NSƯT Mạnh Hùng: Khổ luyện nhập vai để... thoát xác

ANTD.VN - NSƯT Mạnh Hùng là một trong những “ngôi sao” của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Có lợi thế sinh ra trong gia đình nghệ thuật, được trời phú cho giọng ca mượt mà, khỏe khoắn nhưng để có được thành công của ngày hôm nay, anh đã trải qua quá trình khổ luyện. Mà cái sự khổ luyện của NSƯT Mạnh Hùng, đôi lúc cũng không giống ai!

Con nhà nòi cải lương

Là con nhà nòi cải lương nhưng khi học xong THPT, Mạnh Hùng lại lựa chọn một công việc khác, với mong muốn đỡ đần chút ít về mặt kinh tế cho bố mẹ bởi cả hai đã quá vất vả khi theo đuổi bộ môn này. Hai năm đi làm những công việc không liên quan đến nghệ thuật, cuộc đời tưởng thế là yên, song mỗi khi nghe cha mẹ hay ở đâu đó hát cải lương, anh cảm thấy trong lòng xốn xang khó tả.

Mẹ anh biết vậy bảo con, đã yêu cải lương đến thế thì nên bỏ tất cả để theo nghề. Lời nói như một động lực khiến Mạnh Hùng dứt bỏ tất cả, quyết định gắn bó đời mình với môn nghệ thuật này. Dù học muộn nhưng Mạnh Hùng tiếp xúc với những bài giảng của các thầy không mấy khó khăn, nếu không muốn nói rằng mọi việc thuận lợi đến mức cứ như những làn điệu cải lương bị hút vào người anh.

Mạnh Hùng thừa nhận, anh có lợi thế sinh ra trong gia đình nghệ thuật, được trời phú cho giọng ca mượt mà, khỏe khoắn nhưng đấy chỉ là một phần nhỏ, còn cái chính là khổ luyện. Ngoài việc thường xuyên nghe băng, rồi học hỏi từ các nghệ sĩ miền Nam, cái nôi của cải lương, lúc nào anh cũng nhẩm hát lời trong vở diễn, đến nỗi tưởng mình là nhân vật. Nhiều lúc, anh quên mất mình đang ở ngoài đời, cứ thế hát to lên khiến người ta cứ tưởng mình bị… điên. Rồi có khi đang đêm, cả nhà nghe thấy anh hát hết cả hai câu vọng cổ, tưởng anh thức tập luyện. Nhưng hóa ra, Mạnh Hùng bị… mộng du.

Từ lúc ra trường năm 1998 đến nay, Mạnh Hùng được tín nhiệm đóng vai chính, thậm chí anh không nhớ được hết tên những vai diễn mình đã đảm nhiệm. Trong gần 20 năm theo nghề, anh được hóa thân thành nhiều nhân vật lịch sử, đa phần là những người anh hùng như Lý Thường Kiệt trong “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”; Lê Lợi trong “Gươm thiêng trao trả hồ thần”; Lê Thánh Tông trong “Vua thánh triều Lê”, thậm chí cả vai Bác Hồ. Mỗi nhân vật có khí chất riêng, người thì oai phong lẫm liệt, người lại đậm chất nông dân nhưng hào sảng, hiên ngang, người thì thư sinh nho nhã nhưng tâm tư chất chứa bao nỗi niềm khó nói.

NSƯT Mạnh Hùng: Khổ luyện nhập vai để... thoát xác ảnh 2Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Hùng trong vở “Cung phi điểm bích”

Biến hóa cùng các vai diễn

Nhân vật dù khó đến đâu anh cũng tìm cách hóa thân sao cho thật thuyết phục. Mỗi lần nhận vai là một lần Mạnh Hùng được bước vào một cuộc đời mới, một con người mới và cũng là một lần thoát xác của anh. Những lúc như thế, anh cũng tìm cho mình một thế giới riêng. Ví như khi đóng sư tổ Huyền Quang trong “Cung  phi Điểm Bích”, Mạnh Hùng đã phải lên tận Yên Tử, tìm đúng chỗ ở của Huyền Quang để biết cảm giác. Anh cứ đi một mình, chiêm nghiệm, ngồi ngắm quang cảnh xung quanh cho đến khi cảm được không khí của ngày xưa ấy. Với nhân vật Lý Thường Kiệt, trước khi lên sân khấu, anh cũng tìm đến ngôi đền thờ danh nhân này cầu nguyện.

Là một “ngôi sao” của Nhà hát Cải lương Việt Nam nhưng Mạnh Hùng cho biết, hiện tại, việc ca hát của anh gặp khó khăn do bị u nang ở họng. Làm việc vừa sức không sao, chứ quá một chút là “biết tay nhau” liền. Mà với anh, những lần quá sức ấy không phải ít, nhất là những ngày tháng tập luyện vở mới. NSƯT Mạnh Hùng không lên sân khấu thì thôi, chứ đã lên là “thổ tận can tràng”, khi tập cũng như khi diễn trước khán giả, luôn hát thật, diễn thật.

Xem NSƯT Mạnh Hùng diễn, có thể thấy, diễn xuất là một thế mạnh của anh. Có lẽ chính điều này đã khiến các đạo diễn luôn tin tưởng giao cho anh vai “nặng ký”. Không quá hiếm những giọng hát khỏe hơn anh, song ít ai qua mặt được anh để vào những nhân vật khó, là xương sống của vở diễn. 

Mạnh Hùng tâm sự, hát và diễn có tầm quan trọng như nhau, đều là số một. Nếu chỉ ca hay thì mới được một nửa. Vì khi hóa thân vào nhân vật đầy nội tâm, nếu chỉ đứng đó hát cho thật hay thì chẳng ai hiểu gì. Cũng vậy, trên sân khấu kịch hát, nếu chỉ diễn tốt mà ca dở thì người xem sẽ chán. Chính vì thế, vai trò đạo diễn rất quan trọng, tác động vào mình khá lớn. Tuy tìm hiểu, nghiên cứu nhưng do vốn sống còn hạn chế nên nhiều khi không hiểu hết nhân vật, song khi được đạo diễn chỉ bảo, anh vỡ ra nhiều điều. Bí quyết của anh là luôn lắng nghe và chăm chỉ tập luyện. Và anh sẽ theo cải lương cho đến khi nào không thể!...

“Tôi có lợi thế sinh ra trong gia đình nghệ thuật, được trời phú cho giọng ca mượt mà, khỏe khoắn nhưng đấy chỉ là một phần nhỏ, còn cái chính là khổ luyện. Ngoài việc thường xuyên nghe băng, rồi học hỏi từ các nghệ sĩ miền Nam, cái nôi của cải lương, lúc nào tôi cũng nhẩm hát lời trong vở diễn, đến nỗi tưởng mình là nhân vật. Nhiều lúc, tôi quên mất mình đang ở ngoài đời, cứ thế hát to lên khiến người ta cứ tưởng mình bị… điên. Rồi có khi đang đêm, cả nhà nghe thấy tôi hát hết cả hai câu vọng cổ, tưởng tôi thức tập luyện. Nhưng hóa ra, tôi bị… mộng du”.

NSƯT Mạnh Hùng