NSƯT Đức Lưu: Ơn Thị Nở - một vai diễn để đời

ANTD.VN - Đã hơn ba thập niên trôi qua, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhiều diễn viên mới xuất hiện với những vai diễn đa dạng, thế nhưng có một diễn viên chỉ với một vai diễn lại khiến nhiều thế hệ khán giả nhớ mãi. Đó là nghệ sĩ Đức Lưu, người đảm nhiệm vai Thị Nở trong bộ phim nổi tiếng “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa.

NSƯT Đức Lưu: Ơn Thị Nở - một vai diễn để đời ảnh 1Nhân vật Thị Nở đã làm nên tên tuổi của NSƯT Đức Lưu

Khán giả nhớ mặt, biết tên vì… quá xấu

NSƯT Đức Lưu  sinh năm 1939, ở Tây Đằng, Quảng Oai, Ba Vì, Hà Tây. Bà từng học khoa Diễn viên Đại học Sân khấu Điện ảnh trước khi về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội. Cũng như nhiều mỹ nhân lớp diễn viên điện ảnh khóa I, nghệ sĩ Đức Lưu khi đó sở hữu một nhan sắc khiến nhiều người mê đắm. Trước khi đóng “Làng Vũ Đại ngày ấy”, nghệ sĩ Đức Lưu tham gia diễn kịch “Đêm tháng bảy” và phim “Cô gái công trường” song không để lại dấu ấn. Phải đến vai Thị Nở, bà mới được người xem nhớ mặt, biết tên. Một trong những yếu tố giúp Thị Nở trở thành vai diễn để đời của NSƯT Đức Lưu chính là tạo hình vô cùng xấu xí của nhân vật. 

Để có một Thị Nở giống như nguyên tác của nhà văn Nam Cao, nghệ sĩ Đức Lưu được đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa đến bệnh viện Việt Đức để biến hàm răng trắng bóng thành bộ răng đen. Mũi bà cũng được đắp cao su rồi bôi phẩm đỏ ở đầu, hai bên má ngậm bông băng sao cho bề ngang rộng hơn chiều cao của khuôn mặt. Ngày ấy, cả Chí Phèo Bùi Cường và Thị Nở Đức Lưu sau khi được “phẫu thuật thẩm mỹ”, trở về Hãng phim truyện Việt Nam đều không ai nhận ra. 

Thậm chí, khi soi mình trong gương, nghệ sĩ Đức Lưu còn thấy buồn cười. Bà vui vì đã làm cho nhân vật Thị Nở bước ra từ những trang văn của nhà văn Nam Cao và sống mãi đến tận bây giờ. Nhiều người thắc mắc tại sao ngoài đời xinh thế mà hóa trang được thành Thị Nở xấu đến vậy. Đó, tất nhiên là nhờ tài nghệ của người hóa trang và diễn xuất như thật của các diễn viên.

Sau vai diễn, nữ diễn viên đã phải chịu không ít điều tiếng. Nghệ sĩ Đức Lưu kể: “Khi nhận vai, bạn bè bảo tôi xinh đẹp thế sao lại nhận đóng vai “ma chê quỷ hờn” nhưng đấy là họ không hiểu nghệ thuật và không hiểu tôi. Nếu sợ xấu thì đừng bao giờ đi làm diễn viên”. 

Dư âm một nhân vật quá nổi tiếng trong văn học

Một điều khá ngạc nhiên, khi phim công chiếu, có khán giả vẫn nhận ra vẻ đẹp của Đức Lưu và phản hồi: Sao Thị Nở vẫn đẹp, vai tròn lẳn, bắp chân trắng trẻo? Song đạo diễn Phạm Văn Khoa trả lời: “Xấu thế đủ rồi”. Đạo diễn họ Phạm không muốn để người con gái ấy xuống sâu đáy bùn. Cô ấy phải có vẻ gì đó ngây thơ, đáng thương thì mới lay động trái tim con người ngang ngược là Chí Phèo chứ. Cũng thời đó, nhiều người xem phim xong gặp Đức Lưu thường hay đùa: “Anh chỉ muốn làm Chí Phèo của em thôi”. Vai Thị Nở đã giúp Đức Lưu ghi được dấu ấn trong sự nghiệp, được người dân yêu quý.  Bà cũng không ngờ, qua bao năm tháng, mình vẫn “hưởng lộc” từ vai diễn này. 

