"Nới" chính sách visa: "Làn sóng" cuốn hút khách quốc tế, kích cầu du lịch

ANTD.VN -Trước thời điểm chính sách miễn thị thực (visa) cho công dân 5 quốc gia châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha) hết hiệu lực vào ngày 30-6-2018, nhiều tỉnh thành, sở, ban, ngành, các hiệp hội lữ hành, đơn vị du lịch… đều bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách này cũng như mở rộng chính sách với công dân nhiều nước khác.

"Nới" chính sách visa: "Làn sóng" cuốn hút khách quốc tế, kích cầu du lịch ảnh 1

Chính sách miễn thị thực góp phần gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam

Khách du lịch tăng vọt

Trong năm 2017, TP.HCM đón trên 6 triệu lượt khách quốc tế, chiếm khoảng 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Nhận thấy hiệu quả từ chính sách miễn visa, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ mở rộng diện thị thực miễn visa cho một số thị trường quốc tế do lượng khách từ các nước này có tốc độ tăng trưởng tốt.

Cụ thể, UBND TP.HCM đã đề xuất tăng thời hạn miễn visa đối với công dân nhiều nước (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý…) lên 21 hoặc 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện tại, để phù hợp với thời gian của du khách khi tham gia các chương trình du lịch, ví dụ như các tour xuyên Việt.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng thời hạn thí điểm miễn visa cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) lên 5 năm hoặc xem xét miễn visa. Đây là nhóm khách có tốc độ tăng trưởng tốt khoảng 14%/năm trong 2 năm gần đây. Ngoài ra, xem xét miễn visa đối với khách quốc tế tái nhập cảnh trong thời hạn 30 ngày. 

Cùng với TP Hồ Chí Minh, mới đây Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ mở rộng miễn visa cho một số thị trường khách quốc tế để phát triển ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, thu hút nguồn khách giàu tiềm năng đến từ các nước trên thế giới. Được biết, năm 2017, trên 2,3 lượt khách quốc tế đã đến tham quan Đà Nẵng, tăng 39% so với năm 2016, đồng thời khách nội địa đạt trên 4,3 triệu lượt, đem đến tổng thu du lịch đạt 19.504 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ.

Chia sẻ với PV Báo An ninh Thủ đô, ông Hồ An Phong – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho rằng chính sách visa là vấn đề “điểm nghẽn” bấy lâu nay, sau khi Chính phủ “nới lỏng” chính sách này vào năm 2015, lượng khách quốc tế đến tỉnh Quảng Bình tăng mạnh. Ông Hồ An Phong tiết lộ, trong 2 năm 2016 và 2017, lượt khách quốc tế đến Quảng Bình tăng từ 100-200%.

Theo ông Hồ An Phong, mới đây UBND tỉnh Quảng Bình đã đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về việc áp dụng thị thực điện tử tại Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình). Ông Hồ An Phong khẳng định, nếu đề xuất trên được chấp nhận, du lịch Quảng Bình sẽ có nhiều khởi sắc, đón thêm nhiều lượt khách quốc tế, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân có thêm cơ hội việc làm.

Chính sách miễn thị thực không chỉ kích cầu du lịch mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương

Giảm chi phí, bớt thủ tục

Tiến sĩ Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch Viện Đại học Mở Hà Nội, Ủy viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, có 2 yếu tố khiến chính sách miễn thị thực trở thành một “làn sóng cuốn hút” khách quốc tế, góp phần kích cầu du lịch. Cụ thể, mặc dù chi phí visa không lớn nhưng cũng tạo nên sự cạnh tranh khi du khách so sánh chi phí tới các điểm đến rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Vấn đề thứ 2 được Tiến sĩ Vũ An Dân đề cập đó là việc miễn visa tạo nên sự thuận lợi bởi du khách nào cũng ngại ngần trước quá trình thu xếp thủ tục, giấy tờ.

Nói về những lý do khiến Việt Nam vẫn rụt rè với nhiều thị trường khách tiềm năng, theo Tiến  sĩ Vũ An Dân đó là tâm lý lo ngại thất thu phí visa. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ kinh tế, nếu mong muốn gia tăng nguồn thu từ du lịch thì miễn visa được ví như một “cuộc chơi lớn” mà Việt Nam nên chấp nhận. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, tổng thu từ khách du lịch trong năm 2017 đạt 510.000 tỉ đồng, lớn hơn rất nhiều lần so với số thu được từ phí visa.

Một điểm đáng nhìn nhận, chính sách visa “thông thoáng” không chỉ đem lại nguồn khách dồi dào mà còn thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với lĩnh vực du lịch. Tiến sĩ Vũ An Dân đánh giá thời gian qua có tình trạng nhiều nhà đầu tư ồ ạt trong lĩnh vực khách sạn, nếu “siết” chính sách visa, lượng khách trong những năm tới không đủ để các nhà đầu tư thu hồi vốn thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam.

Được biết, Hội đồng tư vấn du lịch trong những năm qua đều gửi đề xuất lên Chính phủ về việc gia hạn chính sách miễn visa cho 5 nước châu Âu, phân tích những ưu điểm của chính sách làm minh chứng để Chính phủ tiếp tục duy trì.

Tiến sĩ Vũ An Dân nhấn mạnh, để chính sách visa trở nên xác đáng, dài hạn thì vẫn cần phải có những nghiên cứu cụ thể về, đưa ra mục tiêu, tiêu chí rõ ràng về các thị trường khách tiềm năng nhằm chú trọng, khai thác hiệu quả.