Những ngày thương nhớ...

ANTD.VN - Hôm qua, ngồi cà phê với mấy người bạn là người Hà Nội chính gốc chứ không phải “Hà Nhì’’ như mình. Chuyện Đông chuyện Tây cuối cùng lại chuyện ăn Tết. Thế là chẳng ai dứt ra được. Kỳ lạ thật, chuyện ăn Tết thì có lẽ ai cũng biết mà năm nào cũng có Tết đương nhiên là thế mà ai cũng nói say mê không chịu dứt. Một trong những chuyện ăn Tết là chuyện mổ lợn ở quê. Và tôi lại nhớ đến những cái Tết ở làng tôi từ ngày tôi biết Tết là gì.

Người làng quê thường chuẩn bị Tết sớm hơn người thành thị. Ngày đó, người thành thị có tem phiếu để mua thịt, gạo, nước mắm, mì chính, mứt, bánh kẹo, rượu mùi...; còn người ở quê thì phải tự chuẩn bị mọi thứ. Cho dù cả năm đói kém, thất bát thì người thôn quê cũng không bao giờ để cho ba ngày Tết thiếu bánh chưng và thịt lợn. Ngày đó, từ giữa năm các gia đình đã bàn nhau chung lợn thịt Tết. Thường cứ ba bốn gia đình chung nhau mổ một con lợn ăn Tết. Một trong những gia đình đó sẽ nhận nuôi lợn Tết. Thường cứ cách Tết hai ngày thì các gia đình đó quyết định mổ lợn và chia nhau ăn Tết.

Ngày mổ lợn là ngày vui nhất. Cả làng nhộn nhịp, tiếng lợn kêu các xóm. Giữa sân hoặc vườn, người ta bắc một cái bếp lớn để đun nước làm lông lợn và luộc lòng, nấu cháo. Con lợn mổ ra người ta lấy đôi bầu dục (hai quả cật) xâu vào một sợi rơm hoặc lạt giang và treo lên cái dây phơi ở ngoài sân. Đôi bầu dục ấy là thứ quý nhất của con lợn và giành để biếu người già nhất trong các nhà chung nhau con lợn ăn Tết đó. Lũ trẻ con thì sẽ được cho cái bọng đái lợn. Chúng lấy muối day cái bọng đái đó cho mỏng thổi thành bóng lợn và phơi cho khô để chơi hết cả tháng Giêng. 

Những ngày thương nhớ... ảnh 1Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Ngày nay, các hàng lòng lợn, tiết canh, cháo lòng có ở mọi nơi. Nhưng ở thôn quê thuở còn bao cấp thì chỉ đến Tết mổ lợn mới được ăn món lòng lợn. Nước luộc lòng, luộc sỏ lợn được nấu cháo. Một nồi cháo lớn nghi ngút giữa sân và các gia đình chung lợn sẽ chia nhau cháo mang về. Bây giờ cảnh chung lợn hầu như không còn nữa. Mỗi làng đều có những cái chợ “dã chiến’’ ở đầu làng, ở cổng đình… Ai cần mua gì thì cứ ra chợ làng mà mua chẳng thiếu gì cả.

Thế nhưng, tôi vẫn thích phong tục mổ chung lợn ngày Tết. Mấy năm trước, anh em Hà Đông chúng tôi cũng mổ lợn ăn Tết. Thấy vậy có người kêu sao lại khổ thế, cứ ra chợ mua là đủ thứ. Nhưng đó không phải chuyện vất vả, nó là niềm vui, là được sống lại một ký ức đẹp của đời sống trong những năm tháng xưa. 

