Nhạc sĩ Thuận Yến: Sống mãi với Màu hoa đỏ

ANTĐ - Ở tuổi 83, nhạc sĩ Thuận Yến đã dứt bụi trần. Ông đột ngột ra đi sau một cơn bạo bệnh, giữa màu phượng đỏ rực đất trời Hà Nội. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, vị nhạc sĩ tài hoa ấy tỏ ra thanh thản, mãn nguyện vì những đóng góp cho cuộc đời.

Kỷ niệm thời trai trẻ

Có dịp đến thăm nhà nhạc sĩ Thuận Yến cách đây vài năm, khi ấy vị nhạc sĩ tài hoa dù vẫn khỏe nhưng đã không còn minh mẫn. Ông quên quên nhớ nhớ nhiều thứ, cũng lẫn lộn nhiều chuyện vì mắc phải chứng bệnh alzheimer. Người nghệ sĩ già lúc ấy vận bộ quân phục gắn huân huy chương, ngồi tựa ghế nhìn ra khoảng sân trước nhà, ánh mắt lúc mơ màng, khi ngơ ngác như cố vớt vát chút ký ức còn sót lại, duy chỉ có nụ cười hồn hậu thì vẫn vẹn nguyên như trong những bức ảnh chụp ông thời còn trai trẻ. Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, ông chậm rãi kể về những chuyện từ ngày xửa ngày xưa, về mối tình của mình với người bạn đời – NSƯT Thanh Hương như thể mọi thứ vừa diễn ra mới đây thôi. Ấy vậy nhưng khi đột nhiên bị “níu” về thực tại, ông lại hồn nhiên khẳng định mình chưa có cháu ngoại dù khi ấy con gái ông – NSƯT Thanh Lam đã là mẹ của 3 đứa con. Ông thậm chí cũng không nhớ nổi tên đứa cháu nội đích tôn, còn lấy tên cậu con trai Trí Minh để gọi. Trên gương mặt vô ưu ấy, dường như chỉ có những nếp nhăn là có tuổi, còn ông thì đã hóa… con trẻ tự bao giờ. 

NSƯT Thanh Hương, nhẩm đi tính lại, bà bảo suốt 7 năm yêu đương và hơn 40 năm chung sống với nhau, kỷ niệm về ông nhiều lắm bà nhớ không hết. Trong số ấy, nhớ nhất là dịp Tết Mậu Thân năm 1968 khi bà và chồng cùng trong đoàn văn công Quân Giải Phóng Thừa Thiên Huế. Giữa lúc tình hình chiến sự ngoài chiến trường đang diễn ra vô cùng ác liệt, vào đúng trưa mồng 3 Tết, bà bất ngờ nhận được một lá thư từ ông, bên trong ghi vẻn vẹn vài dòng: “Trưa mồng 3 Tết năm 1968. Em thân yêu, anh vẫn còn sống”. Bà bảo lá thư vẫn theo bà đến tận bây giờ và đi hết đời này bà cũng sẽ không bao giờ quên được giây phút ấy. 

Ở nhà, NSƯT Thanh Hương vẫn gọi nhạc sĩ Thuận Yến bằng cái tên thân mật: “anh Công”. Bà kể lúc cùng học với nhau ở Nhạc viện Hà Nội, nhạc sĩ Thuận Yến chỉ có một tên duy nhất là Đoàn Hữu Công. Đây cũng là tên thật, tên “cúng cơm” của vị nhạc sĩ tài hoa. Cho tới khi vào chiến trường năm 1965 và sáng tác bài hát đầu tiên “Hát mừng quê ta giải phóng”, ông mới lấy nghệ danh Thuận Yên (ghép từ tên quê mẹ ở Phú Thuận và quê cha ở Đông Yên). Song khi bài hát này được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, không hiểu sao tên tác giả lại được thêm vào dấu “sắc” thành ra “Thuận Yến”. Nhớ lại, NSƯT Thanh Hương bảo có lẽ vì có thêm dấu sắc đó mà ông có được những sáng tác âm nhạc để đời như ngày hôm nay vì “hót hay như con chim yến”. 

