Những con số "biết nói" về bạo lực gia đình Việt Nam sẽ được công bố tại triển lãm "Phía sau cánh cửa"

ANTD.VN - Do Bảo tàng Phụ  nữ Việt Nam thực hiện, triển lãm “Phía sau những cánh cửa” sẽ gửi tới người xem những “con số” biết nói về thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay. Trong đó, những câu chuyện điển hình của một số nạn nhân, phải rời xa tổ ấm để đến với Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ khiến nhiều người phải xót xa.

Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam ra đời đã hơn 10 năm nhưng bạo lực gia đình ở Việt Nam vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, với mọi đối tượng. Đặc biệt, nhiều nạn nhân mà đa số là phụ nữ vẫn cam chịu, chưa dám lên tiếng. Toàn cảnh về bức tranh bạo lực gia đình Việt Nam sẽ được thể hiện sinh động tại triển lãm "Phía sau cánh cửa". 

Với những câu chuyện điển hình và những con số được công bố, triển lãm sẽ giúp người xem hiểu hơn về thực trạng của bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay. Đặc biệt, triển lãm còn mở ra những cánh cửa cho các nạn nhân để thay đổi thực trạng đáng buồn đó. Đồng thời kêu gọi các nạn nhân và cả cộng đồng hãy “Phá bỏ im lặng, chung tay đẩy lùi bạo lực”.

Với những chia sẻ của 15 nhân vật, người xem có thể nhận thấy, nạn nhân của bạo lực gia đình rất đa dạng về độ tuổi, nghề nghiệp và trình độ. Chính nhận thức sai lầm như bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình hay phụ nữ thì phải hoàn thành các "thiên chức" như giữ tổ ấm, hy sinh vì chồng, con, nội trợ... khiến phụ nữ bị bạo lực gia đình rất dễ bị đổ lỗi bởi chính thủ phạm và cộng đồng.

Trong khi đó, pháp luật quy định, không ai có quyền xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe (thể chất, tinh thần) của người khác nếu chưa có phán xét của tòa án. Nhưng vì những quan điểm sai lầm về vai trò của nam và nữ nên nam giới được dung túng để sử dụng đặc quyền của mình để kiểm soát, điều khiển cuộc đời của người phụ nữ.

Bà Lê Thị Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, bạo lực gia đình vẫn diễn ra âm thầm trong đời sống xã hội bởi cộng đồng dường như đã và đang chấp nhận bạo lực như một phương thức hành xử của gia đình.

“Qua thực tế tiếp xúc với các câu chuyện của người tạm trú, chúng tôi thấy bạo lực gia đình để lại những hậu quả nặng nề tới con trẻ do chúng luôn phải chứng kiến và sống trong môi trường bạo lực. Trẻ gái lớn lên dễ chấp nhận bạo lực như một phương thức hành xử bình thường; những đứa trẻ trai cho rằng "bạo lực là phương thức giao tiếp hiệu quả”. Vì vậy việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường gia đình là việc làm cần thiết” - bà Lê Thị Phương Thúy nhấn mạnh.

Với 2 chủ đề là “Những điều mắt thấy” và “Phía sau cánh cửa”, triển lãm sẽ thể hiện sinh động giữa các bài viết phỏng vấn,hình ảnh và hiện vật, tạo hiệu ứng thị giác với người xem. Đặc biệt, các câu chuyện xót xa do các nạn nhân của bạo lực gia đình chia sẻ được trưng bày dạng sắp đặt tạo các modul mô phỏng những ngôi nhà với những hoàn cảnh, các câu chuyện khác nhau, gây xúc động cho người xem. 

Triển lãm là một hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

“Phía sau cánh cửa” sẽ khai mạc vào ngày 23-11 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.