- Ngắm những bộ ảnh áo dài đẹp lung linh trong 3 lễ hội hoa lớn nhất Tết Canh Tý
- Tập trung đảm bảo an toàn, phòng ngừa tai nạn ở những lễ hội đầu xuân
- Tuyển cử tạ khai xuân tưng bừng với 10 HCV cúp thế giới
Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội)
Chùa Hương nằm trong khu thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội từ lâu đã được công nhận là Di tích quốc gia. Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội thu hút du khách và kéo dài nhất cả nước, gồm phần lễ thường bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng Giêng, sau đó là phần hội diễn ra từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch.
Đến với lễ hội chùa Hương, du khách sẽ có một hành trình đi qua những danh thắng nổi tiếng như suối Yến, động Hương Tích… và rất nhiều đền chùa, hang động gắn liền với núi rừng hùng vĩ. Tất cả tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và tâm linh.
Lễ hội chùa Hương thu hút rất đông du khách tới du xuân
Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất ở miền Bắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cả nước mỗi dịp đầu xuân. Năm nào lễ hội chùa Hương cũng quá tải khách tham quan, thể hiện sức hút rất lớn của lễ hội với du khách thập phương. Năm nay, ban tổ chức cho biết ngày khai hội chính thức là ngày 8/2 dương lịch.
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)
Vùng núi Yên Tử ở xã Thượng Yên Công cách trung tâm thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) khoảng 14km còn được biết đến với cái tên núi Voi vì hình dáng giống như một con voi khổng lồ. Yên Tử từng là trung tâm Phật giáo của nước Việt Nam xưa, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm. Quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp, trong đó có chùa Ðồng ở trên đỉnh cao nhất 1068m.
Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10/1 âm lịch
Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10/1 âm lịch (tức 12/2 dương lịch) và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân đầu năm. Phần lễ được tổ chức dưới chân núi Yên Tử, bao gồm những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng yên tử… Sau phần lễ là cuộc hành hương của hàng vạn người lên chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Ngoài những hoạt động tín ngưỡng tâm linh, du khách cũng có thể tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí khác được tổ chức tại lễ hội Yên Tử.
Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)
Lễ hội đền Gióng khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời. Khu di tích đền Gióng là quần thể nhiều công trình như: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước, nhà Bia…
Người dân mang lễ vật tới cung tiến tại hội Gióng
Lễ hội diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống bao gồm: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng (nơi thờ Thánh Gióng).
Đặc biệt, lễ hội đền Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội Lim (Bắc Ninh)
Hội Lim là lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Đúng 8h sáng ngày hội chính 13 tháng Giêng, lễ rước hội Lim sẽ diễn ra. Đoàn rước thu hút đông đảo người dân tham gia, họ những bộ lễ phục truyền thống sặc sỡ sắc màu, kéo dài tới cả cây số. Trước và sau lễ rước, nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian được tổ chức như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm…
Các liền anh, liền chị biểu diễn hát quan họ
Đặc sắc và được chú ý nhất là phần hát hội. Hội thi hát được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Địa điểm tổ chức hội thi hát là một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim. Các liền anh, liền chị cùng đứng biểu diễn trên chiếc thuyền hình rồng được sơn son thếp vàng.