Những anh hùng Nga trên sân khấu Việt

ANTĐ - “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” - tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn B.Vasilyev viết về đề tài chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô một lần nữa đã được dàn dựng trên sân khấu Việt. Với sự thể hiện của các nghệ sỹ của Nhà hát Kịch nói Quân đội, tác phẩm đã làm sống dậy những ký ức bi hùng về cuộc chiến tranh đã đi qua 71 năm trên đất nước Nga, và tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc trong mỗi khán giả Thủ đô. 

Những anh hùng Nga trên sân khấu Việt ảnh 1

 Không gian của khu đầm lầy được tái hiện trên sân khấu bằng ngôn ngữ ước lệ kết hợp với hiệu ứng âm nhạc

Sự đồng cảm với khán giả Việt

Đây không phải lần đầu tiên “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” xuất hiện trên sân khấu Việt Nam, nhưng lý do để tác phẩm văn học này tiếp tục được Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng là bởi đề tài chiến tranh rất gần gũi với người Việt. Lòng quả cảm và chủ nghĩa anh hùng không quá xa vời và khó hiểu với những khán giả đã từng trải qua cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ.

Ngay với người trẻ, vở kịch cũng rất dễ tiếp cận bằng sự đồng cảm về lòng yêu nước. Trước đó, tác phẩm văn học này từng được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình và kịch sân khấu ở một số nước như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và lấy không ít nước mắt của khán giả bởi quá xúc động và cảm phục. 

Ngay từ khi vở diễn mới bắt đầu khởi động, NSƯT Ngọc Thư - Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội đã tiết lộ với báo giới rằng, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả và tạo nên sự khác biệt trong phiên bản dàn dựng lần này, tác phẩm sẽ có nhiều cách tân trong nghệ thuật và xử lý tinh tế trong diễn xuất.

Trọng trách này được giao cho đạo diễn, NSND Lê Hùng. Ông đã sử dụng âm nhạc, trang trí sân khấu hiện đại trong một vở diễn làm về cuộc chiến tranh vệ quốc đã lùi xa 2/3 thế kỷ. Khán giả có thể cảm nhận được từ tiếng nước sủi trong cảnh khu đầm lầy, nơi các chiến sỹ nữ cao xạ quyết ngăn chặn âm mưu phá hoại của người Đức, như báo hiệu nó có thể nhấn chìm bất cứ sinh vật nào có ý định vượt qua khu vực này.

Không gian mênh mông của khu đầm lầy với tiếng chim kêu, vịt trời gọi nhau đã được ước lệ trên sân khấu bằng hình ảnh của những cây bạch dương thẳng đứng trên bầu trời và những cây gỗ khác đổ rạp xuống kết hợp cùng hiệu ứng của âm nhạc.

     5 cô gái tiểu đội pháo cao xạ đã lần lượt ngã xuống tại khu vực đầm lầy

 Góp phần giáo dục lòng yêu nước

Vở kịch kể về sự hy sinh đầy bi tráng của 5 cô gái tiểu đội pháo cao xạ có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Karelia, một vùng hậu phương xa tiền tuyến của Liên Xô năm 1941. 5 cô gái đã đối mặt cả tiểu đội 16 lính dù Đức thiện chiến được trang bị vũ khí mạnh. Họ đã chiến đấu như những người anh hùng và lần lượt ngã xuống ngay tại khu đầm lầy.

“Và nơi đây bình minh yên tĩnh” cho thấy sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh, qua đó, giúp người xem thấy được giá trị của hòa bình và ý chí chiến đấu kiên cường của những người lính Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. 

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Thái, cố vấn văn học kịch thì: “Vở kịch kể về một sự kiện trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức sẽ là bài ca vinh danh tất cả những người đã hy sinh cuộc sống cho tự do của quê hương mình. Chúng tôi đã chọn một vở hay nói về chiến tranh, tôi nghĩ rằng khán giả sẽ đến xem và sẽ quan tâm hơn đến sân khấu”.

Với kịch bản có chủ đề tư tưởng tốt, có nhiều nét tương đồng với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” sẽ góp phần giáo dục về lòng yêu nước, về ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong mỗi người xem.