Nhiếp ảnh gia Dzũng Art: "Tình yêu của tôi rất giản dị, chẳng cần cảm hứng"

ANTD.VN - Từ khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Dzũng Art (Nguyễn Quốc Dũng) loanh quanh vẽ đàn bà, đến lúc chụp ảnh để lấy tư liệu vẽ thì cũng toàn chụp phụ nữ với áo yếm, áo dài. Ấy vậy mà thành sự nghiệp gần 30 năm nay.

Mới đây, Dzũng Art vừa cho ra mắt cuốn sách ảnh “Mùa nắng phai” gồm 130 bức ảnh, là những tác phẩm đẹp nhất anh chụp phụ nữ Việt Nam. Sách chia làm 3 chương: Ảnh màu, ảnh đen trắng và ảnh xử lý photoshop. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với anh về con đường đi từ đam mê đến làm ảnh của anh.

- PV: Vì sao anh lại đặt tên cuốn sách ảnh đầu tay là “Mùa nắng phai”?

- “Mùa nắng phai” nói về một mùa nắng cũ, đã qua rồi, đang dần phai nhạt trong tâm tưởng của mọi người. Trong “Mùa nắng phai” tôi chụp những cô gái cũ - những hình ảnh không phải hiện đại bây giờ, không quá cổ điển nhưng đó là những vẻ đẹp xưa, trong không gian yên bình. Đó là mùa của thời gian đã qua, không nhiều tương phản mà thiên về bảng màu đơn sắc.

Anh có thể chia sẻ quan niệm của mình về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam?

- Phụ nữ đẹp, phụ nữ xinh thì ai cũng thích nhưng cái xinh đẹp ấy không bền. Nó không giữ được tình cảm của người đàn ông bằng cái cốt cách bên trong. Quan niệm về vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam, tôi cho rằng đó là vẻ đẹp ẩn chứ không phải vẻ đẹp lộ ra bên ngoài. Một tà áo dài trắng mong manh đơn giản, vì sao nó đẹp? Bởi một phần bên trong tà áo dài đó là tâm hồn người phụ nữ Việt Nam, đó là cái quan trọng nhất. Phụ nữ Việt Nam đẹp ở những cái tinh thần, diện mạo. Phụ nữ bây giờ không phải là không đẹp, nhưng cái cảm của tôi là cảm người đàn bà xưa cũ.

Nhiếp ảnh gia Dzũng Art: "Tình yêu của tôi rất giản dị, chẳng cần cảm hứng" ảnh 2Bức ảnh thứ 2 trong cuốn “Mùa nắng phai” chụp tại đầm Vân Long

Anh có bày tỏ trong lời giới thiệu sách, rằng chụp yếm, áo dài là một đề tài khó, vì sao?

Tôi theo đuổi hình ảnh áo yếm, áo dài giống như một cái “gu”, một cách làm việc, một đề tài xuyên suốt như bất cứ người làm văn nghệ nào.

Chụp áo dài chắc chắn là khó. Với người bình thường, khi chụp áo dài đứng như gỗ, tay chân buông ra chẳng biết làm gì cả. Nhịp chuyển động của người mẫu áo dài không đơn giản. Nhiếp ảnh gia rất khó sắp xếp dáng. Nhưng khi đã chụp quen, vào việc là tôi biết mình phải sắp đặt ra sao.

Cách thể hiện áo dài của tôi chưa hẳn ai cũng thích, đôi khi những cô thiếu nữ  trong ảnh của tôi rất giản dị, họ đi chân đất, họ ngồi vén quần vén áo lên, cái áo dài trong mắt và trong quan niệm của tôi không phải là cái thứ để diện như người ta vẫn mặc bây giờ.

Cách đây khoảng 50 năm, các bà, các mẹ đi chợ mặc áo dài, nó là trang phục hàng ngày. Bây giờ mọi người chỉ mặc áo dài dịp lễ, Tết. Áo dài với tôi rất dung dị đời thường. Áo yếm cũng vậy, những năm tháng tôi đi sơ tán trong thời kháng chiến chống Mỹ, tôi đã nhìn thấy áo yếm ở nhà quê, rồi hình ảnh đẹp ấy hằn sâu trong mình lúc nào không biết.

