Nhà văn Vũ Hùng: Ẩn sau thiên nhiên là những bài học cuộc đời

ANTĐ - Bẵng đi 25 năm sinh sống, định cư ở Pháp, phải đến khi nhà văn Vũ Hùng quay về Việt Nam 1 năm trước, những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi danh từ những năm 60 của thế kỷ trước mới lại có dịp đến với độc giả trẻ. Có đọc những tác phẩm đó mới thấy, Vũ Hùng xứng đáng là bậc thầy mô tả thiên nhiên của nền văn học Việt Nam. 
Nhà văn Vũ Hùng: Ẩn sau thiên nhiên là những bài học cuộc đời ảnh 1

Tình yêu với thiên nhiên

Nếu có một lý do để nhà văn Vũ Hùng sáng tác về thiên nhiên hay như vậy thì chính là những năm tháng hành quân dài dằng dặc, vất vả trong đời lính. Năm 1950, ông nhập ngũ và học tại trường Thủy quân Việt Nam và trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Sau khi tốt nghiệp, ông trải qua 30 năm trong quân đội với các cương vị Đài trưởng Đài vô tuyến điện, trạm trưởng một trạm nguồn điện của Binh chủng thông tin, phóng viên của Báo Quân đội nhân dân. Chính trong hành trình đi bộ xuyên biên giới đến với nước bạn Lào tuy vất vả, nhưng cực kỳ quý giá, ông đã có cơ hội được hòa mình với thế giới thiên nhiên kỳ thú.  

Nhà văn Vũ Hùng: Ẩn sau thiên nhiên là những bài học cuộc đời ảnh 2

Ông chia sẻ: “Trong những ngày nghỉ, tôi tiếp xúc với những người dân tộc, đặc biệt là những người đi săn, cùng ngồi trên những chòi rừng, quan sát các dấu chân… tôi tích lũy được những trải nghiệm đặc biệt”. Bạn đọc “Con culi của tôi” chắc hẳn nhớ con vật thông minh đã ở bên cạnh nhà văn trong suốt năm tháng ở rừng. “Nó là bạn của tôi trong nhiều năm. Ngủ đêm trong rừng, tôi buộc nó cạnh chỗ tôi nằm. Nếu nó ngồi yên bên tôi, tôi có thể ngủ yên theo. Nếu nó bám riết lấy tôi và run rẩy tức là có một nguy hiểm đang gần kề, phải đề phòng” - ông chia sẻ. 

Nhà phê bình văn học Vân Thanh bảo, truyện của Vũ Hùng hấp dẫn thiếu nhi vì ông đã tạo nên cả thế giới vừa kỳ ảo, vừa rất thực, đủ sức lay động trái tim của độc giả. Còn nhà báo Nguyễn Như Mai thì cho rằng, “đọc sách Vũ Hùng thấy cả một thế giới động vật cựa quậy, sống động trong đó”. Và ẩn sau thế giới của muông thú, những bầy hươu nai, bầy voi, những con bò tót hùng dũng, lũ báo gấm uyển chuyển… là cả những bài học sâu sắc của cuộc đời, dạy trẻ em yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu đất nước. 

Một con người nhân ái 

Nếu so với những cây bút xuất sắc viết về thiếu nhi mà nền văn học Việt Nam đã từng có được như nhà văn Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Tô Hoài… thì có lẽ cái tên Vũ Hùng ít được người đọc trẻ tuổi biết đến. Nhưng đối với các lứa độc giả thuộc thế hệ đi trước, có lẽ không ai là không từng một lần đọc những tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, “Mùa săn trên núi”, “Sao Sao”, “Vườn chim”… Bởi vậy, trở về Việt Nam sau một thời gian dài ngót nghét 25 năm định cư ở Pháp, ông nhận được sự chào đón nồng ấm từ những người đồng nghiệp, những bạn bè xưa. Nhà văn Hà Phạm Phú - Báo Quân đội nhân dân cho hay, không chỉ là một nhà văn, Vũ Hùng còn là nhà báo tài giỏi.

Chính quãng thời gian làm việc chung đã khiến ông chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Vũ Hùng về những tư tưởng viết văn, viết báo. Nhà thơ Văn Chinh thì cho rằng, Vũ Hùng quả thực là một người lương thiện bởi văn của ông luôn hướng con người đến sự nhân ái. Với bất cứ ai khi gặp Vũ Hùng đều cảm nhận ông là con người đôn hậu, lịch thiệp và tốt bụng. Chắc chắn rồi, phải có trái tim lớn lao thì một người cầm bút mới đủ sức viết ra những tác phẩm làm lay động biết bao thế hệ độc giả đến vậy. 

Ít ai biết rằng trong khoảng thời gian sinh sống bên Pháp, nhà văn Vũ Hùng cũng có những gánh nặng mưu sinh. Ở xứ người, ông đã từng phải đi rửa bát, làm phụ bếp, rồi làm bếp chính trong một nhà hàng. Không viết văn, ông tiếp tục dịch và chuyển ngữ nhiều tác phẩm dành cho thiếu niên. Ông còn áy náy vì chưa thể giúp đỡ các nhà văn trẻ xuất bản những tác phẩm đầu tay của mình. Ở tuổi 84, niềm đam mê với nghề viết, nỗi trăn trở với sự nghiệp văn chương trong Vũ Hùng dường như chưa bao giờ nguôi ngoai. 

Xuất bản 12 cuốn sách của nhà văn Vũ Hùng

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt ấn bản mới 12 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng như “Mùa săn trên núi”, “Sao Sao”, “Sống giữa bầy voi”, “Giữ lấy bầu mật”, “Chú ngựa đồng cỏ”, “Bầy voi đen”, “Con culi của tôi”, “Vườn chim”… Trong đó, 2 tác phẩm “Sao Sao” (1982) và “Sống giữa bầy voi” (1986) của ông đã giành được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.