Nhờ những cơn nóng giận mà viết được... thơ hay?!

ANTD.VN - Không phải khi nào thơ cũng ra đời trong một hoàn cảnh dạt dào cảm xúc lãng mạn, mà có những lúc, vì... tức khí mà người ta cầm bút viết nên những câu thơ. Có hai nhà thơ nữ mang tên loài hoa đẹp nhất của mùa xuân - hoa mai, đã từng phải sáng tác trong tình huống khá đặc biệt.

Nhờ những cơn nóng giận mà viết được... thơ hay?! ảnh 1Nhà thơ Nguyễn Thị Mai

Thơ viết trong lúc... lạc mất chồng

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai được biết đến qua các bài thơ nổi tiếng như “Nhà không có bố”,  “Nói với con chồng”... viết về những thân phận, hoàn cảnh đặc biệt của những người làm mẹ đơn thân hoặc mẹ kế với sự thấu hiểu, cảm thông rất chân thành đã lay động được trái tim nhiều bạn đọc. Ngay từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, nhà thơ đã trải qua nhiều nỗi vất vả, gian truân cả trong cuộc sống mưu sinh lẫn chuyện học hành. Thế nhưng, bằng nghị lực của một người ham học, biết vượt lên gian khó, chị đạt tới những thành công trong sự nghiệp và văn nghiệp. Nhìn vào người phụ nữ luôn tháo vát, chu đáo và tươi cười ấy, ít người biết được phía sau cũng có những giọt nước mắt âm thầm chảy vì... giận chồng.

Chồng chị không hề biết đi xe máy nên đi đâu cũng phải có người chở. Có lần anh đi uống rượu với bạn, bạn say quá bảo anh cầm lái để đi về, lúc đó anh mới ấp úng thú nhận là mình không biết đi xe máy và gọi điện cho vợ. Gần nửa đêm nhà thơ phải phóng xe đến quán nhậu đưa chồng về, đồng thời phải đi gửi xe máy và gọi taxi chở bạn chồng về tận nhà. Từ đó, trước khi chồng đi chơi với bạn, chị đều phải dặn là anh ấy không biết đi xe máy, anh em có ăn chơi gì thì cũng đừng quá đà để còn tự đưa nhau về được. 

Gần tết, chị chở chồng đi chợ hoa mua cành đào, lúc quay về đến một ngã tư đông đúc lại đang dừng đèn đỏ nên xe cộ dồn ứ lại. Ngồi lâu trên xe cũng mỏi lưng, lại thêm cành đào vướng víu, chồng chị bảo: “Thôi để anh xuống đi bộ lên phía trước, lát nữa em đi lên đoạn trên đón anh”. Nói xong anh nhảy phắt xuống xe, xăm xăm vác cành hoa len lỏi qua đám xe cộ đi thẳng. Nhà thơ thoát khỏi ngã tư ken đặc người và xe, đi thêm một đoạn, vừa đi vừa để ý nhìn xem chồng ở đâu, nhưng càng nhìn càng thấy mất tăm. Đi hết phố đó không gặp, nhà thơ vòng lại cái ngã tư kia lần nữa tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy bóng dáng ông chồng bèn tức quá phóng thẳng một mạch về nhà thì thấy cành hoa đã được cắm vào lọ. Cơn bực bội lên đến đỉnh điểm, nhà thơ không nói được lời nào, bỏ vào phòng lôi giấy bút ra viết một mạch: ...Dặn rồi! 

Thành thị đông chen

Ngã năm ngã bảy rối ren nẻo đường

Dặn rồi!

Xuân lắm sắc hương

 Thoáng theo tà áo... là vương mất người

 Dặn rồi! Sểnh mấy phút thôi

 Mà anh biến hút chân trời bóng chim...

 Em về

 Buồn giữa lặng im

 Mặc gương chiếu hậu dõi tìm bóng anh”

(Lạc anh).

Nhờ những cơn nóng giận mà viết được... thơ hay?! ảnh 2Nhà thơ Đỗ Bạch Mai (bên trái)

 “Năm bông hồng trắng” với một lời thách thức

Cặp vợ chồng lãng mạn nhất làng văn Việt Nam chính là hai nhà thơ Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai. Thuở còn chưa cưới, nhà thơ Bế Kiến Quốc đã từng viết tặng người yêu 116 bài thơ tình trong vòng 10 tháng, có ngày ông viết liền 6 bài. Tất cả các bài thơ được nắn nót chép lại trong một cuốn sổ, bìa trình bày bằng tay khá đẹp. Sau này hai người kết hôn, tập thơ được giữ gìn như một kỷ niệm riêng chứ không in ở bất cứ cuốn sách nào. Đến khi nhà thơ Bế Kiến Quốc qua đời, nhiều năm sau nhà thơ Đỗ Bạch Mai mới quyết định mang di cảo ra in thành sách vì bà thấy không nên giữ những bài thơ tình đó cho riêng mình. 

Khi mới lấy nhau, Bế Kiến Quốc đã là nhà thơ rất nổi tiếng, còn Đỗ Bạch Mai mới chỉ là một biên tập viên “mờ nhạt” và chưa làm thơ nhiều. Trong đợt đi thực tế sáng tác ở Đồng Tháp, Bế Kiến Quốc đã “ngã lòng” trước một nhà thơ nữ trẻ, khi ông về Hà Nội, hai người vẫn tiếp tục thư từ chia sẻ với nhau những bài thơ nồng nàn tình cảm. Bí mật này bị Đỗ Bạch Mai tình cờ phát hiện được khi dọn tủ sách của chồng, bà rất buồn và lặng lẽ đặt ra quyết tâm... trở thành nhà thơ. 

Một hôm Đỗ Bạch Mai đi chợ mua 5 bông hồng trắng về cắm trong cái lọ nhỏ, nhà thơ Bế Kiến Quốc thấy vợ lúi húi cắm hoa, trước một hình ảnh đầy chất thơ, ông bảo vợ: “Em thử làm thơ về 5 bông hồng trắng đi.” Nghe như một lời động viên, nhưng cũng như một sự thách thức, Đỗ Bạch Mai suy nghĩ: để bài thơ sâu sắc thì mỗi bông hoa nên là một câu chuyện. Và bà bắt đầu bằng mấy câu giản dị: “Nói chuyện nho nhỏ/ Bên bông hồng đỏ/ Bên bông hồng xanh/ Trò chuyện với anh/ Năm bông hồng trắng...”. Bài thơ được viết liền một mạch đến câu kết: 

Còn một bông cuối

 Anh không dám nói

 Còn bông cuối cùng

 Em không dám hỏi

 Còn một bông cuối

 Dịu dàng tỏa hương... 

Viết xong, bà vẫn không đủ tự tin đó là một bài thơ nên hỏi chồng: “Anh thấy có phải một bài thơ không?” Nhà thơ Bế Kiến Quốc đọc xong, thốt lên: “Thơ đây chứ còn gì nữa”. 

Bài thơ “Năm bông hồng trắng” về sau được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc và được nhiều người yêu thích, những giai điệu đẹp kết hợp với ca từ trong sáng đó đã trở thành bản tình ca của bao đôi lứa suốt mấy chục năm qua.