Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Viết nhạc lẫn thơ từ đáy lòng đến "cuộc chơi" của riêng mình

ANTD.VN - Đội một chiếc mũ beret, châm lửa hút một điếu thuốc, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trông đầy hào hoa và giản dị. Lần gặp này ông đã thôi chẳng nói nhiều chuyện riêng cũ, thay vào đó ông say sưa với những câu hát, vần thơ vì sắp ra mắt đêm nhạc đầu tiên của mình mang tên “Khúc hát sông quê”. Qua trò chuyện, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã tiết lộ nhiều chi tiết bất ngờ và thú vị về đêm nhạc sẽ diễn ra vào tối 8-9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Viết nhạc lẫn thơ từ đáy lòng đến "cuộc chơi" của riêng mình ảnh 1

- PV: Thưa ông, vì sao “quá nửa đời” ông mới quyết định làm đêm nhạc đầu tiên và cho rằng đây cũng là đêm duy nhất? 

- Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Nhiều người hỏi tôi rằng: “Có tiếc không?” khi bây giờ mới làm một đêm nhạc cho mình, nếu nghĩ thì... tôi lại chẳng tiếc. Trước đây đâu phải tôi chọn cho mình âm nhạc, tôi phấn đấu tạo dựng cho mình bằng thơ. Thật thú vị khi nhiều người lại biết tới tôi qua âm nhạc. Thời trẻ, âm nhạc đến với tôi rất tự nhiên, như là ngẫu hứng thôi. Tôi cũng từng thích đi theo con đường âm nhạc, nhưng lại có quan niệm đã học thì học cho bài bản đến nơi đến chốn, muốn vậy thì phải sang nước ngoài du học nhưng tôi không có điều kiện. Sau đó, tôi vào trường Viết văn Nguyễn Du (nay là trường ĐH Văn hóa Hà Nội), xác định đi con đường thơ tới cùng. Sau này, âm nhạc hay thơ tôi đều viết bằng tay phải, viết từ đáy lòng rồi được bạn bè, khán giả yêu mến. Bạn bè “xui” tôi làm đêm nhạc, “xui” nhiều nên tôi nghe theo. 

- Nguyên cớ nào khiến ông quyết định đặt tên đêm nhạc là “Khúc hát sông quê”? 

- Tôi là người nhà quê, gọi là “quê một cục”. Quê tôi ở Diễn Châu, Nghệ An. Dân Nghệ An “chém to kho mặn” mà! Ở quê nhà gọi tôi là “dân làng du”. Tôi đi nhiều nơi, thích nghi với thành thị, nông thôn, hay tỉnh lẻ đều được. Nhưng dù có thế nào, có đi đâu, tôi luôn nhớ quê hương của mình. Kể vui vui, có người từng hỏi tôi là nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ. Tôi trả lời tôi là: “Nhà quê”. Tôi định đặt tên đêm nhạc là “Quê” một chữ thôi. Nhưng nhà tổ chức họ thích tên đêm nhạc sẽ là “Khúc hát sông quê”, bởi bài hát cùng tên đã được nhiều người biết đến. 

- Ông có khoảng 100 ca khúc, để chọn ra những ca khúc đặc sắc nhất được thể hiện trong đêm nhạc có quá khó không? 

- Tôi có hướng chọn từ trước, có 2 dòng âm nhạc được xuất hiện trong đêm nhạc là dân gian đương đại và nhạc nhẹ. Phần đầu sẽ là các ca khúc “Làng quan họ quê tôi”, “Đôi mắt đò ngang”, “Tình ca bên một dòng sông”, “Non nước Cao Bằng”, “Mẹ tôi”... Phần sau sẽ là các bài hát nhạc nhẹ như “Tình khúc bốn mùa”, bắt đầu với “Tình Thu” (phỏng thơ Bế Kiến Quốc), “Tình Đông” và “Tình Xuân” tôi viết nhạc và lời, “Tình Hạ” (thơ Nguyễn Thụy Kha), “Nghe biển ru đêm”, “Tình ca hoa cúc biển”... Bên cạnh những bài hát đằm thắm tươi đẹp, còn có những bài hát mang tâm trạng buồn như “Con dế buồn”... Tôi cũng chia sẻ thêm rằng tôi sẽ đọc một số bài thơ được yêu thích trên nền nhạc, ví như “Thiên thần” và “Quy Nhơn không đề”... Tất cả những bài hát thể hiện trong đêm nhạc đều được hòa âm, phối khí mới để đi vào lòng khán giả dễ dàng, ấn tượng hơn. 