Cũng như chuyện gói bánh chưng, hình ảnh những cô gái làng tôi ra bến sông Đáy chảy qua làng rửa lá dong xanh và vo gạo nếp để nấu bánh chưng là một hình ảnh bình yên và đẹp nao lòng. Ngày ấy sông Đáy cũng như mọi con sông lúc nào nước cũng xanh trong. Hầu hết những xóm, làng ven sông đều lấy nước sông để nấu cơm, đun nước. Bây giờ những con sông đã và đang chết. Cái chết thiên nhiên kéo theo cả cái chết của những vẻ đẹp đời sống thôn quê. Giờ đây, người thành phố mua bánh chưng mà lòng đầy lo lắng. Người ta vẫn thường nói khi nấu bánh chưng cho chì vào sẽ nhanh nhừ bánh. Lòng tham vô độ của con người sẽ giết chết cả thân xác và tinh thần sống của cộng đồng. Vẻ đẹp ấy chỉ còn trong những câu thơ xa xôi của tôi: 

“Các cô gái bên sông

Tay trắng ngần vo nếp

Em rửa lá dong xanh

Đôi bờ thơm hương Tết”. 

Có một công việc đầu tiên chuẩn bị đón Tết luôn làm tôi xúc động lạ thường mà là việc người ở quê quét vôi lại ngôi nhà của mình. Hồi đó chủ yếu người ta quét vôi trắng với chút ve vàng dọc chân tường. Những ngày còn đi học hoặc đi công tác xa, mỗi khi về quê ăn Tết, hình ảnh đầu tiên làm lòng tôi náo nức và xúc động là hình ảnh những ngôi nhà được quét vôi trắng ẩn hiện sau những vòm cây, những rặng tre, những hàng rào dâm bụt, hàng rào cây duối... thẫm xanh của những ngày cuối đông. Những ngôi nhà màu trắng làm cho thôn xóm ấm lên trong gió lạnh cuối năm. Hình ảnh những ngôi nhà màu trắng ẩn hiện ở làng quê lúc nào cũng mang về cho tôi ngập tràn thương nhớ. Bây giờ thôn quê đang từng ngày bê tông hóa. Vẻ đẹp ấm áp, thơ mộng và gợi cảm trước kia đã không còn nữa. 

Hồi còn hợp tác xã, cứ cuối năm là Ban chủ nhiệm lại tổ chức tát ao để lấy cá cho các gia đình ăn Tết. Làng tôi có rất nhiều ao. Người ta tát ao và dồn cá vào chiếc ao lớn nhất để gần Tết thì chia cho các gia đình theo số khẩu và người lớn trẻ em đều được chia bằng nhau. Tát ao bắt cá thường sớm vì một trong những món ăn ngày Tết truyền thống của làng tôi là món cá nướng. Cá được đồ chín rồi phơi cho bớt nước. Sau đó cho cá vào các vỉ tre tươi và nướng trong bảy ngày, mỗi ngày chỉ nướng một lần nên gọi là món cá nướng bảy lửa bảy khói.

Chính vì thế mà người làng tích trữ lõi ngô, gốc tre để cuối năm nướng cá. Ngày nay, cũng còn nhiều gia đình ở làng nướng cá. Với gia đình tôi thì không bao giờ bỏ món cá nướng đó được. Đấy là món ăn mọi người trong gia đình tôi rất thích. Cá nướng xé nhỏ chấm với nước mắm tiêu ăn với cơm thì mãi cũng không chán. Hơn nữa, chúng tôi làm món cá nướng để nhớ về mẹ. Hồi còn sống, năm nào mẹ cũng nướng vài vỉ cá cho anh em tôi. Sau này đi công tác rồi, mẹ vẫn nướng để anh em tôi về ăn Tết xong thì mang về thành phố làm quà. Hàng năm, tôi vẫn nhờ chú em nướng cho ít vỉ cá để tặng bạn bè ăn Tết. Cuộc sống được cải thiện so với ngày ấy cả trăm lần. Nhưng những món quà quê như thế luôn làm lòng người xúc động.

Có một món ăn ngày Tết bây giờ gần như không còn nữa. Đó là bánh mật. Bột nếp thấu với mật mía và nhân là đậu tương chỉ bỏ vỏ và vẫn để nguyên hạt. Đậu tương được rang qua cho thơm rồi trộn với mật và nước gừng làm nhân bánh. Bánh mật gói bằng lá chuối khô, đồ chín. Sau Tết, những chiếc bánh mật thường cứng lại. Vì thế khi ăn, người ta nướng lại bánh mật. Bánh mật nướng vô cùng ngon với mùi thơm đặc biệt của mật mía. Hồi tôi còn đi học xa, mỗi lần trở lại trường sau Tết, mẹ tôi lại gói cho tôi chục chiếc bánh mật làm quà cho bạn học. Gia đình tôi giữ lại nhiều món ăn ngày Tết nhưng riêng món bánh mật thì không còn làm nữa. Nhưng chắc chắn sau này nghỉ hưu, tôi sẽ làm lại món bánh mật của làng mình như bà và mẹ tôi đã làm thuở trước.

