Nhà văn Nguyễn Thu Phương: Với tình yêu, tôi đặc biệt có cảm hứng... gõ phím

ANTĐ - Nguyễn Thu Phương được nhiều người nhớ tới với vai trò tác giả kịch bản của nhiều vở kịch ăn khách, trong đó có vở “Nhà có 3 chị em gái” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, đã sáng đèn suốt một thời gian dài. Mới đây, tại TP.HCM, chị vừa ra mắt tập truyện ngắn “Khỏa thân trắng”, sau 9 năm im ắng với văn chương. 
Nhà văn Nguyễn Thu Phương: Với tình yêu, tôi đặc biệt có cảm hứng... gõ phím ảnh 1

- PV: Có không ít độc giả, thậm chí cả một số bạn viết trẻ biết đến chị như là một nhà biên kịch vừa “bước vào văn chương” với tập truyện “Khỏa thân trắng” (Phương Nam &NXB Hội Nhà văn) chứ không phải là tác giả của 13 cuốn sách đã ấn hành?

- Nhà văn Nguyễn Thu Phương: Thực tế không chỉ có một số bạn viết trẻ mà không ít độc giả lâu năm cũng nghĩ như thế. Nghe hơi buồn nhỉ, nhưng có thể tự an ủi mình thôi, một người mới “chuyển nghề” nghe cũng còn đỡ hơn… đồ cổ mới khai quật lên.

- 9 năm, khoảng thời gian hơi dài để vượt qua con số 13. Chị có thể lý giải vì sao chị hờ hững với văn chương như thế? Phải chăng chị đã “phải lòng” với điện ảnh, với truyền hình, sân khấu?

- Từ năm 2006 đến nay, có quá nhiều biến cố xảy đến với tôi về sức khỏe, tình cảm, gia đình. Trùng hợp ngẫu nhiên, tôi cũng từng chịu đến… 13 lần mổ rồi, trong đó có dăm lần là đại phẫu. Chỉ có công việc là thuận lợi, nhưng lại theo chiều hướng phim ảnh, truyền hình, sân khấu. Và tôi không còn thời gian để nghĩ nhiều đến việc viết văn và in sách.

- Một số người thắc mắc, với 11 truyện ngắn trong tập “Khỏa thân trắng”, có bao nhiêu phần trăm cuộc sống của chị ở các câu chuyện tình đó? 

- Chẳng tính ra nổi là bao nhiêu phần trăm. Chỉ biết rằng với tình yêu, tôi đặc biệt có cảm hứng liền mạch khi gõ phím sáng tác. Đa số các truyện tôi viết đều sau những chuyến đi và cả sau những câu chuyện tình cảm riêng tư của đời mình. 

- Văn chương, với chị bây giờ nó như thế nào? Có khác với 10 năm trước?

-  Càng trải qua nhiều đau đớn, đổ vỡ, bi kịch trong đời thì khả năng chịu đựng của tôi càng tăng lên, tôi nhìn sự việc càng dễ thấy… bình thường hơn, đơn giản hơn. Tôi thích nhìn ở phía cuộc đời đẹp đẽ, trong trẻo, tươi nhuần, hồn hậu… để còn có niềm vui, hạnh phúc hay hy vọng mà sống, mà bước tiếp. Chứ nỗi đau đã kín miệng, vết sẹo đã mờ dần còn cố khơi lại cho nhức nhối thêm làm gì. Tôi tự chọn cho mình truyện ngắn “Phiêu linh trắng” như một mốc chuyển, từ đó tôi sẽ viết thành cả một “dòng” văn có cùng phong cách.

Tôi quan niệm với văn thì không nhất thiết cứ phải bê nguyên xi cả cuộc sống mình vào tác phẩm. Nhà văn có toàn quyền hư cấu, bay bổng hay hư ảo, thả mình trong những tưởng tượng vô cùng, hoặc tự biến những giấc mơ không đạt giữa đời thường thành hiện thực trong truyện ngắn, hay trong những sáng tác của mình.

- Đọc tập truyện ngắn mới này của chị, thấy có rất nhiều màu trên từng tên truyện: “Phiêu linh trắng”, “Nắng trên đồi xanh”, “Xe đỏ”… Một bảng màu đa dạng, như chính tác giả?

- Văn là người và tôi là người thích có cuộc sống phong phú, lấp lánh, lung linh nhiều màu sắc. Những lúc viết văn tôi thường có những cơn ngưng lặng, nhắm mắt tưởng tượng ra hình ảnh, hành động, âm thanh, nhất là màu sắc… cùng kiểu như khi “nhập vai” để viết kịch bản. - Sau “Khỏa thân trắng”, chắc chị không bắt độc giả đợi đến… 9 năm sau nữa chứ?

- Tôi đã nhận được những đơn đặt hàng tiếp theo cho 2 cuốn sách nữa, đó cũng chính là động lực để tôi phải chăm chỉ viết. Dự kiến trong năm sau tôi sẽ lại in tiếp sách mới. Nhưng trước mắt tôi mong “Khỏa thân trắng” sẽ sớm được tái bản và không chỉ tái bản thêm một lần.

- Xin cảm ơn chị!