Nhạc sĩ Mai Lâm: Có người từ xa nhớ Hà Nội

ANTĐ - Hí hoáy dùng mạng xã hội, viết những tản văn mênh mang nhớ bằng chính cái điện thoại bé bằng bàn tay rồi đăng trên trang cá nhân, bạn bè đọc được thích “phát cuồng” rồi xúi in thành  tập sách. Tính cả nể, ham vui, ông hì hụi tìm sửa chữa thêm bớt, rồi nhắm mắt nhấn lệnh “gửi”…Tản văn “Từ xa Hà Nội” của nhạc sĩ Mai Lâm ra đời theo cách rất “đột ngột” như thế.

Nhạc sĩ Mai Lâm: Có người từ xa nhớ Hà Nội ảnh 1Từ xa Hà Nội- sách do NXB Văn học ấn hành

1.Có vẻ như ông là người ít nổi tiếng hơn cả so với những người thân trong gia đình từ bố dượng, anh trai, em trai đến chị gái Thu Hiền- người có giọng thuyết minh phim hút hồn bao thế hệ khán giả truyền hình, và cả cháu dâu cháu trai, cặp đôi vàng của showbiz Việt: Anh Quân- Mỹ Linh. Nhưng chỉ cần đọc “Từ xa Hà Nội” cũng có thể lờ mờ đoán được rằng, những thú chơi, những đam mê thi thoảng “nhỡ nhàng quá đà” của ông thì cả gia đình cộng lại cũng không ai bằng.

Ông sống bằng nhiều nghề, trong khi nghề chính, được đào tạo bài bản từ Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cũng chỉ giúp ông đứng chân được vài năm ở Dàn nhạc Ca múa Tổng cục Chính trị, vài năm tiếp nữa ở Dàn nhạc của Liên đoàn xiếc Việt Nam. Ông sinh năm 1951, lớn lên vào thời vừa học vừa đi sơ tán, khó khăn, nghèo đói chất chồng. Sự thiếu thốn thuở ấy được ông nhẹ nhàng kể trong từng trang viết của mình. Không sụt sùi “ôn cố” mà ngược lại, rất dí dỏm, hài hước. Rồi lạ lùng, sao cái thời nhọc nhằn như thế mà nhân cách con người ta vẫn cứ trong trẻo? Bạn bè - thầy trò gắn bó với nhau máu thịt thật lòng, chứ không có cái kiểu giả lả hời hợt như thời nhan nhản tiện nghi hiện đại công nghệ bây giờ.

2. Không phải là người viết chuyên nghiệp, nên chuyện Mai Lâm ra sách đầy tình cờ và bất ngờ. Bất ngờ ngay cả với cá nhân ông. Năm 1987, nhạc sĩ Mai Lâm đùng đùng đăng ký xin đi xuất khẩu lao động tại CHDC Đức. Rồi ông định cư tại đó. Hỏi chuyện rằng, sao yêu Hà Nội đến thế mà lại nỡ lòng nào dứt áo chia xa “người mình yêu” cho đến tận bây giờ. Ông trả lời ra đi vì nghèo. Tất nhiên, công cuộc mưu sinh nơi xứ người với đủ nghề cũng đã được ông kể khá chi tiết trong “Từ xa Hà Nội”.

Vòng vèo thế nào, từ chuyện rửa bát thuê cho một nhà hàng người Hoa, hùn vốn mở cửa hàng bán pizza với một “đối tác” người Ý, chuyện cậu em mê xe hơi, leo lên xe là mắt sáng rực “như dành đủ tiền mua vé máy bay về Việt Nam”… rốt cuộc cũng là những lời mở đầu cho câu chuyện mà ông sẽ kể về Hà Nội của ông. Những hồi ức về Hà Nội chẳng biết tự bao giờ đong đầy trong suy nghĩ, thấm đẫm trong từng mạch máu, trong cái cơ thể mà ông tự nhận là ham chơi và vô tích sự, còn bạn bè và những người yêu quý ông thì bảo rằng, ông là nhà sưu tập của đủ các thể loại có thể sưu tập được. Hà Nội trong hồi ức của Mai Lâm là những con phố vắng. Nắng sớm mùa thu xiên vào từng ô cửa, dàn hoa khẽ đung đưa trong gió… Kể đến đây ông cười bảo, hình ảnh nhà tôi ngày xưa trên phố Nam Ngư đấy, khi cả gia đình chuyển sang phố Trần Quốc Toản thì vẫn hình ảnh đó, chẳng thay đổi gì… Vậy là nỗi nhớ cứ thôi thúc ông phải viết, viết trên điện thoại, được dòng nào thì “đẩy” lên mạng xã hội. Những dòng hồi ức hóm hỉnh, lối kể chuyện duyên dáng thi thoảng “khuyến mãi” thêm vài “giọt” ngông cuồng cộng thêm ảnh đại diện (avatar) đẹp trai hao hao nhân vật Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”, thế là ông bỗng dưng được rất nhiều cô gái xin kết bạn, rồi ngỏ lời mời cà phê, mời ăn trưa… làm ông phải cảnh giác hơn khi dùng facebook.

3.Tiêu đề cuốn tản văn “Từ xa Hà Nội” thực ra được lấy từ chính một album nhạc ông viết từ năm 2001. Ngay cả chuyện ra 2 album nhạc trong đó có “Từ xa Hà Nội” cũng vẫn do nỗi nhớ quê hương thôi thúc mà nên. Ông bảo vì ông nhớ Hà Nội, nhớ từng góc vỉa hè khi xưa ông thường cùng đám bạn lê la uống bia và tếu táo đùa; Nhớ những buổi trưa hè chang chang nắng, không ngủ, trốn ra đường bắt châu chấu về nuôi gà; Nhớ ngôi nhà cũ ở Nam Ngư, có song cửa màu xanh và giàn ti-gôn hoa thắm đỏ… Nhạc sĩ Mai Lâm lý luận theo cách riêng của mình: “Nếu không sống xa Hà Nội thì tôi không thể viết được những dòng như thế. Tôi quan niệm, được sống hơn là được viết. Tội gì phải viết về cuộc sống trong khi mình đang được sống trong nó và đương nhiên, nên sống thay vì viết về cuộc sống”. Tất nhiên, Mai Lâm có lý lẽ của riêng mình, ông không phải là nhà văn, viết lách với ông cũng chỉ là “không hẹn mà nên”. “Từ xa Hà Nội” - tập tản văn do NXB Văn học mới ấn hành còn có vài câu chuyện riêng tư, nói theo ngôn ngữ giới trẻ bây giờ là tự “dìm hàng”. Lại có cả những chuyện kể về bạn bè, thầy trò anh em… mới có, cũ có. Hẳn là, người đọc khó tính sẽ bảo, tay này tào lao, nhưng đó cũng là những dòng soi chiếu cả một lớp người, sống trong khốn khó nhưng tràn đầy yêu thương.