Nhà văn Đỗ Phấn: Yêu Hà Nội trong từng cách ăn, cách nói và thú đi chơi Bờ Hồ

ANTD.VN -Các bạn văn, độc giả của nhà văn Đỗ Phấn từng hỏi ông rằng, liệu ông có cảm giác bi quan nào về Hà Nội bây giờ hay chăng? Nhà văn Đỗ Phấn thành thực, ông không cảm thấy nghiêm trọng đến thế. “Chất” Hà Nội vĩnh viễn không bao giờ mất đi, chỉ có lúc đậm đặc hay pha loãng...

Nhà văn Đỗ Phấn

Luôn tồn tại một thứ vô hình mà nhà văn Đỗ Phấn tạm gọi là “hạt nhân của Hà Nội”, đôi khi những hạt nhân lan tỏa được, đôi khi không, đó là lẽ thường, là chu trình buộc phải diễn ra. Nhà văn hiểu và bình thản với điều ấy.

Cách ăn, cách nói của người Hà Nội

Vì vậy, dù đã viết khoảng 20 cuốn sách về Hà Nội, nhưng nhà văn Đỗ Phấn vẫn không thôi miệt mài với đề tài này. Mới đây, “Tủ sách Hà Nội trong mắt một người” của NXB Trẻ đã mở đầu với 4 cuốn sách của họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn: “Bâng quơ một thời Hà Nội”, “Đi chơi Bờ Hồ”, “Ngẫm ngợi phố phường”, “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”...

Ở đó, nhà văn Đỗ Phấn dẫn dắt đắt độc giả đi từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, với những tản văn có thể khiến độc giả bật cười vì thú vị, hoặc trào nước mắt vì ký ức. Ví như: “Lược khảo về quả cà”, “Bún cá Hà Nội”, “Nắm cơm của mẹ”, “Dưa muối tùy tay”, “Cháo nóng húp quanh”, “Thịt luộc mắm tép”...

Nhà văn Đỗ Phấn “bật mí”, thực chất, khi viết về Hà Nội, ông quan tâm tới cách ăn của người Hà Nội chứ không quan tâm đến món ăn nhiều lắm. Theo nhà văn, mặc dù xưa nay, hễ nói tới ẩm thực, người ta cứ hay dạy dỗ nhau “chui” vào bếp thì phải nấu món này như thế nào, nấu món kia làm sao... nhưng ông lại thấy điều đó hơi... vô ích.

Lý giải điều này, nhà văn Đỗ Phấn cho rằng, cái chính là mỗi người phải học cách ăn, khi đã biết ăn rồi thì họ mới biết món đó thiếu cái gì, thừa cái gì. Nói về ăn sẽ có rất nhiều điều đặc biệt vì tùy theo từng món, nhà văn chẳng thể nào nói hay viết ra hết trong những cuốn sách của mình. Song, ông luôn ghi nhớ bà và mẹ đã dạy ông cách ăn. Giản đơn như khi bà và mẹ ông muối dưa muối cà đều cho đủ gia vị. Cà muối ăn cùng các loại canh nấu bằng rau mát như rau đay, rau mồng tơi, rau muống... Còn dưa muối ông thường ăn với thịt quay, các món thịt có nhiều mỡ để trung hòa vị ngấy béo.

Trong ký ức của nhà văn Đỗ Phấn, bà và mẹ ông nói rất nhiều về cách ăn, thậm chí có khi vừa ngồi vào mâm đã nói, nói cho đến lúc đứng dậy mới thôi. Đầu tiên, họ nói về cách trải chiếu dưới nền nhà. Hồi ấy Hà Nội nghèo khó, nhà ông không có bàn ăn tiện nghi như bây giờ và hồi ấy trải chiếu phải vuông, mâm phải đặt chính giữa. Khi nhà văn Đỗ Phấn so đôi đũa, đầu đũa gắp đặt lên mâm, đầu đũa cầm đặt xuống dưới. Hai chiếc đũa phải cùng loại, so bằng nhau khi sắp mâm.

Tiếp đến, nhà văn Đỗ Phấn nhớ cách ngồi ăn. Ông nhớ thứ tự người ngồi trong mâm cơm nhà mình, chỗ ngồi quen của từng người, bà và mẹ ông hay ngồi đầu nồi xới cơm.

Theo nhà văn Đỗ Phấn, nên có thêm nhiều tác giả viết sách dạy cách ăn chứ không chỉ dạy nấu ăn. Nhà văn cũng bày tỏ một nỗi e ngại, khi bây giờ tuy nhiều người Hà Nội biết cách ăn, nhưng cũng không ít người chưa biết.

Cách nói và cách làm của người Hà Nội cũng được nhà văn Đỗ Phấn điểm xuyết trong những cuốn sách của ông. Theo ông thì cách nói của người Hà Nội không đến nỗi rườm rà hay thưa gửi gì ghê gớm lắm. Người Hà Nội khiêm tốn có điểm hay, ấy là chuyển chữ “tôi” thành chữ “chúng tôi”. Hoặc, với người cao tuổi hơn, người Hà Nội vẫn có chữ thưa ở đầu câu chứ không nói trống không, còn với người ít tuổi, cũng tránh việc nói như ra lệnh.

Nhà văn Đỗ Phấn: Yêu Hà Nội trong từng cách ăn, cách nói và thú đi chơi Bờ Hồ ảnh 2

Những cuốn sách của nhà văn Đỗ Phấn trong "Tủ sách Hà Nội trong mắt một người"

“Nơi tôi sinh ra cách Bờ Hồ 15 mét”

Bên cạnh cách ăn, cách nói, thú đi chơi Bờ Hồ bước vào văn Đỗ Phấn cũng giản dị và tự nhiên. Không nhiều người biết rằng nơi nhà văn sinh ra và lớn lên cách Hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 15 mét, ở đầu phố Bà Triệu. Nhà văn Đỗ Phấn nhìn Bờ Hồ như một sân chơi lớn, phù hợp với mọi lứa tuổi: trẻ con, người già, thanh niên... Ai đến Hà Nội mà chưa đi Bờ Hồ thì chưa gọi là biết Hà Nội. Khách ở quê ra thế nào chủ nhà cũng phải chiều lòng dẫn ra chơi Bờ Hồ đủ một vòng.

Có người hỏi vui, nhà văn sinh ra và lớn lên cách Bờ Hồ chỉ 15 mét thì khác những người cách Bờ Hồ xa hơn ở điểm gì? Nhà văn Đỗ Phấn cười, bảo điểm khác ấy độc giả phải tìm trong sách của ông, chứ không thể hỏi và trả lời được.

Cũng vì yêu quý Hà Nội sâu đậm, nên nhà văn hiện vẫn ấp ủ những tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn về Hà Nội. Hồ Gươm có lẽ không thể thiếu bóng dáng ở trong đó. Tháng tư, dành một phần thời gian để vẽ hoa loa kèn thành phố, nhà văn nhẹ tênh nói rằng ông yêu Hà Nội rất đơn giản, vì ông không còn nơi khác để yêu.