Nhớ về một thời khó khăn, nghèo đói nhưng cũng đầy yêu thương

ANTD.VN - Trung tâm Văn hóa Pháp- L’Espace và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam vừa tổ chức tọa đàm “Thương nhớ thời bao cấp” với sự tham gia của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, GS Nguyễn Minh Thuyết và họa sĩ Nguyễn Thành Phong. Ở nơi ấy, một lần nữa mọi người được quay ngược thời gian để cùng nhớ, cùng sống và cùng rưng rưng nhớ về một thời chưa quá xa, một thời khó khăn, nghèo đói nhưng tràn đầy lạc quan.

Nhớ về một thời khó khăn, nghèo đói nhưng cũng đầy yêu thương ảnh 1Những danh ngôn "bất hủ" thời bao cấp

Những đặc trưng không thể trộn lẫn

Là một hoạt động nằm trong chuỗi quảng bá ra mắt cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp” nhưng cả triển lãm lẫn tọa đàm cùng tên được tổ chức tại Hà Nội những ngày qua đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Thủ đô. Đến nơi này có rất nhiều mái đầu bạc, bên những mái đầu rất xanh, họ đứng sát cạnh nhau mỗi người một tâm trạng bùi ngùi, thương nhớ, tò mò, lạ lẫm song điều đó là minh chứng không thể phủ nhận sức hút đặc biệt của một thời với tem phiếu, với xe lơ, với những hàng gạch dài xếp ngay ngắn trước quầy mậu dịch… 

Gần 30 bức tranh minh họa sinh động và hóm hỉnh của hai họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa, được trích ra từ cuốn sách cùng tên “Thương nhớ thời bao cấp” không chỉ giới thiệu đến với độc giả những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, cho tới những biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao… từng quen thuộc trong thời bao cấp mà còn khắc họa nên một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống, với những đặc trưng không thể trộn lẫn. 

Như nhà văn Nguyễn Bình Phương (Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) chia sẻ: “Cuốn sách một lần nữa cho tôi sống lại, đến mức nôn nao, cái thời bao cấp lạ lùng ấy. Tôi nói lạ lùng bởi đến giờ phút này, thật khó phân định hay phán quyết rằng nó dở tệ, nó tai hại, hay nó cho tôi được một quãng êm đềm, thanh thản. Cái gì qua thì đã qua, và thời gian luôn làm cho người ta bao dung hơn. Tôi nghĩ, dù sao thì những tình thế như thời bao cấp đã làm phát lộ phẩm chất hóm hỉnh, láu cá của dân ta. Thời bao cấp, trong ký ức riêng tôi, đại đa số mọi người còn sạch về phẩm giá. Thương nhớ nó để thấy rằng, về căn bản, mọi sự bây giờ đã khác, rất khác.”

Như mới ngày hôm qua

Một giai đoạn lịch sử với mọi ngóc ngách cuộc sống được hiện lên sinh động. Ở đó là: “Ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước”, “Bố lái xe lu, mẹ duy tu, để thằng cu đứng đường”, “Một yêu anh có may ô, hai yêu anh có cá khô ăn dần”, “Ai lên vũ trụ thì lên, còn tôi ở lại ghi tên mua mì”; những dí dỏm, hài hước trong suy nghĩ: “Cá không ăn muối cá ươn, chồng cãi lại vợ ra đường bơm xe”, và cả những bất cập: “Bộ xuống thì bộ rất thương, về đến nửa đường thì bộ đã quên”, “Bộ xuống thì sở mổ trâu, Sở lên, Bộ hỏi: đi đâu đấy mày?”, “Chân ngoài dài hơn chân trong”...

Những câu chuyện về đặt gạch xếp hàng, về mớ rau muống được phân phối, rồi tem phiếu, 100 gram thịt/ một đứa trẻ 6 tuổi/tháng;  rồi chuyện về nhờ có bà Loan “phe” thịt mà có thêm ít đạm để nuôi con, chút đường để chăm mẹ già… qua ký ức của bà Phạm Chi Lan đã khiến cuộc sống thời bao cấp đang hiển hiện như ngày hôm qua.  Nói như GS Nguyễn Minh Thuyết: “Thời bao cấp tuy đã lùi xa từ hơn 30 năm trước, nhưng nhiều hiện tượng mà các sáng tác dân gian trong tập sách này ghi lại vẫn còn nguyên giá trị với cuộc sống hiện tại. Ở đó, nhiều câu nói, hình ảnh nhắc lại một ký ức, một quãng đời, một thời kỳ lịch sử, và cũng để những người đã sống qua thời đó như tôi được hoài niệm, nhớ lại một thời mình đã sống như thế…”.

Triển lãm không chỉ là kể lại, là mô tả, là thương nhớ, qua cách thể hiện hài hước, qua góc nhìn của tác giả trẻ của thế hệ @, thời bao cấp không chỉ là những nỗi lo lắng nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật mà vượt lên hết thảy là một tinh thần lạc quan, hài hước, với cái nhìn quan sát sâu sắc, điềm tĩnh đến kinh ngạc. Ở đó, thời bao cấp như ùa về, chân thực nhưng dung dị mà yêu thương hơn.