NSND Đặng Thái Sơn: Chấp nhận hy sinh, gian khổ, để được sống với nghề

ANTĐ - “30 năm trước, nền âm nhạc Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực và hoàn toàn có quyền tự hào. Nhưng nay, những nước mà người Việt Nam “không thèm chấp” trước kia đã vượt xa chúng ta cả thập kỷ, họ đầu tư rất mạnh cho âm nhạc. Tôi nghĩ, người Việt mình bên cạnh niềm tự hào thì còn phải biết vươn lên, cứ mãi như vậy, chúng ta còn tụt hậu” - NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ với báo chí tại cuộc thi Piano quốc tế lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội. 
NSND Đặng Thái Sơn: Chấp nhận hy sinh, gian khổ, để được sống với nghề ảnh 1

NSND Đặng Thái Sơn cho biết, “Việt Nam đang tụt hậu vài thập kỷ so với các nước trong khu vực về âm nhạc cổ điển” - Ảnh: Trần Thanh Giang

Vẫn đóng góp tích cực cho quê hương

- PV: 35 năm trước, ông  là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất tại cuộc thi danh tiếng Piano quốc tế F.Chopin. Từ đó đến nay, Việt Nam có xuất hiện thêm một trường hợp nào tương tự?

- NSND Đặng Thái Sơn: Tôi buồn vì từng ấy năm đã trôi qua nhưng chúng ta vẫn không có thêm bất cứ tên tuổi nào nổi lên như một hiện tượng trong làng âm nhạc thính phòng cổ điển thế giới. Dù không ít em đã đoạt tại các cuộc thi quốc tế nhưng khi tài năng mới chỉ vừa hé lộ, việc không có một chiến lược đầu tư đã làm tài năng thui chột. Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác như giáo trình giảng dạy không được cập nhật khiến Việt Nam mấy chục năm qua không có được những tài năng xứng tầm. 

- Nhiều người đổ lỗi việc Việt Nam tụt hậu là do không chịu đầu tư?

- Chúng ta không thể ỷ lại vào Nhà nước. Nhà nước cũng quan tâm cho học bổng, nhưng cách cho chưa đúng nên không phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, các cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tài năng âm nhạc hơn là Nhà nước. Hơn nữa, nghề này cần có năng khiếu và tâm huyết. Như chúng tôi vẫn hay nói vui “Tôi yêu âm nhạc thế mà âm nhạc chẳng yêu tôi”, trường hợp này không nên phát triển theo chuyên nghiệp.

Và còn một trường hợp khác là có năng khiếu nhưng không chấp nhận được những hy sinh, gian khổ, mong muốn có một cuộc sống vật chất đầy đủ thì cũng không nên theo chuyên nghiệp. Chỉ khi nào cảm thấy không thể sống thiếu âm nhạc, sẵn sàng hy sinh để được sống với nghề thì mới nên đi theo con đường này. 

- Nhiều tài năng Việt Nam đã chọn con đường du học và ở lại nước ngoài để phát triển nghệ thuật. Ông thấy sao về hướng đi này?

- Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước khác cũng như vậy. Nhìn lại lịch sử âm nhạc cổ điển thế giới sẽ thấy đây là hướng đi tất yếu. Theo tôi, trường đấu càng khắc nghiệt thì vị trí mình giành được càng khẳng định tên tuổi. Biên giới trong và ngoài nước không quan trọng, miễn sao các em gặt hái được thành công. Bản thân tôi cũng đang hoạt động chủ yếu ở nước ngoài nhưng vẫn đóng góp tích cực cho quê hương. 

Tôi cứ tung ý đồ của mình ra

- Nhiều người cho rằng,  Đặng Thái Sơn may mắn gặp thời. Nói như vậy liệu có sai không, thưa ông?

- Tôi tốt nghiệp hệ Trung cấp của Nhạc viện đúng vào năm giải phóng miền Nam. Với giải Nhất cuộc thi Piano quốc tế F.Chopin, tôi được sang Liên Xô học tại “lâu đài âm nhạc” Tchaikovsky với các thầy giỏi. Tôi hoàn toàn không biết đến việc phải trả tiền cho thầy tốn kém như thế nào. Nếu đặt trong bối cảnh hiện nay, cho con học trường nổi tiếng là cả một vấn đề liên quan đến tài chính. Một giờ học của thầy nổi tiếng có giá từ 400-500 USD, nhưng có phải học một buổi đâu mà phải học vài năm. Chính vì thế, để Việt Nam có được tài năng âm nhạc xuất chúng phụ thuộc rất nhiều vào ngay chính các gia đình. 

- Thực tế, có nhiều em học trường nhạc chỉ để cho biết, rồi sau đó chuyển sang làm nghề khác. Ông có cho đó là sự lãng phí đào tạo?

- Thời của tôi, khi đã bước chân vào trường nhạc đồng nghĩa với việc sẽ cả đời theo đuổi nghề. Thời nay không như thế, nhưng tôi không cho đó là sự lãng phí. Việc các em học để biết sẽ tạo ra lớp khán giả mới. Điều này cũng không kém phần quan trọng và ở nước ngoài, họ có hẳn mục đào tạo khán giả. Theo tôi được biết, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã làm việc này khá tốt. 

- Trước đây, hình như ông từng có ý định mở một trường nhạc tại Việt Nam để đào tạo các tài năng?

- Tôi đã từng nghĩ đến phương án này nhưng rồi phải hủy bỏ. Tôi có thể giỏi trong âm nhạc nhưng sự tháo vát, biết kêu gọi các nhà tài trợ thì gần như là con số không. Mô hình trại hè âm nhạc trên thế giới rất quan trọng với các em học sinh, nhưng ở Việt Nam không có. Một số em đã bỏ tiền ra nước ngoài để tham dự các trại hè, nơi các em được “nạp điện”, vui chơi và học tập.

Tôi thấy mô hình trại hè âm nhạc thích hợp với tôi hơn cả. Tôi đã đi thăm thú một số nơi và thấy Nha Trang, Hạ Long… rất thơ mộng. Nhưng làm sao để mang cây đàn lên đó và kêu gọi tài trợ là cả vấn đề. Tôi cứ tung ý đồ của mình ra như vậy, biết đâu nhờ báo chí, tôi lại gặp được các “Mạnh Thường Quân” biến ý tưởng của mình thành hiện thực. 

- Xin cảm ơn nghệ sĩ về cuộc trò chuyện!