“Mùa nắng phai” không chỉ là ảnh áo yếm, áo dài mà còn thể hiện những nét văn hóa Việt. Chắc hẳn anh cũng phải khảo sát địa điểm chụp rất nhiều trước khi ra được một tác phẩm để lại dấu ấn?

Rất dễ bắt gặp trong ảnh của tôi bức tường than làng cổ Bát Tràng, bó sen mùa hạ, nhà Bắc bộ 3 gian 2 chái, cầu ao đá, giếng chùa, cổng làng, ao bèo. Những cô gái lặng lẽ thả hoa đăng trên sông Hương, khua mái chèo trên sông Hoài… chắt lọc những cái hay, đẹp của văn hóa Việt, khảo sát những địa điểm chụp tất nhiên là mất công. Tôi đi khắp các tỉnh miền Bắc, có khi là tôi đi chơi thấy cảnh đẹp quá, sau quay lại chụp bằng được.

Nhiếp ảnh gia Dzũng Art: "Tình yêu của tôi rất giản dị, chẳng cần cảm hứng" ảnh 3Ảnh của Dzũng Art mang những nét đặc trưng của văn hóa Việt

Đối với anh, gia đình có phải điểm tựa khi sáng tác?

Nói gia đình là điểm tựa cũng đúng thôi, khi mình đói mình sẽ được ăn cơm, quần áo rách thì tôi sẽ bảo vợ đi mua mới cho. Còn về công việc, tôi lại tương đối độc lập. Khi làm việc, nếu công việc của tôi khiến tôi nghĩ đến các thành viên gia đình: bà xã và con gái, tôi sẽ nhờ giúp. Chứ không thì tuyệt đối không ai được chen vào công việc tôi làm. Thế thì mới làm được việc.

Làm nhiếp ảnh gia có phải lúc nào công việc cũng vui và hứng khởi, có bao giờ anh bế tắc?

Tất nhiên khi bế tắc tôi sẽ chẳng làm nữa. Hoặc có những lúc hứng khởi vui vẻ nhưng tôi lại chẳng thích chụp ảnh, thích đi chơi. Nói chung cái này khó nói, lông bông lắm. Tôi chưa bao giờ dùng bia rượu, thuốc lá để tăng nguồn cảm hứng. Tôi cho rằng đó là ngụy biện hoàn toàn. Sáng tác ra một bức ảnh đẹp nhất cần tình yêu với công việc mình đang làm. Tôi chụp đàn bà, tình yêu của tôi, cái cảm của tôi là người đàn bà cũ. Và cảm hứng chẳng phải là nguồn, nó giống như cái mình thích sẵn rồi bám theo tôi bao nhiêu năm nay, khi nào mình chụp chán mình bỏ máy mình đi chơi, chơi một vài tháng sau mình quay về chụp lại thấy đẹp.

Nhiếp ảnh ngày một phát triển, anh mong muốn mọi người nhìn nhận nghề nhiếp ảnh như thế nào?

Nói về những người nghiệp dư cầm máy chụp ảnh, cái đấy hay, cái đấy tốt. Thế nhưng gu thẩm mỹ thì anh em nhiếp ảnh cứ a dua nhau, thành ra nó không có những cái riêng. Cứ thấy ai chụp một đề tài và có giải thưởng là đua theo nhau chụp. Ví như đề tài: ông già Tây Nguyên, đồi cát, ruộng bậc thang... tất cả mọi cái trở thành nhàm mắt. Tôi nghĩ rồi họ cũng sẽ phải định hình một cái phong cách riêng, nếu chọn theo con đường nhiếp ảnh này. Chứ nếu nghiệp dư chụp linh tinh, tôi không nói đó là nhiếp ảnh Việt Nam được, đó là chụp vui chơi.

Anh sẽ theo đuổi nhiếp ảnh đến hết cuộc đời mình chứ?

Không chắc đâu. Ai mà biết được nếu ngày mai tôi bỏ máy... (cười).