Nhận diện giá trị Hoàng thành Thăng Long

(ANTĐ) - Trong 2 ngày 24 và 25-11, tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế “Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long”.

Nhận diện giá trị Hoàng thành Thăng Long

(ANTĐ) - Trong 2 ngày 24 và 25-11, tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế “Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long”.

Vai trò, vị trí của Kinh đô Thăng Long trong lịch sử được nghiên cứu, so sánh với các kinh thành trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... từ đó đề ra những ý tưởng cho việc nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, bảo tàng, giới thiệu trưng bày và phát huy giá trị lâu dài của di tích khảo cổ học trong bối cảnh đô thị đương đại.

Theo ông Đỗ Hoài Nam (Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) sau 5 năm phát lộ, nghiên cứu, giá trị của di tích đã được nhận thức rõ ràng hơn. Các chuyên gia tư vấn quốc tế đánh giá rất cao về khả năng trở thành Di sản văn hóa thế giới của khu di tích.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức đang được đặt ra, bởi việc nghiên cứu, bảo tồn các di tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất là vấn đề khó khăn, phức tạp và mang tính quốc tế, chứ không chỉ với riêng Việt Nam.

Trong 5 năm qua, có khoảng 5.000 hiện vật đã được nghiên cứu giám định, hoàn thành việc đo vẽ kỹ thuật và hoàn chỉnh hồ sơ. 6.000 hiện vật đã được làm hồ sơ ảnh, 26.247 di vật được dập hoa văn cùng hơn 4.000 hiện vật mẫu đã được lập hồ sơ khoa học.

Dự kiến, phải đến năm 2013 công việc nghiên cứu mới hoàn tất. Sự hiển hiện của khu di chỉ là bằng chứng để mọi người Việt Nam cùng bạn bè quốc tế nhận thức rõ ràng hơn về dấu ấn Kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến giữa lòng Hà Nội hiện đại.

Vân Quế