Nhà văn Trang Hạ: "Phẩm cách phụ nữ" sẽ tạo nên cơn sốt và sự tranh cãi trên mạng xã hội"

ANTD.VN - Đó là suy nghĩ được nhà văn Trang Hạ thẳng thắn bày tỏ sau khi đọc xong cuốn sách “Phẩm cách phụ nữ”.

“Phẩm cách phụ nữ” là một trong bộ ba cuốn sách mạn đàm về chuyện “phẩm cách”  được NXB Phụ nữ mua bản quyền từ Nhật Bản, gồm: Phẩm cách quốc gia, Phẩm cách Phụ nữ, Phẩm cách cha mẹ. Đây là ba cuốn sách ngay khi liên tiếp ra đời ở xứ ở hoa Anh Đào từ năm 2005 đến năm 2007 đã tạo nên “cơn sốt” thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận Nhật với số lượng bản phát hành chỉ tính riêng trong nước đã lên tới hàng triệu bản. Thậm chí, năm 2006,  từ “phẩm cách” còn giành giải thưởng cho từ ngữ mới xuất hiện tại nước Nhật.Nhà văn Trang Hạ: "Phẩm cách phụ nữ" sẽ tạo nên cơn sốt và sự tranh cãi trên mạng xã hội" ảnh 1

Nhà văn Trang Hạ

Nhà văn Trang Hạ chia sẻ, chị đã đọc cả ba cuốn sách trên và thực sự bị hấp dẫn bởi “Phẩm cách phụ nữ”. Cây viết nổi tiếng với những lần “bút chiến” liên quan đến chuyện chị em bộc bạch, khi đọc được khoảng 100 trên tổng số gần 300 trang của cuốn sách này, chị đã tò mò lật lại tiểu sử của nữ tác giả Bando Mariko vì những suy nghĩ quá khác biệt và đáng bàn của bà.

Ví dụ như người Việt từ xưa đến nay vẫn có quan niệm “chiếc áo không làm nên thầy tu” hay “ăn cho mình, mặc cho người”, song quan niệm ấy lai được phản biện một cách rất hợp lý trong “Phẩm cách phụ nữ”. Nói nôm na là nếu như một ai đó tự thấy mình có năng lực siêu nhân và muốn mọi người công nhận mình là siêu nhân thì trước tiên, phải mặc bộ quần áo siêu nhân chứ không phải bộ đồng phục của một người thợ sơn. Với chị em phụ nữ cũng vậy, người ăn diện có phẩm cách thực sự sẽ không chỉ để tâm đến những bộ quần áo mặc bên ngoài thể hiện sở thích, gu thẩm mỹ của mình mà cả đồ nội y bên trong.

Quan niệm này xuất phát từ suy nghĩ: trang phục không chỉ là cái vỏ bọc bề ngoài mà còn thể hiện rất rõ phẩm cách của người phụ nữ. Bởi lẽ, đa phần người ta sẽ xét đoán nội dung bên trong dựa vào cái vỏ bên ngoài. Hơn nữa, việc lựa chọn những thứ bề ngoài cũng thể hiện tài năng và cảm quan của người sử dụng. Vì thế, việc mặc ở đây cũng chính là mặc cho bản thân mình trước tiên. Như đúc rút của nhà văn Trang Hạ sau khi đọc xong cuốn sách này: “Hãy chiều chuộng bản thân trước khi làm hài lòng thế giới”.

Cũng trong gần 300 trang của “Phẩm cách phụ nữ”, tác giả Bando Mariko còn đưa ra rất nhiều cẩm nang quý báu mà bất cứ người phụ nữ nào cũng nên ghi nhớ, từ việc tặng quà thế nào để người nhận cảm thấy hạnh phúc, từ chối thế nào để giữ được phép lịch sự, phép tắc cư xử trong các bữa tiệc, nói chuyện sao cho có phẩm cách, không nhận những món đồ miễn phí, không làm thân với những người đang được mến mộ, không thể hiện cơn giận ra mặt, không phàn nàn về gia đình, không nói xấu bạn bè hay người quen…

Điều thú vị như nhận định của nhà văn Trang Hạ, đó là những cẩm nang này không chỉ thu gọn hay giới hạn trong phụ nữ mang quốc tịch Nhật Bản mà có giá trị với phụ nữ nói chung, cũng không chỉ có ý nghĩa với phái yếu mà cánh mày râu lại chính là những người nên đọc đầu tiên. Nữ nhà văn này cũng tin rằng, những gì được đề cập trong “Phẩm cách phụ nữ” chắc chắn sẽ tạo nên “cơn sốt”, thậm chí là tranh luận trái chiều trên cả mạng xã hội lẫn ngoài cuộc sống.

