Những mẩu chuyện nhỏ thương nhớ họa sĩ Trần Khánh Chương

ANTD.VN - Gắn bó với Hội 30 năm và trên cương vị cao nhất Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam hơn 20 năm, họa sĩ Trần Khánh Chương được đồng nghiệp và các họa sĩ lớp sau kính trọng không chỉ tài năng mà còn ở cách đối nhân xử thế, khéo léo và thông tuệ. 

Những mẩu chuyện nhỏ thương nhớ họa sĩ Trần Khánh Chương ảnh 1Họa sĩ Trần Khánh Chương miệt mài vẽ dù đang gặp bạo bệnh

Đúng hẹn và thông tuệ

Lần ấy, họa sĩ Ngô Xuân Khôi (NXB Phụ nữ) và nhà điêu khắc Phạm Sinh đang làm công trình cho một địa phương, công việc đang vào giai đoạn cuối, muốn mời họa sĩ Trần Khánh Chương đến xem góp ý. Hôm đấy trời bỗng mưa gió đùng đùng, gần tối, 2 nghệ sĩ nghĩ chắc ông không đến được và chuẩn bị thu dọn đồ đạc ra về. Đúng lúc ấy, họa sĩ Trần Khánh Chương xuất hiện. Với kinh nghiệm nghề nghiệp và năng lượng vô cùng mạnh mẽ, ông giảng giải sau đó xắn tay phá bỏ những cái 2 nghệ sĩ đã làm và dựng lại cho kết quả bất ngờ. Con người ông là thế: đúng hẹn, thông tuệ, nhiệt huyết, say mê và rất trách nhiệm.

Một lần khác, họa sĩ Ngô Xuân Khôi vào thăm ông trong bệnh viện, nhân nói chuyện về cuộc thi vẽ logo Seagame 31 sẽ diễn ra ở Việt Nam vào năm sau. Ông nói: “Chỉ nên gọi là biểu tượng vui không nên gọi là linh vật. Gọi linh vật dễ làm chệch hướng tư duy của các họa sĩ và cũng khó cho ban giám khảo, Hội đồng tuyển chọn.

Không hề có yếu tố tâm linh hay tôn giáo gì ở đây cả. Nước Nga chọn gấu Misa, Trung Quốc chọn gấu trúc làm biểu tượng vui cho Thế vận hội đấy thôi.” Không chỉ giỏi về nghề, Trần Khánh Chương còn có kiến thức xã hội khá sâu rộng, phông nền văn hóa phong phú. Ở Đại hội IX Hội Mỹ thuật Việt Nam, chứng kiến ông đi từ bệnh viện đến hội trường khi vết mổ còn chưa cắt chỉ để điều hành đại hội một cách đầy trách nhiệm, cương quyết, dõng dạc, mạch lạc, nhiều đại biểu kính trọng và mến phục ông. Khi ông nói đôi lời tâm sự riêng và giã từ cương vị, chia tay anh em hội viên, rất nhiều hội viên đã ứa nước mắt vì xúc động, vì mến thương ông.

Với các cán bộ văn phòng Hội Mỹ thuật Việt Nam, khi được hỏi về “sếp” Chương, ai cũng nói, ông là con người của công việc. Đến tỉnh nào làm các triển lãm mỹ thuật khu vực, Chủ tịch Hội Trần Khánh Chương đều ưu tiên cho công việc, phải hoàn thành xong hết công việc, nếu còn dư thời gian mới đi chơi. Ông giải quyết các vấn đề rất tách bạch và thường có câu “Té nước theo mưa”, ý là một công đôi ba việc, tiết kiệm chi phí, sức lực trong công tác hoạt động của hội. 

Những mẩu chuyện nhỏ thương nhớ họa sĩ Trần Khánh Chương ảnh 2“Buổi sáng rẻo cao” của họa sĩ Trần Khánh Chương

Con người của công việc

Với các nhân viên của mình, ông thương như con và cách ông ứng xử cũng rất tế nhị. Khi nhân viên có lỗi không có mặt thì ông mắng, mắng ghê lắm, mọi người ngồi nghe đều sợ xanh mắt. Nhưng lúc người bị mắng có mặt, ông lại chẳng nói gì, kiểu giơ cao đánh khẽ. Với những ngày chuẩn bị có sự kiện quan trọng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, một ngày, người đứng đầu Hội phải hoàn thành rất nhiều văn bản như quyết định, công văn, giấy mời gửi đi các nơi. “Sếp” Chương hay nói vui với các nhân viên cấp dưới đáng tuổi con, tuổi cháu của mình rằng: “Một mình chú làm hết công việc của chúng mày”, ý là một mình ông giải quyết được bao nhiêu việc. Mấy nhân viên trêu lại “sếp”, bảo: “phê bình “sếp” làm hết việc của nhân viên”, thế là ông lại cười xòa. 

Chị Mai Thơ, một cán bộ của Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chính là người nhận chị về từ năm 1997. Qua quá trình làm việc với ông, chị học hỏi được nhiều điều, trưởng thành lên. Ông hay chỉ bảo các nhân viên nên tự học trong cuộc sống, xem người khác làm mà học tập. Họa sĩ Trần Khánh Chương cũng hay tâm sự, chia sẻ về công tác chuyên môn cũng như cách ứng xử trong công tác Hội với nhân viên, nhất là những nhân viên đồng thời là hội viên như chị. Đó là phải đứng ở vị trí khách quan và nhìn theo số đông hội viên. 

Có lần, ông kể, tử vi của ông có cách thạch trung ẩn, nghĩa là ngọc ẩn trong đá. Vì vậy, khi những ai ghen tức, ganh đua mà kiện cáo ông thì giống như đá bị đập, sẽ lộ ra ngọc sáng. Hình như là đúng, vì trong suốt những năm công tác luôn có hội đơn thư nặc danh, đặc biệt là trước các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng khi thanh tra vào thì mọi thứ đều rõ ràng, minh bạch. 

Năm vừa qua là một năm nhiều đau buồn với họa sĩ Trần Khánh Chương khi đón nhận sự ra đi đột ngột của con gái. Bản thân họa sĩ cũng chịu nhiều đau đớn với 3 lần mổ liên tiếp và những cơn đau của căn bệnh ung thư đại tràng hành hạ. Người ông gầy sọp đi, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. 

Những ngày con gái mới mất, ông vẽ rất nhiều về chị và thường xuyên cập nhật hình ảnh và hoạt động của bản thân tại gia đình. Đó là hình ảnh của người cha, người mẹ thương nhớ con, ông đã nương tựa vào hội họa để vơi đi nỗi buồn. Bẵng đi 2 tháng nay, không thấy họa sĩ Trần Khánh Chương đăng bài viết mới trên facebook. Và đột ngột nghe tin ông đã ra đi, nhiều họa sĩ và những người yêu mến, trân trọng tài năng và nhân cách của ông đều cảm thấy hẫng hụt, bàng hoàng.

Giới tạo hình Việt Nam đã mất đi một người họa sĩ tài năng, một chuyên gia trong lĩnh vực gốm sứ, một nhà quản lý đầy tâm huyết, mẫu mực. Họa sĩ Trần Khánh Chương đã ở bên con gái yêu và không còn những đau đớn về thể xác giày vò. Mọi người đều tin, ông đã an vui ở miền Tây Phương cực lạc. 

Tang lễ họa sĩ Trần Khánh Chương được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7h30 đến 8h30 ngày 24 -4 -2020. Lễ truy điệu hồi 8h 30 phút cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa Thân Hoàn Vũ - Văn Điển, Hà Nội. An táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng viên - Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.