Nhạc Việt lắm "ông hoàng", "bà chúa"

ANTĐ - Tấm poster quảng bá cho liveshow riêng của Trọng Tấn với dòng ghi chú “ông hoàng nhạc đỏ” khiến làng nhạc Việt lại được phen dậy sóng. Chuyện danh xưng “ông hoàng”, “bà chúa” một lần nữa bị đem ra “mổ xẻ” vì… chướng tai gai mắt!

Nhạc Việt lắm "ông hoàng", "bà chúa"  ảnh 1Tấm poster in dòng chữ “ông hoàng nhạc đỏ”
khiến Trọng Tấn lao đao vì rơi vào “tâm bão”

“Ông hoàng”... giả mạo!

Thật ra đây không phải danh xưng lạ lẫm với Trọng Tấn mà từ trước tới nay, anh vẫn được giới truyền thông gán với biệt danh “ông hoàng” của dòng nhạc đỏ. Trong không ít bài viết về anh, danh từ này vẫn được nhắc đến mà không thấy ai lên tiếng thắc mắc. Chỉ có điều, vì danh xưng này xuất hiện trên tấm poster quảng bá liveshow riêng của Trọng Tấn giống như một sự vỗ ngực tự xưng và tự mãn, vượt mặt các nghệ sĩ bậc tiền bối nên mới thành ra nhạy cảm. Sự việc càng ồn ào hơn khi chính ca sĩ Anh Thơ - người bạn diễn thân thiết của Trọng Tấn cũng lên tiếng cho rằng nếu quả thực anh tự xưng là “ông hoàng” thì cần phải rút kinh nghiệm bởi không một nghệ sĩ nào dám tự xưng như thế cả. 

Trước ồn ào này, Trọng Tấn đã lên tiếng giải thích rằng tấm poster có in chữ “ông hoàng nhạc đỏ” là giả mạo. Nam ca sĩ cam kết không hề cho phép in ấn poster với nội dung này cũng như không biết có sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, Trọng Tấn cũng như đơn vị thực hiện liveshow không nhắc đến việc sẽ truy ra nguồn gốc tấm poster giả mạo cũng như những người đã cho in ấn và treo chúng.

Riêng về danh xưng “ông hoàng nhạc đỏ”, theo Trọng Tấn, từ trước đến nay trong làng nhạc Việt chỉ tồn tại 2 danh hiệu chính thống là NSƯT và NSND được Nhà nước phong tặng như một sự ghi nhận và tôn vinh những cống hiến của người nghệ sĩ, còn các danh xưng khác đều do truyền thông và công chúng vì mến mộ mà dành cho nghệ sĩ dựa vào cảm tính cá nhân. Nam ca sĩ cũng từ chối bình luận về danh xưng “ông hoàng nhạc đỏ” mà mọi người ưu ái dành cho mình. 

Nhạc Việt lắm "ông hoàng", "bà chúa"  ảnh 2Hồ Ngọc Hà được gán với danh xưng “nữ hoàng giải trí”
trong khi Đàm Vĩnh Hưng được gọi là “ông hoàng nhạc Việt”

Giàu sang đồng nghĩa với hát hay? 

Sự việc xảy ra với Trọng Tấn giống như giọt nước tràn ly về chuyện loạn “ông hoàng” với “bà chúa” trong làng nhạc Việt. Một trong những người đầu tiên được gắn với danh xưng mỹ miều này  chính là nam ca sĩ Ngọc Sơn. Thời mới đi hát, nam ca sĩ được nhiều người ưu ái đặt cho biệt danh “hoàng tử nhạc sến”, rồi sau nhiều năm thì thăng lên cấp độ cao hơn là “ông hoàng nhạc sến”.

Thật ra nghĩa của danh từ “ông hoàng” ý chỉ những người giàu sang, sung sướng chứ không liên quan gì đến việc hát hay. Với ý này thì có lẽ Ngọc Sơn được gọi là “ông hoàng” còn vì cuộc sống giàu sang hiếm người có được trong suốt những năm đầu thập niên 1990 thời mới nổi danh, kiểu như ở nhà biệt thự trị giá “triệu đô”, thuê vệ sĩ bảo vệ ôtô, dát cả vàng lên trên tường… Đấy là chưa kể những việc làm chịu chơi không giống ai như phát tiền, phát gạo cho người nghèo tại nhà trong mỗi dịp sinh nhật suốt nhiều năm qua. Việc anh được mọi người gán với biệt danh “ông hoàng nhạc sến” có lẽ cũng bởi cả lý do này.

Sau này, các danh xưng kiểu như  “ông hoàng” với “nữ hoàng” được lạm dụng trở nên đại trà. Không ít người nổi tiếng, chủ yếu là các “ngôi sao”  trong showbiz Việt được gọi với danh từ mỹ miều này. Kiểu như Đàm Vĩnh Hưng được gọi là “ông hoàng nhạc Việt”, Lệ Quyên là “nữ hoàng phòng trà”, Hồ Ngọc Hà là “nữ hoàng giải trí”…. Thậm chí, một cô người mẫu nhiều tai tiếng như Ngọc Trinh còn được mặc định với danh xưng “nữ hoàng nội y”. Cũng bởi không phải là một danh hiệu có tính pháp lý hay giá trị về mặt nghệ thuật, cũng chẳng nghệ sĩ nào bị “đánh thuế” khi được gọi như vậy nên đương nhiên không ai dại gì mà từ chối. Chỉ có điều, làng nhạc Việt bé tí teo mà quanh đi quẩn lại toàn thấy “ông hoàng” với “bà chúa”, nghe nhiều cũng thấy chướng tai.

Hầu hết danh xưng “ông hoàng” hay “nữ hoàng” vốn là món quà mà truyền thông và công chúng dành tặng cho nghệ sĩ chứ không mấy ai vỗ ngực tự xưng. Nhưng món quà này không phải lúc nào cũng làm người trong cuộc thấy thoải mái, thậm chí lắm khi còn đẩy họ vào tình thế khóc dở mếu dở. Lỗi của cái sự loạn danh xưng này âu cũng từ đấy mà ra và đã đến lúc trả lại tên cho các “ông hoàng”, “bà chúa” không ngai.