“Thực sự, đối với tôi, vai diễn ấy đã thành bất tử. Tôi không thể tưởng tượng, chỉ với một vai diễn, mà tên tuổi mình còn được nhắc nhớ suốt mấy chục năm. Tôi phải gọi đó là huyền thoại mới đúng” - nữ nghệ sĩ bộc bạch. Thế nhưng, nếu được diễn lại vai Thị Nở, Đức Lưu sẽ thể hiện sâu sắc hơn bởi tầm hiểu biết của bà đã khác. Bao đời nay, phụ nữ luôn bị bạc đãi, nhất là người nghèo, lại xấu xí thì quá hẩm hiu và đau xót.

Học lớp diễn viên khóa I cùng nhiều gương mặt nổi bật của điện ảnh Việt Nam, song cả đời diễn xuất, nghệ sĩ Đức Lưu chỉ đảm đương hai vai điện ảnh, trong đó chỉ vai Thị Nở là được người xem biết đến. Sau đó, vì nhiều lý do, bà không thể đi tiếp con đường nghệ thuật. Sự nổi tiếng của bà nhờ dư âm của một nhân vật quá nổi tiếng trong văn học. Song đó cũng đã là điều quá may mắn, đâu phải diễn viên tài năng nào cũng có được.

Hoàn thành tâm nguyện của chồng

 Dù thế nào, bà cũng cảm ơn cuộc đời đã cho bà một vai diễn khiến nhiều người mơ ước. “Tôi không nuối tiếc vì mình ít có mặt trên phim, bởi diễn viên nào cũng chỉ có một vai xuất sắc khiến khán giả nhớ, kể cả đóng nhiều đến mấy. Cùng lớp tôi, có diễn viên cả đời không được đóng vai nào, có người đóng nhiều mà không ai nhớ. Khi đã ở tuổi hơn 40, tôi may mắn vì nhận được vai Thị Nở khiến mọi người không thể quên. Đó là niềm vui vô bờ của người làm nghệ thuật” - nghệ sĩ Đức Lưu tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, nghệ sĩ Đức Lưu tiếp tục theo học khoa Văn học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi học thêm Triết học để làm công tác đối ngoại tại Thành ủy Hà Nội. Có 3 tấm bằng trong tay song đôi lúc bà vẫn thấy thiếu, tiếc vì mình không học ngoại ngữ. Bà từng có ý định học tiếng Anh lúc tóc đã muối tiêu nhưng chồng bà, GS.TS Trần Hạ Phương khuyên can bởi công việc quá bận rộn, tuổi cũng cao, khó tiếp thu môn học đặc biệt này. Nghệ sĩ Đức Lưu bảo, nếu biết ngoại ngữ, công việc của bà tại trường Quản trị kinh doanh sẽ tốt hơn nhiều. Bà là một trong những người sáng lập ngôi trường ấy và đã làm việc tại đó cho đến khi 70 tuổi.

Từ lúc rời xa màn ảnh, nghệ sĩ Đức Lưu vẫn ao ước được hóa thân vào các vai diễn. Trước khi đạo diễn Đặng Nhật Minh quay phim “Đừng đốt”, bà đã gặp ông, thổ lộ được ứng cử vào vai mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Bà tâm niệm, nếu được mời vào vai diễn này, sẽ cố gắng hết sức để hoàn thiện, coi như đó là vai diễn cuối cùng, nhưng khi phim sắp bấm máy thì chồng bà bị đột quỵ. Từ đó, bà tập trung chăm sóc chồng, một giáo sư, tiến sĩ say mê nghiên cứu khoa học. Một thời gian sau, ông cũng bỏ bà mà đi. Trước khi ra đi, ông có tâm nguyện được vợ thực hiện bộ phim tài liệu về vùng quê Duy Xuyên (Quảng Nam) của mình. Và nghệ sĩ Đức Lưu bằng vốn liếng điện ảnh tích lũy nhiều năm đã hoàn thành ước nguyện của chồng.