- Từng nói “Làm báo để sống, làm thơ để chết, làm nhạc để chơi” và đối với ông “Khúc hát sông quê” là một “cuộc chơi” của riêng mình, nghe vậy thì thấy ông có vẻ cô độc quá?

- Thú thực, tôi ít chơi với ca sĩ. Tôi biết nhiều ca sĩ nhưng không chơi xô bồ. Chỉ chơi với ai hợp với mình thôi. “Cuộc chơi” của tôi có những khách mời là những bạn bè của tôi: Phú Quang và Giáng Son. Trong “cuộc chơi” ấy còn có các ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo, Lê Anh Dũng, Phương Anh (Sao Mai), Ban nhạc Cỏ lạ, nhóm 5 Dòng Kẻ, cùng đến nữa. Tôi xúc động khi Anh Thơ sẽ hát ủng hộ tôi vô điều kiện. Phú Quang thì chân tình bảo: “Nếu tôi mà lấy tiền cát-xê là phải lấy bằng dollar, nhưng riêng Nguyễn Trọng Tạo thì không bao giờ phải nói đến tiền”. 

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Viết nhạc lẫn thơ từ đáy lòng đến "cuộc chơi" của riêng mình ảnh 2Nhạc sĩ Giáng Son sẽ là một trong những khách mời của đêm nhạc “Khúc hát sông quê”

- Lạ thật, phần lớn các bài hát của ông là được sáng tác dựa trên thơ của người khác? Sao ông không sáng tác bài hát dựa trên thơ mình? 

- Tôi sáng tác dựa trên thơ người khác nếu tôi rung động bởi bài thơ ấy. Còn thơ tôi vốn đã có sẵn tính nhạc rồi. Nếu phổ nhạc nữa cảm xúc âm nhạc không còn mạnh mẽ và mới lạ nữa, tôi đã thấy đủ. Tôi cũng mong một nhạc sĩ khác cảm nhận được thơ của tôi rồi sáng tác bằng cảm xúc mới của họ, đó cũng là một điều hay mới. Phú Quang đã sáng tác “Một dại khờ một tôi” đậm chất trữ tình, dù thơ gốc của tôi thì có chút hóm hỉnh. 

- Chắc hẳn mỗi ca khúc đều để lại trong ký ức của ông một kỷ niệm?

- Nếu để ý, thì mỗi ca khúc của tôi đều mang một vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người. Tôi đã đi qua nhiều vùng đất, đâu chỉ là qua mà còn là nỗi nhớ nữa. Tôi viết ca khúc “Đồng Lộc thông ru” do trong chiến tranh tôi đã về Đồng Lộc nhiều lần. Có một kỷ niệm đẹp mà tôi nhớ mãi, ca khúc “Một dại khờ một tôi” khi nhạc sĩ Phú Quang sáng tác đã gọi điện thoại cho tôi, một tay Phú Quang chơi piano, một tay cầm điện thoại hát từng lời để tôi nghe. Cứ như vậy hồi lâu cho đến khi cả tôi lẫn Phú Quang hài lòng. Còn bài thơ “Cỏ và mưa” tôi viết gồm 4 câu, đây là một bài thơ sex, những câu thơ gợi cảm được nhạc sĩ Giáng Son viết nhạc. Nhưng cô ấy viết nhạc xong xuôi, phần lời tới câu thơ thứ 3 thì thấy khó, ngỏ ý muốn tôi làm “lời đuổi theo nhạc” cho hoàn thành nốt câu cuối. 

- Thời gian khiến ông bớt sôi nổi, đã trầm tĩnh hơn, giờ ông có mong muốn nào với con đường âm nhạc của mình? 

- Tôi vẫn đang sáng tác. Theo thời gian tôi sáng tác khác đi nhiều. Tôi biết, con đường âm nhạc của tôi giờ như một con dốc... Tôi mong mình xuống thẳng đứng.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!