Nhớ...

(ANTĐ) - Người đời có cả ngàn nỗi nhớ, cả ngàn kiểu nhớ.

Nhớ...

(ANTĐ) - Người đời có cả ngàn nỗi nhớ, cả ngàn kiểu nhớ.

Đêm nhạc Thanh Tùng ở Hà Nội các đêm mồng hai, mồng ba, mồng bốn tháng năm, là “lòng yêu mến” hay là nỗi nhớ? “Lòng yêu mến” là có thể. Nhưng “lòng yêu mến” đến độ của những nỗi nhớ mới là lý do, là hồn vía của đêm nhạc Thanh Tùng.

Trước hết ta phải hỏi: Ai nhớ ai đây? Người hâm mộ Hà Nội nhớ người nghệ sĩ? Hay là người nghệ sĩ nhớ người Hà Nội? Xin thưa ngay rằng: Không có cả hai thì không có đêm nhạc Thanh Tùng!

Thời nay, đang có quá nhiều đêm nhạc, có quá nhiều đêm vẽ chân dung các nghệ sỹ. Thế mà, đêm của những nỗi nhớ thì có bao nhiêu?

Người nghệ sĩ sinh ra ở phương Nam, anh được nuôi dưỡng và học hành trên đất Bắc. Trưởng thành và ôm trọn vào trái tim mình là Hà Nội và người Hà Nội. Tình yêu Hà Nội đã là một phẩm chất. Với anh thủy chung với người Hà Nội đến độ khổ hạnh thật là hiếm có trong không nhiều các nghệ sĩ dù nhỏ hay lớn? Đêm “Một mình” như là một sự tình cờ mà các bạn của anh gắn cho anh như gắn một tấm huân chương gầy guộc trên ngực anh chăng?

Trở lại với nỗi nhớ căn duyên của đêm nhạc Thanh Tùng. Dám chắc rằng cũng vì căn duyên mà người nghệ sĩ xa Hà Nội... Trở về nơi chôn rau cắt rốn hay là để mưu sinh? Hay là đi tìm những không gian cảm hứng mới cho những đứa con tinh thần mà anh luôn là một trong những người đi gõ cửa? Tình yêu và sự khổ hạnh đã bừng lên thành nỗi nhớ. Nỗi nhớ làng cổ Nghi Tàm, nỗi nhớ bông cúc vàng mà anh gấp gáp trở về Hà Nội.

Sự đỏng đảnh của số phận, sự đỏng đảnh của tính người mách bảo Thanh Tùng: Nếu không vắt kiệt tình yêu, không thử thách tình yêu cho đến tận cùng của số phận thì anh không có tư cách trở về Hà Nội? Hai ca khúc vừa mới viết tại Hà Nội (“Chuyện cổ Nghi Tàm”, “Hoa cúc vàng”) như là minh chứng cho gan ruột về nỗi nhớ và kiểu nhớ Hà Nội của anh.

Có lẽ cũng vì nỗi nhớ của người nghệ sỹ ruột gan Hà Nội, nên người Hà nội từng biết anh, từng nhớ anh mà có ba đêm “Một mình” ở Hà Nội chăng.

Minh Quang