Nhạc sỹ Phạm Tuyên: "Bài hát nào cũng có dáng dấp nhà tôi trong đó"

ANTD.VN - Đã có  lần con gái nhạc sỹ Phạm Tuyên tiết lộ, mỗi khi ông có một sáng tác mới thì người đầu tiên  thẩm định là vợ ông - PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết. Mặc dù bà đã mất được 7 năm, nhưng trong tâm trí nhạc sỹ Phạm Tuyên, bài nào ông sáng tác cũng đều là dành tặng cho người bạn đời của mình.  

Nhạc sỹ Phạm Tuyên và người người bạn đời PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết

“Đồng ca” của các trường mẫu giáo 

Ai cũng biết nhạc sỹ Phạm Tuyên là “ông hoàng” của những bài hát thiếu nhi. Những sáng tác của ông  từ “Cánh én tuổi thơ”, “Chiếc đèn ông sao”, “Cô và mẹ” cho đến “Chú voi con ở Bản Đôn”, “Tiếng chuông và ngọn cờ”… từng câu chữ đã được bao thế hệ nối tiếp nhau say sưa hát và thuộc nằm lòng. Những người từng hát những ca khúc này, xưa kia chỉ mới là những cô bé, cậu bé hồn nhiên, ngây thơ, nay đã trưởng thành, lập gia đình, thậm chí lên chức ông bà, bố mẹ.

“Có một lần một nữ nhà báo dẫn theo một cô con gái nhỏ đến nhà tôi phỏng vấn. Khi đến, tôi hỏi cháu bé có muốn hát bài gì không, cháu bé hát bài “Chiếc đèn ông sao”. Xong cháu chỉ vào mẹ: “Mẹ cháu cũng hát bài này đấy”. Chị ấy cũng nói luôn: “Bà mình cũng hát bài này đấy”. Chỉ như thế thôi mà tôi thấy rất vui, vì bài hát của tôi đã được nhiều thế hệ cùng hát” - nhạc sỹ Phạm Tuyên chia sẻ.

Nếu hỏi nhạc sỹ Phạm Tuyên ca khúc nào được ông sáng tác dành riêng cho người vợ thân yêu của mình, cố PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, ông trìu mến: “Tôi dành tặng 700 bài cho nhà tôi, bởi bài nào cũng có dáng dấp của nhà tôi trong đó”. Chắc cũng bởi tình yêu và sự trân trọng với người bạn đời, nên mỗi khi ông có sáng tác nào mới, bà cũng là người được thẩm định đầu tiên. 

Nhạc sỹ Phạm Tuyên nói, ông vốn công tác tại trường Thiếu sinh quân Việt Nam, nên khi sáng tác, ông viết với cảm nhận của anh bộ đội viết cho thiếu nhi. Tuy nhiên, trẻ con thì trải qua rất nhiều giai đoạn, mỗi tuổi mỗi khác nên không thể hát giống nhau được. Bởi vậy, mỗi bài hát dù là dành cho tuổi nhỏ hay tuổi lớn, ông đều đưa vợ “duyệt” trước.

“Khi con gái út của tôi đi học mẫu giáo, cô giáo của nó biết tôi là một nhạc sỹ nên dặn nó về bảo với tôi sáng tác cho trường một bài. Lúc đấy, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sáng tác cho trẻ mẫu giáo. Tôi nói với con gái: “Thế thì khó quá, bố không viết được đâu”. Nhưng nhà tôi động viên còn con gái tôi cũng gây áp lực: “Bố mà không viết thì con không đi học nữa”. Thế là bài hát “Trường cháu là trường mầm non” đã ra đời trong “sức ép” từ nhiều phía như vậy. Người biểu diễn đầu tiên bài hát này chính là cô con gái út Phạm Hồng Tuyến bây giờ đã ở vào tuổi… U50”, ông kể. 

Bài hát này đã trở thành… đồng ca của các trường mẫu giáo. Thậm chí, sau ngày Giải phóng, khi nhạc sỹ Phạm Tuyên vào Sài Gòn, ông phát hiện lời bài hát của ông được cải biên, đáng lẽ ra “Trường của cháu đây là trường mầm non” thì có trường đã hát thành “Trường của cháu đây là trường… Hoa Cúc phường 13”. 

Món quà lớn nhất là tình cảm của công chúng

Với kho tàng đồ sộ hơn 700 bài hát trong suốt 70 năm lao động nghệ thuật, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã được tổ chức không biết bao nhiêu đêm nhạc. Nhắc về những kỷ niệm đã qua trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sỹ Phạm Tuyên không quên những người bạn, người đồng nghiệp đã từng gắn bó với ông.

“Có một lần Đoàn Thanh niên làm chương trình về những bài hát của tôi. Khi ấy Phạm Tiến Duật xung phong làm làm MC. Tôi cũng hơi bất ngờ, nên hỏi lại Phạm Tiến Duật là “Cậu có biết những bài hát của tôi không?”. Phạm Tiến Duật nói là: Anh yên tâm! Khi vào đêm nhạc, anh không chỉ giới thiệu mà còn dẫn ra những câu chuyện xung quanh bài hát ấy mà giới trẻ không biết. Phạm Tiến Duật mất rồi, nhưng tôi vẫn luôn luôn nhớ kỷ niệm về anh” - nhạc sỹ Phạm Tuyên xúc động. 

Vào ngày 14-1 tới đây tại Hà Nội, lần đầu tiên 2 cô con gái của nhạc  sỹ Phạm Tuyên đứng ra tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 88 của cha mình. Chỉ là một sân khấu tối giản, thuần chất âm nhạc, chẳng có hiệu ứng hay kỹ xảo gì ghê gớm nhưng riêng với cá nhân nhạc sỹ Phạm Tuyên, đây đã một phần thưởng.

Ông cho biết, đã 3,4 năm nay không sáng tác được nhiều vì điều kiện sức khỏe: “Tôi quan niệm đây không phải là buổi biểu diễn nghệ thuật, mà là nơi trao đổi tình cảm giữa những người yêu mến những sản phẩm âm nhạc của tôi trong nhiều năm qua. Với  tôi, đây là món quà lớn nhất”.