Những ngày thương nhớ... ảnh 2Minh họa: Trần Đỗ Nghĩa

Không biết các loại táo, cam, lê… màu rất đẹp có dán mác của Australia của Mỹ có đúng không mà ngay ở các chợ trong làng tôi ngày Tết được bán đầy. Tôi đi qua những quầy hoa quả đó mà chẳng hề có cảm xúc như thuở trước đi qua dãy bán cam quýt ở chợ quê trong phiên chợ cuối cùng của năm. Ấn tượng nhất với tôi là những sọt quýt đồi từ Hòa Bình mà những người buôn hoa quả mang về. Những sọt quýt đẹp nao lòng và tỏa mùi rất thơm. Cuộc sống đã thay đổi quá nhiều. Nhưng có những vẻ đẹp và những món ăn ngày Tết vẫn ám ảnh tôi đến nao lòng. Nhưng có một phong tục mà làng tôi giờ vẫn giữ làm tôi thấy yên lòng - đó là phong tục đón người về ăn Tết.

Trước Tết ông Công ông Táo, người làng tôi dọn dẹp sạch sẽ con đường từ nghĩa trang về đến cuối làng. Trong lòng người thôn quê có hai con đường cho những người thân trở về đoàn tụ gia đình đón Tết. Con đường từ xa về đến đầu làng là con đường cho những người sống đi học hành, công tác, làm ăn trở về với gia đình, làng xóm của mình. Con đường thứ hai từ nghĩa trang về đến cuối làng là con đường cho những người làng đã khuất trở về ăn Tết với người thân của họ. Cứ vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi gia đình trong làng đều chuẩn bị hương hoa và ra nghĩa trang của làng. Họ đặt hoa, thắp hương và mời những người thân yêu trong gia đình họ đã khuất trở về nhà văn Tết cùng con cháu. Đó là một buổi chiều thiêng liêng và ấm áp lạ thường. Và với tôi, lúc nào tôi cũng thấy nườm nượp linh hồn những người đã khuất dọc con đường từ nghĩa trang về làng.

Đó là một ngày đoàn tụ kỳ vỹ nhất mà tôi từng thấy trên thế gian. Ngày ấy, cái làng quê bé nhỏ của tôi như một thiên đường. Ở đó chỉ có tình yêu thương vô tận và sự thanh bình bao phủ lên tất cả cánh đồng, những con đường, những sông hồ, những vòm cây, những ngôi nhà, những mặt người. Hồn tôi vẫn ngóng trông trong ngày cuối năm từ phía hai con đường. Một con đường cho những người xa quê và một con đường cho những người thân yêu đã khuất trở về nhà. Và tôi cứ tin rằng: nếu ai đó không còn nhớ được hai con đường đó thì nghĩa là họ không thể nào tìm thấy con đường trọn vẹn cho cuộc đời họ.

Bây giờ, nhiều người làng đi làm ăn xa cũng ít về quê ăn Tết như thuở ấy. Họ gửi một chút tiền về cho cha mẹ, gọi một cú điện thoại chúc Tết và hỏi thăm người thân đang ở chốn làng quê và thấy như đã xong nghĩa vụ và trách nhiệm. Không phải trở về quê những ngày Tết là nghĩa vụ. Nếu ai cũng nghĩ vậy nghĩa là tâm hồn họ đã mất đi một phần thiêng liêng. Hạnh phúc thực sự của họ đã bị trừ đi một phần. Sự trở về ấy khác hoàn toàn và lớn lao vô cùng. Nó là sự trở về nguồn cội, nó là cách để chúng ta phục sinh những vẻ đẹp đã bị mất, nó là cách để chúng ta nhận vào mình một nguồn sống ấm nóng, tinh khiết và linh thiêng.