Những vũ công khiếm thính múa đương đại

(ANTĐ) - Vở múa “Ký ức thở dài” của biên đạo múa Lê Vũ Long vừa ra mắt công chúng để lại nhiều ấn tượng đẹp bởi sự chuẩn xác và biểu cảm trong từng động tác của những vũ công khiếm thính. Nhưng điều quan trọng hơn, vở múa đã đưa ra những cách tiếp cận với nghệ thuật múa đương đại theo hướng đa chiều...

Những vũ công khiếm thính múa đương đại

(ANTĐ) - Vở múa “Ký ức thở dài” của biên đạo múa Lê Vũ Long vừa ra mắt công chúng để lại nhiều ấn tượng đẹp bởi sự chuẩn xác và biểu cảm trong từng động tác của những vũ công khiếm thính. Nhưng điều quan trọng hơn, vở múa đã đưa ra những cách tiếp cận với nghệ thuật múa đương đại theo hướng đa chiều...

PV: Các diễn viên khiếm thính đã diễn rất đạt khi truyền tải đến người xem những ý niệm, gợi về những ký ức bị xáo trộn. Làm thế nào để anh có thể giúp họ khớp phần biên đạo và phần âm nhạc?

Biên đạo múa Lê Vũ Long: Đối với các diễn viên khác, múa được coi là một nghề, là phương tiện để truyền đạt tình cảm của người diễn viên tới khán giả. Còn với các diễn viên khiếm thính, họ coi việc biểu đạt bằng ngôn ngữ cử chỉ là nhu cầu của cuộc sống, giống như nhu cầu ăn, thở, của mọi người. Đây chính là điểm mạnh của họ. Còn để ăn khớp phần biên đạo và âm nhạc lại là thủ pháp nghệ thuật. Người đạo diễn sẽ dựa vào nhịp của cơ thể, của chuyển động để làm việc với các diễn viên khiếm thính. Nhịp của cơ thể tạo nên một sợi nối của cảm giác từ tâm hồn tới tâm hồn tạo nên những điệu múa đầy sức hút và cảm xúc. Với nhịp đó, đạo diễn sẽ làm việc  với nhạc sỹ để khớp hình ảnh với âm thanh.

Câu chuyện được bắt đầu bằng những ký ức bị lãng quên để từ đó khán giả tự liên tưởng theo cách của mình… Nói như biên đạo múa Lê Vũ Long, sự hiểu nằm ở sự cảm nhận nhiều hơn là những ngôn từ được viết ra, được nói ra…

Trong vở múa, anh đã sử dụng tiếng báo động máy bay địch của những năm tháng chiến tranh. Phải chăng anh muốn gửi gắm điều gì?

Trong nghệ thuật đương đại, những yếu tố như lời dẫn, âm thanh, ánh sáng chỉ là chìa khóa hướng khán giả đến với những cung bậc cảm xúc. Chúng tôi muốn gợi cho khán giả, biết đâu những ký ức này chính là ký ức của một vị khán giả nào đó. Ký ức là điều vừa quen, vừa lạ, ký ức bị xáo trộn không có không gian và thời gian. Ở đây có rất nhiều sự liên tưởng, tất cả những gì chúng tôi đưa ra đều là những đường dẫn để khán giả tiếp cận với vở diễn và đương nhiên chúng tôi có ý đồ cụ thể. Bắt buộc khán giả phải hiểu theo ý đồ của tác giả là điều không nên. Trong nghệ thuật mới, điều này là cấm kỵ. Sự hiểu ở đây nhiều khi lại nằm ở sự cảm nhận nhiều hơn là những ngôn từ được viết ra, được nói ra. 

Vậy theo anh, làm thế nào để nghệ thuật múa đương đại đến gần hơn với công chúng?

Những năm trước đây, đoàn múa “Nơi đến” đã đi đến các trường học trong toàn quốc để giới thiệu về nghệ thuật múa đương đại. Chúng tôi nhận thấy các bạn trẻ rất say mê, rất muốn tiếp cận với nghệ thuật múa nhưng để hiểu được thì các bạn cần được trực tiếp tham gia các buổi tập cùng các nghệ sĩ. Trong dự án này, chúng tôi đã mời các bạn sinh viên, các nhóm khán giả cùng tham gia trong thời gian xây dựng tác phẩm, có một số bài tập cho họ. Sau buổi tập, khán giả thấy rất thích thú. Họ được trực tiếp sống với cơ thể của họ, sau đó, khi nhìn người khác múa, họ sẽ cảm nhận được những động tác từ bên trong con tim họ. Khán giả không chỉ ngồi xem mà họ còn được sống với chính cơ thể mình. Đấy chính là một cách tiếp cận của công chúng tới nghệ thuật múa đương đại. 

Được biết đến là một biên đạo múa đương đại đầu tiên của Việt Nam, anh  có nhận xét gì về múa đương đại Việt nói chung?

Phải nói rằng, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có số lượng biên đạo múa đương đại khá nhiều. Nhưng các tác giả đang gặp nhiều khó khăn. Vì khán giả chưa được chuẩn bị những kiến thức cơ bản để tiếp cận và thưởng thức. Các nhà quản lý chưa có hành lang pháp lý để quản lý và hỗ trợ. Điều này dẫn đến việc các tác giả luôn luôn phải tìm kiếm tài trợ cho tác phẩm của mình.

Khi mà nghệ thuật múa còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của công chúng, anh có đề xuất nào để phát triển nghệ thuật múa đương đại?

Trong bối cảnh như hiện nay, quốc gia nào cũng vậy, để nghệ thuật phát triển đồng bộ, đều cần sự định hướng của Nhà nước. Nghệ sĩ chỉ biết làm tốt trách nhiệm của mình thôi chứ không thể nào đề ra được chiến lược.

Nhà nước nếu hỗ trợ về mặt kênh thông tin, địa điểm biểu diễn, tài chính... thì nghệ sĩ sẽ có nhiều cơ hội để làm tốt hơn công việc của mình. Nếu như cứ hô hào người dân hát đi thì chắc mọi người sẽ rủ nhau đi hát karaoke, nhưng Nhà nước và đài truyền hình tổ chức các cuộc thi Sao mai, liên hoan âm nhạc thì rõ ràng nó kích thích sự tham gia của công chúng và kéo theo rất nhiều hoạt động về mặt âm nhạc.

Phạm Thu Hương

(Thực hiện)