơ” kể về hành trình hư tưởng của một nguời chiến sĩ (nghệ sĩ Lê Vinh) tử trận. Như thông lệ thần Chết (nghệ sĩ Bạch Long) đến bắt hồn người chiến sĩ (nghệ sĩ Trung Dũng) nhưng người lính nhất quyết không theo. Để chứng minh sự bất cưỡng của quy luật sinh tử, thần Chết thả hồn của Hoàng đế Trung Quốc Tần Thủy Hoàng và nữ hoàng Ai Cập Cleopatra để cho người lính thấy anh chỉ là một hạt cát nhỏ bé của thế gian, ngay cả những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử còn phải quy phục sức mạnh của thần Chết.

Tưởng chừng sẽ phải bước qua cánh cửa sang bên kia thế giới nhưng từ tận trong thâm tâm người lính nghe được tiếng vẫy gọi khắc khoải của Tổ quốc, của những người mẹ, người chị, của nhân dân đợi anh trở về. Ước mơ cùng khát vọng mãnh liệt của người lính được sống và cống hiến đã thuyết phục được thần Chết, cho ông cảm nhận được sức mạnh của tình yêu, tình yêu với Tổ quốc, với cuộc đời.

Về nội dung, đạo diễn Thái Kim Tùng chia sẻ anh đã bị ám ảnh bởi ngôn phong và cấu tứ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi từ 2 năm trước và luôn nung nấu dàn dựng tác phẩm này nhưng phải thật mới mẻ và cuốn hút để càng đông giới trẻ có thể cảm nhận tình yêu nước một cách gần gũi nhất.

Về hình thức, Thái Kim Tùng đã táo bạo thể nghiệm sân khấu tròn, không trang trí sân khấu nhưng không gian vở kịch được thay đổi liên tục bởi tạo hình đa dạng của các diễn viên, khai thác triệt để về khả năng tổng hợp của họ để diễn viên trong vở hóa thân vào rất nhiều vai khác nhau; công hưởng với hiệu ứng ánh sáng hiện đại và ngoạn mục cùng với âm nhạc của dàn nhạc sống mang âm hưởng rất Việt Nam. Sức hút của vở diễn còn đến từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những loại hình sân khấu: kịch nói, múa đương đại và tuồng cổ. Thử thách lớn nhất đối với đạo diễn Thái Kim Tùng là không tạo cảm giác lạm dụng hay chông chênh khi các thể loại đan xen nhau.