"Như cái lò" bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn liệt vào danh sách ca khúc có ca từ nhảm nhí

ANTD.VN - Đó là nhận định được ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đưa ra tại cuộc Hội thảo “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay” vừa diễn ra tại Hà Nội.

"Như cái lò" bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn liệt vào danh sách ca khúc có ca từ nhảm nhí ảnh 1“Như cái lò” bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn xếp vào các ca khúc có ca từ nhảm nhí

Sản phẩm âm nhạc trực tuyến: Khó quản lý

Theo đó, đại diện Cục NTBD cho biết, trong thời gian qua hoạt động sáng tác, biểu diễn và lưu hành các tác phẩm diễn ra rất sôi động, nhiều tác phẩm mới ra đời góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Tuy nhiên bên cạnh những sáng tác có chất lượng nghệ thuật thì cũng xuất hiện nhiều bài hát, clip có ca từ nhảm nhí, trong đó phải kể đến ca khúc “Như cái lò”. Điều đáng nói là phần lớn các ca khúc trên đều chọn cách phổ biến trên mạng xã hội, các trang âm nhạc trực tuyến và có tốc độ lan truyền chóng mặt. 

Bất cập ở chỗ, Cục NTBD hay Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) các địa phương chỉ có thẩm quyền quản lý nội dung các sản phẩm được định hình trên bản ghi (CD, VCD, DVD…). Còn việc quản lý các sản phẩm âm nhạc phổ biến trên phương tiện kỹ thuật số, mạng Internet lại chưa có sự phân định rõ ràng, nói cách khác là vẫn thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT Hà Nội thừa nhận cái khó trong việc quản lý các tác phẩm âm nhạc có nội dung thiếu tích cực, thậm chí gây phản cảm là ở chỗ chúng đa phần được lưu hành và phổ biến rộng rãi trên mạng Internet. Trong khi đó, việc xét duyệt các bài hát mới lưu hành dưới dạng bản ghi cũng khá đơn giản: Chỉ cần gửi một bản nhạc đến, Hội đồng duyệt của Sở xem xét thấy nội dung không vi phạm gì về pháp luật thì cấp phép biểu diễn. Tuy nhiên chính sự dễ dàng này cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của các sáng tác.

Nói như lời đại diện Sở VH-TT Hà Nội thì, nhiều ca khúc nhạc trẻ viết theo phong cách Rap, Hiphop, đọc nhiều hơn hát với ca từ hời hợt, nội dung lan man, thậm chí ngây ngô khó hiểu; hoặc những sáng tác về tình yêu đôi lứa theo xu hướng đau khổ, mất niềm tin, hoặc cứ yêu nhau mà không cần quan tâm đến thế giới xung quanh. Chưa kể, tên tác giả thì nửa Tây, nửa ta. Tuy nhiên, Sở vẫn phải cấp theo quy định của pháp luật, cùng lắm thì Hội đồng duyệt chỉ có thể nhắc nhở tác giả. 

Tréo ngoe ở chỗ, có những ca khúc được đánh giá là có chất lượng chuyên môn như các sáng tác của các thành viên của Hội Nhạc sĩ Hà Nội, hàng tháng đều “ra lò” các tác phẩm mới nhưng các sáng tác đó lại không được yêu thích như các bài nhạc trẻ.

Thay vì không quản được thì cấm, nên đồng hành cùng nghệ sĩ 

Trong khi cơ quan quản lý văn hóa vẫn đang bàn tính để tìm ra giải pháp quản lý hiệu quả các sản phẩm âm nhạc lưu hành trực tuyến, nhiều ý kiến cho rằng cần phải siết chặt thì nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng, việc cấp phép biểu diễn là một đề tài gây nhiều phản ứng cho cộng đồng mạng. Và thay vì không quản được thì cấm, Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên đồng hành cùng nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu chia sẻ, có rất nhiều ca khúc nhạc trẻ ngay khi phát hành trên mạng đã trở thành “hit”. Ví dụ như ca khúc “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP có tới trên 131 triệu lượt nghe trên một trang nghe nhạc trực tuyến, còn trên Youtube thì MV của ca khúc này đạt tới hơn 100 triệu lượt xem sau 2 tháng xuất hiện và tính đến nay sau 10 tháng thì đạt gần 160 triệu lượt xem với số “like” (thích) gấp 5 lần “dislike” (không thích). Đây là con số mà không một tác phẩm chính thống nào, không một nghệ sĩ chuyên nghiệp nào dám mơ tới.

Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu thì có không ít sản phẩm dị thường về hình thức, vay mượn về ý tưởng, nhàn nhạt về tính cách âm nhạc, lẫn lộn về khái niệm bản sắc dân tộc… mà vẫn có hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội, vẫn làm giới trẻ thích thú nhờ hình ảnh bắt mắt, đánh trúng thị hiếu, hợp sở thích và cách lý giải đời, cách hiểu đời của giới trẻ. Nhưng ngăn cấm trong xu thế hội nhập toàn cầu chỉ là biện pháp phản tác dụng, càng cấm lại càng nhiều người tò mò xem. Thay vào đó, đã đến lúc các tác phẩm có chất lượng, có sức sống đi cùng năm tháng phải được đầu tư quay kỹ thuật đẹp, có kịch bản văn học hẳn hoi… thì tự khắc sẽ đi vào lòng công chúng. 

“Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu dựa trên Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi 15/2016/NĐ-CP để xây dựng Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn. Nghị định mới sẽ được xây dựng trên tinh thần tạo điều kiện cho công chúng thưởng thức tiếp cận được với nhiều sáng tạo nghệ thuật cũng như thuận lợi về hành lang pháp lý đối với doanh nghiệp thực hiện trong lĩnh vực hoạt động này, đồng thời giúp công tác quản lý chặt chẽ, hạn chế những thủ tục hành chính rườm rà”.

Ông Vương Duy Biên (Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) 

“Cái khó trong việc quản lý các tác phẩm âm nhạc có nội dung thiếu tích cực, thậm chí gây phản cảm là ở chỗ chúng đa phần được lưu hành và phổ biến rộng rãi trên mạng Internet. Trong khi đó, việc xét duyệt các bài hát mới lưu hành dưới dạng bản ghi cũng khá đơn giản: Chỉ cần gửi một bản nhạc đến, Hội đồng duyệt của Sở xem xét thấy nội dung không vi phạm gì về pháp luật thì cấp phép biểu diễn. Tuy nhiên chính sự dễ dàng này cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của các sáng tác”.

Ông Nguyễn Văn Trực (Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội)