NSND Anh Tú và cuộc đời "ăn ngủ với sân khấu" khiến bao lớp nghệ sĩ nể phục

ANTD.VN - Thông tin NSND Anh Tú qua đời trưa ngày 20-12-2018 khiến người hâm mộ và cả những người đồng nghiệp của anh vô cùng tiếc nuối. Cùng điểm lại những dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp nghệ thuật của anh, người “anh cả đỏ” của làng kịch nghệ.

NSND Anh Tú tên đầy đủ là Phạm Anh Tú, sinh năm 1962. Khởi nghiệp sân khấu của nam nghệ sĩ này là Nhà hát Tuổi trẻ. Trong gần 20 năm với cương vị quản lý và đạo diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ, NSND Anh Tú đã dàn dựng một loạt vở diễn: "Cô gái đội mũ nồi xám", "Nhà có năm anh em trai" và một loạt chùm kịch thiếu nhi: "Tôn Ngộ Không", "Thạch Sanh"...

Vào lúc 12h15 ngày 20-12, NSND Anh Tú, “anh cả đỏ” của làng kịch nghệ đã trút hơi thở cuối cùng ở độ tuổi 56 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh sau thời gian dài chống trọi với căn bệnh tiểu đường biến chứng.

Là một người nghệ sĩ tận hiến, tận tài, sự ra đi của anh đã khiến người hâm mộ và đồng nghiệp vô cùng thương xót, tiếc nuối. Cùng nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật, cống hiến hết mình vì nghệ thuật của người “anh cả đỏ” làng kịch nghê.

Dấu mốc sự nghiệp

Sau khi tốt nghiệp lớp diễn viên năm 1981, Trường Sân khấu - Điện ảnh, nghệ sĩ Anh Tú về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, bắt đầu sự nghiệp diễn xuất cùng lứa diễn viên tài năng, thế hệ đầu tiên như Lê Khanh, Minh Hằng, Lan Hương, Chí Trung, Đức Hải... Có thể nói, Nhà hát Tuổi trẻ chính là cái nôi nuôi nấng niềm đam mê, tình yêu nghệ thuật của ông.

NSND Anh Tú và cuộc đời "ăn ngủ với sân khấu" khiến bao lớp nghệ sĩ nể phục ảnh 1

NSND Anh Tú

Trong sự nghiệp diễn xuất, NSND Anh Tú ghi dấu ấn đậm nét trên “thánh đường sân khấu” với hàng loạt vai diễn như Trần Cảnh trong “Rừng trúc” của Nguyễn Đình Thi, Macbet trong vở kịch cùng tên của đại thi hào Shakespeare, Tể tướng trong “Âm mưu và tình yêu” của Sile, Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và hàng trăm vai diễn ấn tượng khác.

Anh tiếp tục theo học một khóa Đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh và tốt nghiệp năm 2004 với vở kịch thơ Kiều Loan. Anh say mê với công tác đạo diễn với những vở diễn được đánh giá cao: Lâu đài cát, Chuyện chàng dũng sĩ, Tai biến, Trong mưa dông thấy nắng, Chấm hỏi chấm than, 3 trong 1, Biệt đội Báo đen, Bão tố Trường Sơn… và gần đây nhất là những vở kịch cổ điển Hamlet, Kiều, Romeo và Juliet…

Một cảnh trong vở "Bão tố Trường Sơn"

Với những đóng góp xuất sắc cho sân khấu nước nhà, năm 2001 anh được trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Tiếp đó, năm 2008, anh đoạt giải đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ nhất.

Năm 2013, nghệ sĩ Anh Tú được điều động làm phó giám đốc phụ trách nghệ thuật Nhà hát Kịch Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, NSND Anh Tú vẫn tiếp tục cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Năm 2015, Anh Tú đoạt giải đạo diễn xuất sắc tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Một năm sau đó, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân và được trao Huân chương Lao động hạng nhì.

Tới ngày 1-11-2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định bổ nhiệm chức vụ Giám đốc phụ trách Nhà hát kịch Việt nam cho NSND Anh Tú thay ông Nguyễn Thế Vinh.

Từ khi làm lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú cũng là người đã có công lớn trong việc dàn dựng nên nhiều vở diễn để lại tiếng vang như: Tai biến, Trong mưa dông thấy nắng, Lâu đài cát, Kiều...

Không chỉ giới hạn mình ở sân khấu, NSND Anh Tú còn xuất hiện trên truyền hình với nhiều vai diễn trong các bộ phim: “Của để dành”, “Đàn trời”, “Chiều ngang qua phố cũ”, “Ánh sáng trước mặt”, ...

Hết lòng vì nghệ thuật

Báo Giáo dục thời đại cho hay, do trăn trở tìm cách phát huy những thành tựu mà thế hệ đi trước đã gây dựng, NSND Anh Tú dành mọi sự ưu tiên, cống hiến cho sân khấu kịch. Tốt nghiệp Khoa Đạo diễn - ĐH Sân khấu - Điện ảnh năm 2004, hơn 10 năm qua Anh Tú từ chối nhiều vai diễn để tập trung thời gian, tâm lực cho sân khấu, dồn tâm huyết, tài năng để tạo ra bước chuyển mình về chất lượng hoạt động nghệ thuật. Bên cạnh những đóng góp lớn, xây dựng nhiều vở diễn mới gây được tiếng vang, anh cũng là người truyền đam mê, động lực và nhiệt huyết cho đội ngũ diễn viên, giúp họ thêm hiểu nghề, yêu và gắn bó với nghề hơn.

NSND Anh Tú luôn tận tâm với con đường nghệ thuật

Với các diễn viên trẻ, NSND Anh Tú là người thầy lớn. Anh tận tình chỉ bảo, chia sẻ những kinh nghiệm diễn xuất, cách tiếp cận kịch bản và tìm tòi đào sâu tâm lý từng nhân vật… Đồng nghiệp luôn nhắc đến NSND Anh Tú với sự nể trọng về chuyên môn, tính cách.

Quá chuyên tâm dồn đam mê, cống hiến cho nghệ thuật, NSND Anh Tú lập gia đình khá muộn. Anh sống đơn giản, hạnh phúc bên vợ và cậu con trai 14 tuổi. Bị tiểu đường nhiều năm nay nhưng NSND Anh Tú không có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, dù mỗi ngày uống cả vốc thuốc nhưng NSND Anh Tú vẫn không chịu nhập viện, mãi tới khi căn bệnh tiểu đường biến chứng trở nặng anh mới chịu nhập viện điều trị. Chính vì không muốn mọi người bận tâm, lo lắng cho mình nên ít người biết được tình trạng sức khỏe của anh.

Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, anh còn là giảng viên, tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; là người thầy chắp cánh, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ triển vọng và tài năng.

Có thể nói, NSND Anh Tú đã dành cả cuộc đời cống hiến vì nghệ thuật, trở thành “anh cả đỏ” của biết bao lớp nghệ sĩ làng kịch nghệ và là một tâm gương sáng, truyền cảm hứng cho thế hệ sau. Sự ra đi của anh quả thật là một mất mát lớn của