Nói không với "sô" diễn thương mại tại Nhà hát Lớn Hà Nội

ANTD.VN - Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ dành riêng 2 tối cuối tuần chỉ để diễn các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… đến nhạc giao hưởng. Việc bán vé các chương trình này sẽ do Nhà hát Lớn đứng ra lo, các đơn vị nghệ thuật chỉ việc dựng và diễn. Đó là chủ trương mới đã được Bộ VH-TT&DL ấp ủ cách đây khá lâu và chính thức thực hiện từ cuối tháng 8 này.

 “Thánh đường nghệ thuật” sẽ dành đất diễn cho các chương trình nghệ thuật và tác phẩm sân khấu chất lượng cao 

Trả lại giá trị của “thánh đường nghệ thuật”

Nhiều năm gần đây, việc tổ chức một sự kiện ở Nhà hát Lớn không có gì quá khó khăn. Đó là lý do sân khấu mà nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật chỉ ao ước một lần được diễn trong đời lại trở thành địa điểm diễn ra các “sô” diễn tạp kỹ nghiêng về yếu tố giải trí, thậm chí còn là chỗ cho các buổi hội họp, kỷ niệm, văn nghệ quần chúng.

Tuy nhiên, điều này sẽ không còn nữa khi tới đây Bộ VH-TT&DL quyết định “nắn” lại địa điểm biểu diễn này để đúng với ý nghĩa “thánh đường nghệ thuật” của cả nước. Cụ thể là 2 buổi tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần sẽ chỉ dành để diễn các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao của 12 đơn vị Nhà hát trực thuộc Bộ VH-TT&DL và tiến tới là 130 đơn vị nghệ thuật công lập ở các địa phương. 

Chủ trương này theo ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) là để đưa Nhà hát Lớn trở thành điểm phục vụ văn hóa tiêu biểu của cả nước, là nơi để mọi đối tượng khán giả, gồm cả khách du lịch quốc tế có thể đến thưởng thức nghệ thuật và chiêm ngưỡng kiến trúc của một di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt, với chủ trương này, các nghệ sĩ sẽ có thêm khát vọng và động lực để xây dựng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. 

Đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam - một trong 3 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VH-TT&DL có tác phẩm được chọn công diễn mở màn trên sân khấu Nhà hát Lớn vào cuối tháng 8 cho biết, đơn vị này chọn vở kịch nói “Biệt đội báo đen” của nhà văn Chu Lai để ra mắt khán giả nhân dịp này. Vở diễn trên từng được Nhà hát đem đi biểu diễn ở các nhà văn hóa nhỏ ở Hà Nội và đi diễn ở khắp các địa phương, nhưng đây là lần đầu tiên tác phẩm được diễn tại “thánh đường nghệ thuật”. 

Chỉ việc sáng tạo, không phải lo bán vé!

Ngay khi chủ trương này được Bộ VH-TT&DL thực hiện, nỗi e ngại đầu tiên của nhiều người, trong đó có chính các đơn vị nghệ thuật là ai sẽ đứng ra lo bán vé. Song mối lo này đã được Bộ VH-TT&DL giải quyết bằng việc nhận phần việc khó khăn này về phía mình.

Theo lời ông Nguyễn Đăng Chương, toàn bộ việc phát hành vé các chương trình kể trên sẽ do Nhà hát Lớn đảm nhận, cụ thể là một trung tâm tổ chức biểu diễn trực thuộc đơn vị này sẽ chuyên trách phần quảng bá các chương trình và lo toàn bộ khâu làm sao để kéo khán giả đến xem.

Đại diện Cục NTBD khẳng định các đơn vị nghệ thuật sẽ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tập trung nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật được Bộ VH-TT&DL chọn trình diễn. Bên cạnh nguồn từ việc bán vé, Văn phòng Bộ sẽ đứng ra đảm trách việc kêu gọi các “Mạnh Thường Quân” tài trợ và đồng hành cùng chương trình.

Không chỉ vậy, Bộ cũng sẽ đề nghị Tổng cục Du lịch và các đơn vị lữ hành phối hợp để đưa việc biểu diễn các chương trình nghệ thuật trên vào một trong những điểm dừng chân của khách du lịch quốc tế khi đến Hà Nội. 

Liên quan đến việc lựa chọn các chương trình, tác phẩm được xem là nghệ thuật đỉnh cao để biểu diễn tại “thánh đường nghệ thuật”, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết, một hội đồng thẩm định trực thuộc Bộ VH-TT&DL sẽ được thành lập do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm Chủ tịch và Thứ trưởng Vương Duy Biên làm Phó Chủ tịch cùng một số chuyên gia uy tín trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Tuy dành sự ưu tiên cho các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ và đơn vị công lập ở các địa phương, song đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết, bất kể đơn vị nào dù là ngoài công lập hay tư nhân có tác phẩm, chương trình nghệ thuật có chất lượng thì lãnh đạo Bộ sẵn sàng đến xem và mời diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn. 

Thông tin về việc đặt “barie” hạn chế đối với các chương trình tạp kỹ, nhất là Bolero gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua đến thời điểm này cũng không được Bộ quy định rõ ràng thành văn bản và đại diện Bộ VH-TT&DL cũng không xác nhận tại cuộc gặp gỡ với báo giới vào sáng qua 22-8.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định dứt khoát các chương trình được đưa vào Nhà hát Lớn biểu diễn phải là các chương trình có chất lượng về mặt nghệ thuật, còn nói không với các “sô” diễn chỉ mang tính thương mại và quảng bá thương hiệu.