Có nhiều giai thoại về mối tình của vợ chồng vị nhạc sĩ đáng kính, trong đó có chuyện ngày trẻ bà đã định khước từ tình cảm của ông. Và đấy là chuyện thật. NSƯT Thanh Hương kể ngày mới chân ướt chân ráo vào trường Nhạc, nhạc sĩ Thuận Yến đã tìm cách làm quen với bà và cũng ngay từ khi ấy, bà đã có cảm giác không thể rời xa ông. Nhiều lần định lẩn tránh tình cảm của ông nhưng rồi học về lịch sử âm nhạc, thấy có nhiều nhạc sĩ thiên tài trên thế giới, từ Beethoven đến Mozart... đều nghèo khổ và không có tình yêu, bà lại muốn góp một phần vào con đường âm nhạc của ông với niềm tin rằng rồi sau này, ông sẽ rất giỏi. Mà quả thực ngày ấy, ông trong mắt của bà cũng đã là một cậu sinh viên chữ rất đẹp, học rất giỏi, thi môn gì cũng được điểm tối đa. Cũng chính ông là người chăm chút cho bà những nốt nhạc đầu tiên, trau dồi cho bà từng kiến thức nhỏ về âm nhạc, hướng dẫn bà cách học những môn khó. NSƯT Thanh Hương thổ lộ bà nhận lời yêu ông, cũng là mối tình đầu của mình, một phần vì mến mộ và kính trọng. 

Còn lại tình yêu

Lần gần đây nhất, có người bạn hỏi ông độ này còn sáng tác không, ông hồ hởi khoe: “Có chứ, hẳn một tổ khúc cơ, tên là “Hương rừng nhớ Bác”. Không hiểu ông có kịp hoàn thành tác phẩm này không, nhưng có điều chắc chắn rằng cả khi không thì ông vẫn là một người nhạc sĩ có nhiều sáng tác nhất về Bác Hồ. Ông từng tâm sự dù không có nhiều dịp gặp Bác Hồ nhưng Người luôn là nguồn cảm hứng vô tận của mình. Có lẽ vì vậy mà ông đã có hơn 20 ca khúc về Bác, thậm chí còn viết nhiều tổ khúc âm nhạc từ nguồn cảm hứng  bình dị và vô tận ấy, mà chủ yếu đều là viết từ những câu chuyện mà ông được nghe, được kể, được đọc về Người. Trong đó có ca khúc bất hủ “Bác Hồ, một tình yêu bao la” được ông sáng tác sau lần được gặp Bác năm 1966.

Lúc còn sống, nhạc sĩ Thuận Yến từng tâm sự rất nhiều ca khúc của ông lấy cảm hứng từ vợ và các con, kể cả cô con dâu người nước ngoài (vợ Trí Minh). Có lẽ cũng bởi gần gụi vậy mà nó dễ đi vào và ở lại lòng người. Người nhạc sĩ tận tậm với âm nhạc nhưng cũng hết mực yêu thương gia đình cũng thổ lộ người ông thương và lo nhất trong gia đình là cô con gái cả NSƯT Thanh Lam. Cả khi Thanh Lam đã nổi tiếng và đi qua thời tuổi trẻ nông nổi rồi, ông vẫn trăn trở từng điều nhỏ nhất về con, từ thói quen chi tiêu rộng rãi, đến tính tình bộc trực, bướng bỉnh.

Khi viết những dòng chữ này để hồi nhớ người nhạc sĩ tài ba và chân chính, gương mặt hồn nhiên, nụ cười vô ưu của ông cùng giai điệu của bài hát “Khát vọng” cứ phảng phất đâu đây, bỗng thấy cuộc đời thật bé nhỏ, và sự ra đi của ông cũng là điều tất yếu trong quy luật sinh tồn. Nhưng rồi trái tim hồn hậu, yêu đời và đầy khao khát yêu thương ấy sẽ còn sống mãi.

Lễ tang nhạc sĩ Thuận Yến được cử hành từ 10h đến 12h30 ngày 27-5, lễ truy điệu tổ chức lúc 12h30 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng nhạc sĩ Thuận Yến diễn ra lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh hằng.