Bên cạnh “Phẩm cách phụ nữ”, hai cuốn sách còn lại trong bộ sách “phẩm cách” là “Phẩm cách quốc gia” (tác giả Fujiwara Masahiko) và “Phẩm cách cha mẹ” (cũng của tác giả Bando Mariko) hứa hẹn tạo ra hiệu ứng dây chuyền không kém về mặt cảm xúc lẫn tư duy đối với độc giả Việt Nam. Ở đó, người ta sẽ hiểu được gốc rễ vẻ bề ngoài lạnh lùng, kiêu hãnh của  người Nhật chính là sự khiêm tốn và lòng tự tôn dân tộc rất cao. Với họ, đó thực sự là kim chỉ nam để không đánh mất những giá trị cội nguồn làm nên phẩm cách của một quốc gia. Người ta cũng sẽ hiểu vì sao người Nhật coi trong việc đọc sách hơn học ngoại ngữ, đề cao việc giữ gìn sự trong sáng và vẻ đẹp của tiếng dân tộc hơn là ngôn ngữ quốc tế, cũng như rất nhiều thói quen có phần lạ lùng khác của người Nhật.

Trong khi đó “Phẩm cách cha mẹ” lại đem đến cho các bậc làm cha, làm mẹ những kỹ năng nuôi dưỡng và giáo dục đối với con cái, từ khi chúng còn là đứa trẻ đến khi trưởng thành, kết hôn và có cuộc sống riêng. Lý lẽ xuyên suốt cuốn sách này là con cái sẽ không lớn lên và trưởng thành giống như cha mẹ nghĩ và con cái cũng không thể lựa chọn được cha mẹ cho mình. Vì vậy, trong mối quan hệ này, cả hai bên đều phải nỗ lực một cách tối đa để có được một mối quan hệ có phẩm cách.

Dịch giả Quốc Vương

Chia sẻ về cơ duyên chuyển ngữ 3 cuốn sách này, dịch giả Quốc Vương kể, anh đến với nước Nhật cũng rất tình cờ. Dịch giả này cho biết, trước kia anh học khoa Sử trường Đại học Sư phạm và không hề biết tiếng Nhật. Sau khi tốt nghiệp, Quốc Vương ở lại trường làm giảng viên. Một lần, người thầy ở trong trường gọi anh ra bảo có 3 vị giáo sư người Nhật sang trường tuyển người sang nước này du học. 3 ngày sau khi có cuộc trò chuyện với các vị giáo sư trên, anh được tuyển sang Nhật học.

Khi mới sang Nhật, Quốc Vương ở cùng phòng với một cậu sinh viên. Trong căn phòng rộng vỏn vẹn có 12m2, cả hai gần như rất khó giao tiếp với nhau vì cậu bạn kia nói tiếng Nhật, còn Quốc Vương lại chỉ có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh. Sau khi chuyển đến trường Đại học mới bên Nhật, nơi Quốc Vương ở rất gần với một hiệu sách lớn, có thể vào đọc sách thoải mái mà không mất tiền, chỉ cần giữ gìn sách. Cuối tuần, anh thường ra đó xem người Nhật đọc gì và thấy mọi người nói các cuốn sách về “phẩm cách” kể trên đang được quan tâm và bán rất chạy. Sau khi đọc một lèo trong vòng vài ba ngày, Quốc Vương thực sự bị cuốn hút và cảm thấy cần phải dịch những cuốn này sang tiếng Việt để độc giả ở quê nhà cũng có thể đọc được.

Theo dịch giả Quốc Vương, khi dịch bộ ba cuốn sách này, tiêu chí đầu tiên và cao nhất mà anh đặt ra, đó là trung thành với nguyên tác  ngay từ tiêu đề. Cũng bởi vậy mà từ “phẩm cách” được dịch hoàn toàn sát nghĩa và tôn trọng tuyệt đối bản sách gốc.

Với bộ ba cuốn sách nói về “phẩm cách”, dịch giả Quốc Vương cũng hy vọng sẽ giúp độc giả Việt Nam phần nào hiểu hơn về ý chí, tư duy và tâm hồn của người dân xứ sở Mặt trời mọc vốn được cả thế giới biết đến là xứ sở của những con người có tinh thần võ sĩ đạo kiên cường, biết cân bằng giữa cảm xúc và lý tính.