Nhà văn Sơn Tùng:
Những trang viết thành kính về Bác Hồ
(ANTĐ) - Cuốn “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành lần đầu năm 1982. Đến nay cuốn sách trên được tái bản nhiều lần với số lượng lên đến hàng triệu cuốn. Nhà xuất bản Kim Đồng đã tuyển chọn đưa “Búp sen xanh” vào Tủ sách vàng - tác phẩm chọn lọc cho thiếu nhi Việt Nam.
Nhà văn Sơn Tùng (ngồi thứ hai, từ phía bên phải qua) đang kể chuyện cho bạn bè quốc tế nghe về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí (Ảnh: T.L) |
Bạn đọc trong cả nước đã trân trọng tìm đọc cuốn sách trên với tấm lòng kính yêu Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hóa, một nhà hoạt động chính trị tài đức song toàn. Với cuốn sách trên, Sơn Tùng đã đem đến cho người đọc những tư liệu quý về cuộc đời của Bác Hồ thời niên thiếu.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào thời điểm quyết liệt nhất, hào hùng nhất, Sơn Tùng được tổ chức tín nhiệm giao đặc trách dẫn đầu một đoàn nhà báo trẻ vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam bộ để thành lập tờ Thanh niên - Cơ quan của Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạnh miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.
Vào miền Nam, ông lại “lặng lẽ” tìm đến những nơi có dấu chân Bác đã từng đi qua, tiếp tục thu thập những chứng cứ lịch sử. Đặc biệt, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, dẫu bị thương tật nặng. Ông bị thương ở chiến trường Đông Nam bộ năm 1971, được chuyển ra Bắc chạy chữa năm 1972, hiện ông xếp loại thương binh 1/4, loại nặng nhất. Sơn Tùng đã đến hầu hết những địa danh nơi Bác Hồ đã từng hoạt động như Huế, Phan Thiết, Sài Gòn… Riêng ở Cao Lãnh (Đồng Tháp Mười) ông dành gần 4 tháng đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người có liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ, bởi Cao Lãnh là mảnh đất có nhiều cứ liệu lịch sử về Bác.
Nơi đây không chỉ có phần mộ thân phụ Bác - Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Chính ở nơi đây thân phụ Bác đã lưu lại làm nghề bốc thuốc, trị bệnh cứu người và tuyên truyền lý tưởng cách mạnh cho nhiều thanh niên vùng Cao Lãnh từ năm 1926 đến 1929, khi Cụ qua đời (Cụ Nguyễn Sinh Sắc mất ngày 27-10-1929). Một con người mà nhà văn Sơn Tùng rất quý trọng khi đến làm việc ở Cao Lãnh đó là nhà cách mạng lão thành Nguyễn Thành Mậu (cụ Mậu là em ruột ông Nguyễn Thành Tây, là học trò cũ của nhà giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh - Phan Thiết). Từ cụ Mậu, Sơn Tùng lần tìm ra nhiều đầu mối có liên quan đến hoạt động cách mạng của Bác Hồ ở miền Nam nước ta trước khi Bác rời cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước.
Đáng trân trọng ở Sơn Tùng là ông không chỉ kính yêu, tôn vinh một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc mà sâu đậm hơn là tình cảm của một người con đối với cha. Ông đã ấp ủ từ lâu, tích góp từ lâu tất cả những gì ông biết về Bác Hồ, lúc sinh thời, đặc biệt thời niên thiếu, thời hình thành nhân cách của Bác Hồ.
Là nhà báo lâu năm, có kiến thức lịch sử, vốn sống và tay nghề vững chắc, nhưng hơn cả về khía cạnh nào đó, chúng ta có thể coi ông là người chép sử một cách công phu và có trách nhiệm. Chép sử với tấm lòng thành đối với một Anh hùng dân tộc và công việc này đã kéo dài trong nhiều năm liền của cuộc đời ông. Nếu không quý trọng một nhân cách đích thực và thiếu đi chữ Tâm, khó có thể có một “Búp sen xanh”. Sưu tầm, tìm hiểu, ghi chép, chắt lọc, tư duy với ý thức chính trị và tình cảm sâu nặng để có được “Búp sen xanh”, đó là điều đông đảo bạn đọc ghi nhận công lao của nhà văn Sơn Tùng.
“Búp sen xanh” đã được một số tác giả chuyển thể hoặc phóng tác thành văn vần (trong đó có Ngọc Hồ ở Hà Nội - Tập “Hương sen” – NXB Hà Nội năm 1994 - Vũ Quần Phương viết lời tựa), tập diễn ca “Búp sen xanh” 10.700 câu song thất lục bát của Lê Xuân Hãng - NXB Văn hóa thông tin ấn hành năm 1997. Gần đây, năm 2008, cuốn “Búp sen xanh” đã được dịch sang tiếng Thái Lan - Người dịch sách là ông Mạnh Hùng và một dịch giả người Thái Lan.
Nhà văn Sơn Tùng sống một cuộc đời thực sự trong sáng, giản dị, thanh bạch. Hiện nay nơi ở của ông trong một con ngõ nhỏ ở khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội, vẫn là một căn hộ bình dị và gia sản có lẽ chủ yếu là sách, báo và một số đồ dùng cá nhân xuềnh xoàng. ở tuổi ngoài 80, vượt lên thương tật, ông vẫn chăm chỉ, cần mẫn, dùi mài kinh sử, viết tiếp những áng văn chương làm giàu đẹp thêm cho đời sống văn hóa của đông đảo bạn đọc.
Hôm đến thăm nhà văn Sơn Tùng tại nhà riêng, tôi hỏi ông:
- Liệu sắp tới, ông có cho ra mắt bạn đọc một tác phẩm nào khác về Bác kính yêu?
Vẫn với khuôn mặt phúc hậu, nụ cười rộng mở, mái tóc xõa ngang vai, ông vui vẻ đáp lời:
- Với tôi, đề tài về Bác Hồ không bao giờ vơi cạn - chỉ sợ “lực bất tòng tâm” rồi ông cười hóm hỉnh.
Nhận xét về tác phẩm của Sơn Tùng, học giả Nguyễn Khắc Viện viết: “Tôi chấp nhận tất cả những “thiếu sót”, quý hồ tác phẩm làm cho tôi nhớ đến Bác, gần gũi thêm với Bác, và gạn lọc rồi, để lại cho tôi một cảm xúc trong sáng. Đó chính là cảm xúc khi gặp lại trang cuối cùng của cuốn sách “Búp sen xanh”.
Lê Việt